Bất chấp nhu cầu làm việc tại nhà trong đại dịch Covid-19, các ông lớn công nghệ đua nhau mua bất động sản, thu hút người lao động quay trở lại văn phòng.
Covid-19 đã buộc các Big Tech - tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google và Facebook chuyển lực lượng lao động tại văn phòng sang làm việc tại nhà suốt hàng tháng trời. Khi cơn đại dịch đã có những diễn biến mới và tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, các hãng vẫn cho phép nhân viên work-from-home toàn thời gian.
Thế nhưng, trong tình hình đó, các Big Tech vẫn liên tục đổ tiền vào xây dựng các tòa nhà, cơ sở vật chất trên khắp nước Mỹ.
“Cơn sốt đất” của Big Tech
Tháng 2, một toán công nhân thi công được điều đến để hoàn thiện tòa nhà cao 12 tầng đặt tại thành phố Tempe, Arizona. Sau khi xây dựng xong, tòa nhà có thể chứa đến 5.550 nhân viên của Amazon.
Một thành phố khác của Arizona, Phoenix, cũng đang chứng kiến cuộc đua bất động sản thương mại của ngành công nghệ. Theo The New York Times, lĩnh vực này vừa qua đã lên cơn sốt do nhu cầu mua sắm, làm việc và giao tiếp trực tuyến của người dùng tăng cao trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Một số công ty công nghệ yêu cầu nhân viên phải tiêm phòng để trở lại văn phòng. Ảnh: The New York Times.
Những ông lớn công nghệ như Meta và Google là những kẻ tiên phong cho phép công nhân làm việc từ xa nhưng vẫn chi hàng tỷ USD để mở rộng văn phòng, trụ sở.
Vào tháng 1, 48% nhân viên làm việc trong lĩnh vực máy tính và thuật toán, 35% trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng cho biết họ đang phải làm việc tại nhà vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS).
Thế nhưng, cơn sốt đất của các Big Tech ngày càng mạnh mẽ và thậm chí lan rộng ra những khu vực ngoài Thung lũng Silicon.
Ở Phoenix, lượng văn phòng cho thuê tăng đến 300% chỉ trong vòng 1 năm từ giữa 2020 đến giữa 2021. Hàng loạt các tòa nhà được cho thuê, tái thiết, chiếm đến 93.000 m2 đất, theo CBRE.
Những địa điểm vốn thường không xuất hiện các hãng công nghệ cũng chứng kiến sự thay đổi. Tại Vancouver, British Columbia, hoạt động thuê văn phòng của các tập đoàn tăng trưởng gấp đôi vào năm 2021, tăng từ 249.000m2 lên 52.000 m2 diện tích cho thuê.
Trong số các hãng công nghệ, Amazon năng nổ nhất trong việc thu mua bất động sản thương mại. Công ty công nghệ đa quốc gia này thông báo sẽ tăng số lượng nhân viên văn phòng trên 6 thành phố tại nước Mỹ. Logo của Amazon xuất hiện khắp nơi tại Phoenix. Hãng cũng vừa nâng cấp thêm 5 tầng của tòa nhà Tempe mới xây và dự kiến hoàn thành trong năm nay.
Chiêu mộ nhân tài
Các tập đoàn, chuyên gia về bất động sản và việc làm đều cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến “cơn sốt văn phòng” này là nhằm phục vụ cho kế hoạch tuyển dụng, thu hút nhân tài cho các hãng.
Apple thúc đẩy kế hoạch trở lại văn phòng bất chấp những phản đối của nhân viên. Ảnh: The New York Times.
Trong 3 quý cuối năm 2021, số tòa nhà được các tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ thuê tăng đến 76% so với năm ngoái, công ty bất động sản CBRE cho biết.
“Dù cho nhân viên làm việc từ xa, nhưng các hãng vẫn mong muốn và đang lên kế hoạch để quay trở lại làm việc tại văn phòng”, Victor Coleman, CEO của tập đoàn đầu tư bất động sản Hudson Pacific Properties nhận định.
Holly Sullivan, Phó chủ tịch mảng phát triển kinh tế của Amazon, cho biết việc mở rộng trụ sở trong nước nhằm tiếp cận nhiều “danh sách” các ứng viên tiềm năng, nâng cao tính linh hoạt và đa dạng trong công việc, đồng thời tạo cơ hội việc làm cho nước nhà.
