Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định Bắc Kinh luôn phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để giải quyết vấn đề...
“Trung Quốc không phải là một phần của cuộc khủng hoảng này và cũng không muốn bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt”, ông Vương Nghị nói trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Albares để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. “Trung Quốc có quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Theo hãng tin AFP, bản ghi của cuộc điện đàm được công bố vào ngày 15/3.
Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh luôn phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt để giải quyết vấn đề, chứ chưa nói đến những biện pháp trừng phạt đơn phương thiếu cơ sở luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến sinh kế của người dân ở tất cả các nước.
Phát ngôn của ông Vương Nghị được xem là một trong những tuyên bố rõ ràng về việc Trung Quốc không áp dụng các biện pháp trừng phạt mà một loạt nước nước phương Tây áp đặt đối với Nga kể từ khi Moscow mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 7/3 - Ảnh: Getty Images
Trước đó, Chính phủ Mỹ kêu gọi Trung Quốc không giúp Nga lách trừng phạt. Nhà Trắng quan ngại rằng Trung Quốc – một đồng minh chiến lược quan trọng của Moscow – có thể giúp nước này giảm bớt ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt – vốn được áp đặt nhằm gây áp lực tới nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga nếu cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, các bên tham gia thị trường lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể sớm bị kéo vào những biện pháp trừng phạt tài chính sau khi có thông tin rằng Moscow đã yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ tài chính và quân sự trong cuộc chiến ở Ukraine. Trung Quốc phủ nhận thông tin này, còn Nga nói rằng không yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ về quân sự.
Kể từ khi Nga bắt đầu đưa quân đội sang Ukraine, Bắc Kinh cho biết sẽ duy trì quan hệ thương mại bình thường giữa hai quốc gia và không tham gia cùng Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước phương Tây khác áp đặt biện pháp trừng phạt với Moscow. Mặc dù vậy, nước này nói “quan ngại sâu sắc” về cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trước đó, ngày 14/3, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp để thảo luận về một loạt vấn đề song phương, trong có cả cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Cuộc gặp được tổ chức tại Rome, thủ đô Italy, kéo dài 7 giờ đồng hồ và được một quan chức cấp cao mô tả là "căng thẳng”.
Tại cuộc gặp, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng Washington lo ngại về mối liên kết giữa Nga và Trung Quốc. Đáp lại, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh là "cam kết thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình".
"Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ dân thường trong cuộc giao tranh ở Ukraine. Cộng đồng quốc tế nên ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình để đạt được kết quả thực chất càng sớm càng tốt", ông Dương Khiết Trì nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc gặp này, Mỹ cảnh báo về các hậu quả mà bất kỳ quốc gia nào hỗ trợ cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine sẽ phải đối mặt.
“Chúng tôi đang theo dõi sát sao việc Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hỗ trợ về vật chất, kinh tế, tài chính hay sự bao biện đối với lựa chọn gây chiến của Nga nhằm vào Chính phủ và người dân Ukraine”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết tại một cuộc họp báo hôm 14/3. “Chúng tôi đã nói rất rõ ràng trong cả các cuộc gặp riêng lẫn công khai với Bắc Kinh rằng sẽ có hậu quả nếu như họ đưa ra bất kỳ sự hỗ trợ nào như vậy”.