VN30 và VN-Index thể hiện sức đề kháng không hoàn toàn giống nhau vào lúc này. Chỉ số VN-Index đang có phần khỏe hơn nhờ dòng tiền vẫn đang hứng thú với các cơ hội ở nhóm Midcap và Penny.
VN30 là chỉ số mang tính dẫn dắt cho thị trường nhưng thực tế các phiên điều chỉnh vừa qua chỉ số này còn thủng xu hướng dài hạn trước VN-Index. Yếu tố phái sinh kết hợp với sự bất ổn của thị trường quốc tế đã thúc đẩy chỉ số suy yếu sớm hơn so với cả thị trường.
Trong khi đó, VN-Index vẫn chưa đánh mất xu hướng dài hạn nhờ các cơ hội đa dạng ở các nhóm cổ phiếu Midcap và Penny.
Điều này cũng đúng trong phiên sáng nay khi các cổ phiếu VN30 tiếp tục hồi phục chậm hơn so với nhiều mã vốn hóa thấp hơn.
Các mã tăng tốt nhất trong VN30 đều chưa được biên độ trên 3% và cũng có một trật tự hồi phục trong chính VN30. Các mã vốn hóa hàng đầu như VCB (+0,7%), VHM (+1,1%), CTG (+1,4%) chỉ tăng ở quanh mức 1% trong khi đó KDH (+3%) có quy mô vốn thấp hơn nhiều mới là mã có mức tăng tốt nhất.
Trên thị trường chung, các mã tăng trên 3% thực tế là khá nhiều như SCR (+3,76%), BCG (+4,55%), FRT (+3,67%), ASM (+4,02%), OGC (+6,81%), HCD (+6,74%), CKG (+3,6%), JVC (+6,8%). Do không phải chịu sức nặng từ vốn hóa cũng như câu chuyện phái sinh, các cổ phiếu này đang tỏ ra khá nhẹ.
Số mã tăng trên HOSE hiện đã lên gần 300 mã so với hơn 100 mã giảm. Tâm lý của thị trường đang tỏ khả quan trong ngày đáo hạn phái sinh và đi theo sự hồi phục của chứng khoán thế giới. VN-Index tới 10h30 đã tăng lên 1.466 điểm.
Còn HNX-Index đang nhận được lực đẩy từ CEO (+1,17%), IDC (+2,93%) nên áp lực từ PVS (-1,43%) được triệt tiêu đi gần hết. Chỉ số tăng lên 449 điểm.