Nội bộ chia rẽ vì work-from-home
Hàng loạt các cuộc tranh cãi về quy định quay lại văn phòng đã nổ ra. Trong đó, phía công, nhân viên cho rằng họ cảm thấy vui vẻ và làm việc năng suất hơn khi ở nhà. Ngược lại, các Big Tech lại ra sức thuyết phục họ trở lại bằng cách chi mạnh tay để nâng cấp, trang hoàng đầy đủ tiện nghi cho các trụ sở làm việc.
Ông chủ của các hãng công nghệ cho rằng mở rộng văn phòng sẽ tạo ra những không gian mới để nhân viên dễ dàng kết nối, hợp tác với nhau thay vì chỉ chăm chăm vào màn hình máy tính.
Meta, công ty mẹ của Facebook, đã thuê gần 68.000 m2 đất tại khu Midtown Manhattan vào tháng 8/2020, đồng thời mở rộng khuôn viên ở Thung lũng Silicon, Austin, Texas, Boston, Chicago…
“Với những nỗ lực đầu tư vào cơ sở vật chất, chúng tôi hy vọng nhân viên sẽ quay trở lại làm việc khi tình hình dịch bệnh trở nên ổn định hơn”, Tracy Clayton, đại diện của Meta chia sẻ.
Năm ngoái, Google từng khẳng định sẽ dành ra 7 tỷ USD để xây mới và mở rộng văn phòng và các trung tâm dữ liệu trên toàn quốc. “Văn phòng vẫn là phần quan trọng trong việc kết nối các lĩnh vực làm việc với nhau trong tương lai”, hãng cho biết.
Nhiều nhân viên cho biết mình làm việc hiệu quả hơn khi ở nhà. Ảnh: The New York Times.
Microsoft cũng không hề kém cạnh khi liên tục thuê mới văn phòng trên khắp nước Mỹ, đồng thời cung cấp chỗ ở cho nhân viên làm việc cho hãng trong vòng 2 năm qua, theo Jared Spataro, Phó Chủ tịch tập đoàn.
Tháng 4/2021, Apple cũng cho biết hãng sẽ xây dựng nhiều khuôn viên mới nhưng từng gây tranh cãi khi yêu cầu người lao động đến văn phòng bất chấp sự phản kháng.
Viễn cảnh ảm đạm của những công ty nhỏ, lẻ
Có thể thấy, xu hướng đầu tư vào cơ sở vật chất cũng cho thấy sự thành công của Big Tech bất chấp ảnh hưởng của đại dịch. Trái lại với xu hướng “đổ” tiền vào bất động sản của những hãng này, ở một số thành phố, nhu cầu làm việc tại nhà và tình trạng thiếu nhân công cũng vẫn để lại nhiều hậu quả cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ, nhà hàng…
Nhiều công ty quy mô nhỏ đang đối mặt với những thách thức về tài chính. Họ phải giảm bớt số lượng văn phòng để đảm bảo tài chính. Công ty game Zynga đã cho thuê lại trụ sở ở San Francisco vì cho rằng việc giảm thiểu số lượng văn phòng và chuyển sang nơi khác sẽ giúp nhân viên “dễ thở” hơn. Tòa nhà mới của công ty hiện tọa lạc tại California nhưng bị cắt giảm một nửa diện tích.
“Thật ra, việc di chuyển đến các khu trung tâm lớn của thành phố khiến người lao động rất mệt mỏi. Họ cũng cho rằng làm việc tại nhà sẽ nâng cao chất lượng công việc hơn”, Ken Stuart, phó Chủ tịch của Zynga cho biết.
Ngược lại, những tên tuổi lớn trong ngành lại “dửng dưng” trước những vấn đề này bởi họ đang nắm giữ quá nhiều tiền, Anne Helen Peterson, đồng tác giả cuốn “Out of Office”, nhận định. Vì huy động được một lượng tiền lớn nên những hãng này sẽ tiếp tục xây dựng trụ sở mà chẳng mảy may quan tâm liệu chúng có hết thời hay không.
“Bọn họ đang chơi nước đôi”, Peterson cho biết. Theo cô, “nếu xu hướng làm việc từ xa vẫn tiếp diễn, họ sẽ phân trần rằng ‘Chúng tôi đang xây dựng vật tư, thiết bị hiện đại’. Ngược lại, một khi người lao động trở lại làm việc, họ sẽ nói ‘Chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ trước'".