Lãi suất huy động tăng trong năm 2022 sẽ tạo sức ép lên lợi nhuận toàn ngành ngân hàng và Techcombank cũng không phải ngoại lệ.
Á quân lợi nhuận ngân hàng
Sự trỗi dậy của khối ngân hàng tư nhân diễn ra rõ rệt từ vài năm trước và càng ngày càng mạnh mẽ. Đại diện tiêu biểu nhất có lẽ là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Trong năm 2021, bất chấp làn sóng Covid-19 lần thứ tư, Techcombank vẫn đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế “khủng” hơn 23.200 tỷ đồng, tăng tới 47% so với năm 2020 và trở thành á quân lợi nhuận ngành ngân hàng, chỉ đứng sau Vietcombank.
Do đa phần khách hàng của Techcombank là có thu nhập tốt nên dường như ngân hàng này không chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch. Tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vẫn tăng trưởng tới 35,4%, trong đó các nguồn thu nhập lãi từ hoạt động tín dụng và thu nhập ngoài lãi đều tăng trưởng tới 42,4%. Đặc biệt, nguồn thu nhập lãi được hỗ trợ bởi chi phí vốn liên tục giảm (nhờ tận dụng xu hướng giảm lãi suất, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA lên kỷ lục 50,5% và huy động vốn rẻ từ thị trường quốc tế do tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng ở mức cao nhất ngành) và tăng trưởng tín dụng ở mức cao (22,1%).
Sở dĩ lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng trưởng cao hơn tổng thu nhập hoạt động là do chi phí hoạt động tăng chậm hơn (ở mức 24,6%) và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gần như đi ngang (tăng 2,1%), càng củng cố quan điểm rằng ngân hàng ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.
Mặc dù chi phí dự phòng chỉ đi ngang nhưng tỷ lệ nợ xấu của Techcombank vẫn ở mức thấp, đạt 0,7% cuối năm 2021, tăng nhẹ so với mức 0,5% cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được duy trì ở mức cao là 163%.
Ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết các đợt giãn cách xã hội diện rộng trong năm 2021 mặc dù làm tăng nợ xấu của nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng xét trong tổng dư nợ tín dụng thì tỷ lệ không lớn. Thêm vào đó, 92% các khoản cho vay của Techcombank là có tài sản bảo đảm.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ tái cấu trúc theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN cũng liên tục giảm, từ khoảng 7.900 tỷ đồng cuối năm 2020 (tương đương 2,8% tổng dư nợ) xuống chỉ còn 1.900 tỷ đồng cuối năm 2021 (tương đương 0,5% tổng dư nợ). Đáng chú ý, Techcombank đã trích lập dự phòng với tỷ lệ 100% cho toàn bộ lượng nợ tái cấu trúc trên, thay vì 30% trong năm đầu tiên như cho phép của Thông tư 14, do đó trong tương lai, chi phí dự phòng của ngân hàng sẽ không tăng lên khi các khoản nợ theo Thông tư 14 hết thời hạn tái cơ cấu.
“Với những chỉ số tài chính hết sức tích cực như vậy, chúng tôi đang ở xuất phát điểm tốt, có thể tiếp tục phát triển và đạt được tăng trưởng trong năm 2022”, ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc thường trực Techcombank, tự tin nhận định.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2021 của Techcombank cao thứ hai ngành ngân hàng.
Đâu là sức ép trong năm 2022?
Ngân hàng này kỳ vọng năm nay sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng tương tự như năm 2021 (khoảng trên 20%). Theo tiết lộ của phía Techcombank, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 22% như hiện nay, ngân hàng này có thể đảm bảo tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức cao như năm 2021 mà không làm giảm tỷ lệ an toàn vốn, dù rằng tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank đang ở mức cao nhất ngành (cuối năm 2021 đạt 15%).
Tuy nhiên, không phải yếu tố nào cũng thuận lợi. Trong bối cảnh kinh tế hồi phục, nhu cầu tín dụng tăng lên, các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động để thu hút thêm nguồn vốn, trong khi đó, lãi suất cho vay khó tăng mạnh nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và bản thân các ngân hàng cũng cạnh tranh lãi suất với nhau. Ông Ngô Hoàng Hà nhận định rằng đây là sức ép của toàn ngành và NIM của Techcombank sẽ giảm một chút so với năm 2021.
