Ngay trong tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở Việt Nam tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả lĩnh vực hoạt động.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, dù dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022. (Ảnh: TTXVN)
Bứt phá để tăng tốc
Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, cả nước có 13.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng; tăng 15,9% về số doanh nghiệp, tăng 22,6% về vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số doanh nghiệp, tăng 24% về vốn đăng ký.
Không chỉ tăng mạnh về số doanh nghiệp thành lập mới mà vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng 5,8%, đạt mức 14,8 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Nếu tính cả 343.800 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 5.600 doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong tháng 1/2022 là 536.100 tỷ đồng, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, còn có 19.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng 1/2022 lên 32.100 doanh nghiệp, tăng 93,6% so với cùng kỳ.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết đây là kết quả khả quan, tiếp đà bứt phá từ cuối năm 2021. Năm qua, sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ, cơ quan chức năng đã tạo nền tảng cho sự phục hồi của doanh nghiệp.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin trong năm 2021, dù có thời gian các doanh nghiệp phía Nam bị gián đoạn sản xuất, phải dịch chuyển một số đơn hàng ra phía Bắc nhưng cơ bản vẫn đáp ứng được đơn hàng cho khách.
Nhờ khả năng thích ứng linh hoạt nên dệt may Việt Nam vẫn được các đối tác đánh giá cao và tiếp tục ký các đơn hàng mới ngay khi sản xuất được khôi phục.
Tương tự, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Thắng Jean cho biết là công ty có sản phẩm đặc trưng, sử dụng công nghệ cao nên số đơn hàng khá ổn định.
Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đến hết quý 2/2022 và đang tập trung mở rộng sản xuất để tăng sản lượng xuất khẩu. Nếu duy trì được nhịp độ sản xuất như hiện nay thì năm 2022 khả năng tăng trưởng của công ty sẽ cao hơn năm 2021 trên 15%.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, dư địa cho cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều và cần được tận dụng tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đặc biệt, cần phát hiện kịp thời, xóa bỏ tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định có thể gây ảnh hưởng đến sự ra đời, phát triển của doanh nghiệp.
May quần áo bảo hộ lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)
Ngay sau Tết, hầu hết các doanh nghiệp của các địa phương đã trở lại làm việc.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, đến ngày 8/2, trên địa bàn tỉnh đã có 50/55 doanh nghiệp tại Khu kinh tế Định An, Khu công nghiệp Long Đức đi vào hoạt động sản xuất, với tổng số 15.600 công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần, đạt tỷ lệ 100 % số công nhân làm việc của mỗi doanh nghiệp.
Còn tại Bình Dương, ngày 8/2, khoảng 81% doanh nghiệp đã hoạt động, số lao động trở lại làm việc đạt 72%. Một số doanh nghiệp có tỷ lệ lao động trở lại làm việc đạt trên 80% như Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) đạt 100%, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chí Hùng đạt 93%, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shyang Hung Cheng đạt 86%...
Hầu hết, các doanh nghiệp khi trở lại hoạt động sản xuất đều thực hiện tốt phòng dịch COVID-19. Tất cả công nhân đều được test nhanh COVID-19, thực hiện đúng quy định “5 K” trước khi vào doanh nghiệp làm việc.
Nhanh chóng sớm phục hồi
Với tinh thần nhanh chóng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp cũng như đưa ra các giải pháp phục hồi nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Mục tiêu là cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia.
Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn với quy mô 350.000 tỷ đồng.
Quốc hội đã cấp bách thông qua Nghị quyết đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân; vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ngành địa phương phải nhanh chóng triển khai Nghị quyết của Quốc hội để sớm phục hồi nền kinh tế.
Đây là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được thực thi trong hai năm nhưng tác động là cho trung và dài hạn.
Nếu phục hồi được hệ thống doanh nghiệp và toàn bộ hạ tầng kinh tế sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững, tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.
Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá các chương trình phục hồi kinh tế chắc chắn có tác động rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và tiến trình phục hồi kinh tế của nước ta sau đỉnh dịch COVID-19.
Cùng với đó, các bộ cũng khẩn trương vào cuộc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định số 44/QĐ-BKHĐT về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết nói trên với mục tiêu chung là tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kiến nghị các phương án; tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chuyển đổi số là giải pháp mà các doanh nghiệp không thể không triển khai. Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Chế biến cá da trơn xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng. (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, năm 2022, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là những thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính nội bộ giữa cơ quan nhà nước; tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, số hóa kết quả giải quyết thủ tục…
Bộ Công Thương cho biết năm 2022, việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại tiếp tục được xác định là một trong những giải pháp then chốt để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
“Đặc biệt, việc triển khai các đề án, chương trình lớn đã mang lại hiệu quả, thể hiện qua số lượng vụ việc Việt Nam khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã gia tăng nhanh chóng,” ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân, năm 2022, Hà Nội tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện thủ tục về đăng ký kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp…
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, đến nay 100% thủ tục hành chính (114 thủ tục) của Sở đã được cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tiếp cận còn chưa cao.
Do đó, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền trên môi trường điện tử, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí thực hiện. Định kỳ 3 tháng tổ chức đối thoại về cải cách hành chính để giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, các cơ quan chức năng đang chủ động vào cuộc từ đầu năm, tranh thủ thời gian để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Hy vọng, sự vào cuộc đồng bộ, với những nỗ lực vượt bậc sẽ tạo điều kiện tốt, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong năm 2022./.