Theo chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường, doanh nghiệp rất tốt nhưng cổ phiếu chưa chắc đã tốt nếu định giá không còn hấp dẫn. Giá cổ phiếu thể hiện giá trị nền tảng của doanh nghiệp nhưng có cộng thêm các yếu tố khác liên quan đến thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cho nên mỗi nhóm cổ phiếu thường có những cá tính khác nhau.
Chia sẻ quan điểm đầu tư tại FiinGroup Invest Summit: Triển vọng đầu tư năm 2022, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cho hay trong đầu tư, cần phải tách biệt giữa doanh nghiệp và cổ phiếu, không nên đánh đồng doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt thì cổ phiếu cũng tốt, dù rằng doanh nghiệp là nền tảng tạo ra giá trị nội tại cho cổ phiếu.
Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp rất tốt nhưng cổ phiếu chưa chắc đã tốt nếu định giá không còn hấp dẫn. Giá cổ phiếu thể hiện giá trị nền tảng của doanh nghiệp nhưng có cộng thêm các yếu tố khác liên quan đến thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, cho nên mỗi nhóm cổ phiếu thường có những cá tính khác nhau.
"Như 2 cô gái đẹp như nhau, số đo y chang nhau nhưng cá tính khác nhau thì sẽ vẫn khác nhau. Cổ phiếu cũng tương tự như thế. Như cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu chẳng hạn, thường giá cổ phiếu sẽ đi rất sát với tăng trưởng lợi nhuận cốt lõi của doanh nghiệp và có biên độ dao động khá thấp, trừ khi thị trường chung có biến động bất nhờ. Nhưng giá cổ phiếu mang tính chất hàng hóa thì thường phản ánh biến động giá đầu vào - đầu ra của doanh nghiệp hơn là theo sát tăng trưởng lợi nhuận", ông Tường nêu góc nhìn.
Chuyên gia: Khi đầu tư, cần hiểu 'cá tính' của từng cổ phiếu (Ảnh: Đoàn Tùng)
Ví dụ như giá cổ phiếu thép thường phản ánh giá thép trên thị trường thay vì chờ đến khi lợi nhuận doanh nghiệp thép tăng lên; thậm chí khi lợi nhuận được ghi nhận tăng lên thì giá cổ phiếu thép lại giảm vì giá thép trên thị trường lúc đó giảm. Hoặc như giá cổ phiếu casino ở Đài Loan không phản ánh theo lợi nhuận của các casino mà biến động theo tăng trưởng số lượng người du lịch, đặc biệt là khách du lịch VIP. Hoặc như giá cổ phiếu dầu cọ thay đổi theo giá dầu cọ thay vì đợi đến khi được ghi nhận lợi nhuận.
Nhà đầu tư cần chú ý đến những "cá tính" như vậy. Chẳng hạn khi giá thép đạt đỉnh, lợi nhuận công ty thép vẫn tăng nhưng giá cổ phiếu thép lại giảm, bởi vì giá cổ phiếu thép đã tăng trước đó nhờ giả định rằng giá thép sẽ còn tăng nhưng khi giá thép giảm, giả định trên không còn đúng nên giá cổ phiếu thép giảm.
"Đây là lý do tại sao một số cổ phiếu có P/E thấp nhưng giá cổ phiếu không tăng. Chỉ số P/E mà chúng ta nhìn là P/E của quá khứ. Thị trường luôn phản ánh tương lai, quá khứ chỉ là yếu tố tham chiếu. Lời khuyên là khi nhà đầu tư nhìn vào từng cổ phiếu thì cần phải hiểu được cá tính của cổ phiếu đó, nhất là ở thị trường Việt Nam, có những cổ phiếu chịu tác động về giá một cách khủng khiếp thì đó lại là cá tính của cổ phiếu đó. Với cá tính nhất định thì chúng ta có hành vi ứng xử tương ứng", ông Tường cho hay.
Bên cạnh một số lầm tưởng liên quan đến giá cổ phiếu, chuyên gia tài chính Đào Phúc Tường cũng chỉ ra một vấn đề khác mà nhà đầu tư cần lưu ý là sự đồng thuận của thị trường.
"Cái mà tôi ghét nhất trên thị trường chứng khoán là sự đồng thuận. Năm nay, 100% các bên nhận định rằng thị trường sẽ tăng mà trong đầu tư cổ phiếu, đồng thuận là con dao 2 lưỡi, bởi vì khi đã đồng thuận thì phần nào quan điểm tích cực đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Khi có bất kỳ yếu tố bất lợi nào xảy ra, rủi ro sẽ lớn hơn cơ hội. Tôi rất thích một vài công ty đứng ra nói rằng thị trường chứng khoán không thể tăng 20%, chỉ tăng 10% hoặc thậm chí suy giảm để mọi người suy xét cẩn trọng hơn", ông Tường nêu quan điểm.
Theo vị chuyên gia này, tất cả các dự báo của các tổ chức đều dựa trên những nền tảng giả định nhất định. Khi có những yếu tố mới phát sinh thì nhà đầu tư phải cẩn trọng vì lúc đó, bản thân các tổ chức cũng đang điều chỉnh lại những giả định của họ nhưng chưa chắc đã đưa thông tin ra thị trường. Ví dụ đầu năm nay, không tổ chức nào biết được chiến sự giữa Nga và Ukraine sẽ xảy ra nhưng hiện nay, nhiều tổ chức đang phải tư duy lại xem nên ứng xử thế nào đối với thị trường trong bối cảnh hiện tại.
"Đó là lý do vì sao mọi bên đều nhận định tích cực nhưng giá chứng khoán chưa lên, dòng tiền không vào, VN-Index mãi không bật lên khỏi mốc 1.500 điểm. Đó là vấn đề niềm tin và phải chờ thị trường trả lời", ông Tường cho biết, đồng thời kỳ vọng thực tế sẽ xảy ra đúng hoặc tốt hơn những gì mà mọi bên dự báo, lúc đó, thị trường sẽ rất sôi động.