Phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía sẽ diễn ra vào ngày 9/3/2022.
Bộ Công thương cho biết, ngày 9/3 tới đây, Bộ sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.
Vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.
Căn cứ Điều 70 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, để tạo điều kiện cho các bên liên quan trình bày thông tin và ý kiến, Cơ quan điều tra sẽ tổ chức buổi tham vấn công khai trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía.
Phiên tham vấn sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, ngôn ngữ bằng tiếng Việt. Cơ quan điều tra sẽ gửi hướng dẫn truy cập cho các Bên liên quan đã đăng ký trước thời hạn quy định.
Thời hạn gửi nội dung đăng ký trình bày tại phiên tham vấn trước 17h ngày 7/3/2022.
Quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC)) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN gồm: Lào, Camphuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam.
Quyết định điều tra này bắt nguồn từ việc tháng 2/2021, Bộ này áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đến 15/6/2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức với mức thuế 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan
Số liệu nhập khẩu của cơ quan hải quan cho thấy lượng nhập khẩu đường được khai báo là có xuất xứ từ 5 nước ASEAN nói trên trong giai đoạn sau khi Việt Nam khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường mía từ Thái Lan (từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021) đã tăng mạnh so với giai đoạn 9 tháng trước đó.
Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 107.600 tấn lên 527.200 tấn. Trong khi đó, lượng nhập khẩu đường có xuất xứ từ Thái Lan vào Việt Nam đã giảm gần 38%, từ 955.500 tấn xuống còn 595.000 tấn.