Những lo ngại diễn biến căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đang gây nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới nói chung. Trong đó, giá lúa mì sẽ bị tác động khá mạnh khi Ukraine là quốc gia xuất khẩu lớn về lúa mỳ. Điều này tạo sức bật cho cổ phiếu các công ty lúa gạo kéo dài chuỗi tăng.
Theo bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những tác động kinh tế từ xung đột tại Ukraine sẽ có tác động lớn đến giá lúa mỳ cũng như giá bánh mỳ của các khách hàng trên khắp thế giới.
Nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo
Bà Ngozi nhấn mạnh, Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Mặc dù Mỹ và châu Âu đã công bố các biện pháp trừng phạt Nga, nhằm vào lĩnh vực tài chính, nhưng hiện gần như không ảnh hưởng đến các lĩnh vực dầu mỏ và nông nghiệp.
Trong khi đó, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, khả năng lạm phát gia tăng do giá năng lượng và lúa mỳ tăng và điều này không chỉ xảy ra với Ukraine.
“Các biện pháp trừng phạt đã gây thêm tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng và thông qua việc làm tăng giá năng lượng cũng như ngũ cốc, trong khi lo ngại về lạm phát gia tăng”, người đứng đầu IMF cho hay.
Dự báo 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. (Ảnh: Int)
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự báo 2022 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, logistics đã được khơi thông trở lại sau đợt giãn cách do dịch Covid-19 thì sự bứt phá của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ mang lại hy vọng cho ngành xuất khẩu gạo Việt Nam.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu tháng 2/2022 đạt 142.128 tấn với trị giá 68 triệu USD, tăng 9,2% về khối lượng và giảm 5,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ đầu năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 647.763, trị giá 314 triệu USD, lần lượt tăng 36,2% và 19,8% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả một số lợi thế từ Hiệp định EVFTA để gia tăng giá trị xuất khẩu gạo sang EU, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cước vận tải biển đi châu Âu tăng mạnh và nhập khẩu gạo của EU giảm trong năm nay. Trong năm 2021, gạo Việt Nam đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường trong khối EU như: Đức, Hà Lan, Pháp, Thụy Điển, Bỉ… và đem lại kết quả khá tích cực.
Ngoài ra, nhu cầu lương thực thực phẩm thế giới kỳ vọng sẽ phục hồi. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo tiêu thụ gạo toàn thế giới mùa vụ 2021-2022 đạt 512,3 triệu đơn vị, tăng 1,8% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp báo lãi, cổ phiếu vào “sóng”
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu lúa gạo diễn biến hết sức tích cực. Kết phiên ngày 28/2, cổ phiếu
LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời tăng 3,4% lên 39.600 đồng/cp, đánh dấu 9 phiên tăng và đi ngang, trong đó phiên tăng áp đảo, không có ghi nhận phiên giảm giá nào.
Tương tự, cổ phiếu
TAR của CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An tăng 1,5% lên 39.800 đồng/cp, ghi nhận chuỗi phiên tăng giá liên tiếp.
Mặc dù chỉ được giao dịch vào mỗi thứ Sáu nhưng cổ phiếu
VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam vẫn tăng tận 8,57% lên 7.600 đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu
AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang đã tăng trần liên tiếp 4 phiên từ ngày 21/2 - 24/2 và tiếp tục có 2 phiên tăng giá tiếp theo, lên mức 51.700 đồng/cp.
Ngoài ra, cổ phiếu
NSC của Vinaseed cũng tăng phiên thứ 2 liên tiếp lên 81.600 đồng/cp.
Tuy nhiên, trong số này, chỉ có
LTG và
TAR là có thanh khoản cao, những cổ phiếu còn lại giao dịch khá “lèo tèo”.
Mặc dù doanh thu tăng 18% nhưng Vinaseed vẫn bị Trung An "vượt mặt" về doanh thu. (Ảnh: Int)
Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2021, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.110,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 159,72 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 20,1% lên 21,4%.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 10.224 tỷ đồng tăng 36% so với cùng kỳ, ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Trong đó, sự tăng trưởng lớn nhất là mặt hàng lương thực.
Không chỉ dẫn đầu về doanh thu, Lộc Trời cũng có mức lợi nhuận sau thuế cao vượt trội so với Vinaseed và Trung An, đạt 422 tỷ đồng, tăng 14,4% so với năm 2020.
Cụ thể, Vinaseed đạt 1.931 tỷ đồng doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ, trong khi Trung An đạt 3.120 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% so với năm 2020, “bỏ rơi” Vinaseed mặc dù trước đó Vinaseed đã từng có doanh thu cao hơn đáng kể so với Trung An.
Tính riêng quý IV/2021, Trung An lãi sau thuế gấp 7 lần cùng kỳ, lên 43,7 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 40 tỷ đồng. Nhờ lãi quý IV mà tính chung cả năm 2021, Trung An lãi sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Tương tự, kết thúc năm 2021, Vinaseed báo lãi ròng đạt 219 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2020, tương đương EPS đạt 12.479 đồng. Công ty cho biết, lợi nhuận tăng cao là do mở rộng thêm được thị trường gạo và xuất khẩu gạo.
Về triển vọng thị trường xuất khẩu gạo năm 2022, một số công ty chứng khoán nhận định, năm 2022 sẽ vẫn tiếp tục có lợi cho ngành lương thực, trong đó có các doanh nghiệp gạo, và giá gạo xuất khẩu có khả năng vẫn sẽ ổn định như năm 2021, thậm chí có thể còn cao hơn.
Không chỉ vậy, đánh giá về chất lượng gạo Việt Nam, người tiêu dùng nhiều nước tỏ ra khá ưa chuộng. Đồng thời, ngoài các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc..., xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 bởi tác động của Hiệp định EVFTA.
Gần đây, Lộc Trời vừa công bố đơn hàng 2 triệu tấn lúa và gói tài trợ vốn 12.000 tỷ đồng từ nhiều ngân hàng cho thấy tiềm năng bứt phá trong thời gian tới.
Trước đó, cuối năm 2021, một lô hàng hơn 4.000 tấn gạo thơm và gạo trắng của Lộc Trời đã lên đường sang châu Âu, chính thức có thêm 15 đối tác mua hàng mới trên thị trường quốc tế.
Tiếp đó, Trung An được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chọn làm đơn vị xuất khẩu lô gạo khai trương năm mới với số lượng 1.150 tấn gạo thơm Hương Lài đi Malaysia và 450 tấn gạo thơm Jasmine đi Singapore.
“Dự báo doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp lúa gạo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, bứt phá ở hoạt động lương thực và gạo, đặc biệt là ở doanh nghiệp có mảng xuất khẩu. Đây được đánh giá là “đòn bẩy” cho cổ phiếu ngành lúa gạo. Đặc biệt là khi WTO dự báo giá lương thực sẽ tăng trong thời gian sắp tới”, một chuyên gia phân tích đánh giá.