Dù vậy, theo ông Hà, Techcombank có nhiều lợi thế để giảm thiểu sức ép trên. Thứ nhất, Techcombank có tỷ lệ an toàn vốn cao, được các tổ chức quốc tế xếp hạng tín nhiệm ngang mức quốc gia, vì vậy ngân hàng có thể huy động nguồn vốn từ nước ngoài với lãi suất thậm chí còn cạnh tranh hơn so với trong nước.
Song song, ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng tỷ lệ CASA, từ đó làm giảm chi phí huy động vốn.
Ngoài ra, một trong những thế mạnh của Techcombank là dữ liệu nên có khả năng dự báo tăng trưởng cho vay hàng tuần, hàng tháng để khớp với lượng vốn huy động, đảm bảo duy trì tỷ lệ dư thừa vốn ở mức tối thiểu, từ đó gia tăng NIM.
“Thông thường, khi dư thừa nhiều vốn huy động thì các ngân hàng phải gửi trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất hiện rất thấp, chỉ khoảng 1%/năm trong khi cho vay trung bình ở mức khoảng 8-9%/năm. Ví dụ chênh lệch 7% mà nhân với 10.000 tỷ đồng dư thừa thì 1 năm mất đi cơ hội kiếm 700 tỷ đồng. Vì thế, cần phải quản lý nguồn vốn giữa các đơn vị kinh doanh nhằm tối ưu hóa lượng vốn dư thừa”, ông Hà dẫn giải.
Không chỉ NIM gặp khó mà thu nhập từ lãi, phí của Techcombank trong năm 2022 cũng sẽ gặp áp lực không nhỏ và có thể giảm bởi nền so sánh rất cao trong năm 2021.
Ngoài ra, tỷ lệ chi phí hoạt động trong tổng thu nhập hoạt động (CIR) của ngân hàng có thể tăng lên mức khoảng 30-35% do ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh vào số hóa, dữ liệu và con người.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Techcombank dự kiến sẽ giữ ở mức 0,7% trong năm 2022, tức ngang bằng năm 2021, mặc dù có thể có một số cơ hội hoàn lại các khoản dự phòng do khách hàng trả được nợ.
Mở rộng hệ sinh thái
Không ai có thể phủ nhận thành công của Techcombank trong những năm vừa qua, nhưng cũng không ít người dị nghị, bởi sự thành công này gắn mật thiết, thậm chí phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực bất động sản.
Lý giải về hướng đi này, Phó tổng giám đốc thường trực Phùng Quang Hưng cho hay triết lý kinh doanh của Techcombank rất đơn giản, đó là không tập trung vào một sản phẩm hay một khách hàng mà lựa chọn những khách hàng mục tiêu, xây dựng kế hoạch cụ thể để đáp ứng nhu cầu khách hàng trên cơ sở phải có hiểu biết chuyên sâu.
“Không thể cùng một lúc làm tất cả hay làm quá nhiều việc mà việc nào cũng tốt, vì vậy, Techcombank bắt đầu từ những khách hàng thuộc phân khúc thu nhập cao cũng như đi sâu vào lĩnh vực bất động sản và xây dựng, để thực sự có am hiểu sâu về khách hàng và dịch chuyển mô hình kinh doanh theo phương châm khách hàng là trọng tâm”, ông Hưng nói.
Trong tương lai, ông Phùng Quang Hưng cho biết Techcombank sẽ tiếp tục mở rộng sang các phân khúc khách hàng khác cũng như các lĩnh vực kinh tế khác. “Khi mình đã làm tốt cái này rồi thì mình sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình đó sang các thứ khác, thay vì bắt đầu tất cả mọi thứ ngay từ đầu”, ông Hưng ví von.
Theo vị lãnh đạo này, với những thành công trong những năm vừa qua cùng nền tảng tài chính vững chắc, một khi “bánh xe lớn” của Techcombank đã quay và bắt đầu gia tăng gia tốc thì chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng và kết quả lớn hơn trong tương lai.
Bên cạnh việc kiên định theo con đường đã chọn, ông Hưng cho biết Techcombank cũng sẽ có sự thay đổi nhằm trở nên linh hoạt hơn, nhanh nhẹn hơn để nắm bắt được nhu cầu khách hàng và thị trường một cách liên tục cũng như các cơ hội mới trong ngành.