Giao dịch thận trọng tiếp tục dâng cao trong phiên đáo hạn phái sinh khi dòng tiền vẫn duy trì mức rất thấp. Tuy nhiên độ rộng cũng như sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy cơ hội vẫn mở rộng cho những ai chọn đúng...
Giao dịch thận trọng tiếp tục dâng cao trong phiên đáo hạn phái sinh khi dòng tiền vẫn duy trì mức rất thấp. Tuy nhiên độ rộng cũng như sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu cho thấy cơ hội vẫn mở rộng cho những ai chọn đúng.
Giá dầu thế giới giằng co dưới mốc 100 USD/thùng vẫn gây áp lực nhất định lên nhóm cổ phiếu dầu khí, nhưng sáng nay cổ phiếu phân bón, hóa chất mới là những mã bị xả dữ dội nhất.
DCM sụt giảm 6,85%, DPM giảm 6,81%, NFC giảm 9,2%, BFC giảm 6,8%, PSW giảm 6,54%, LAS giảm 6,07%, SFG giảm 6%, PMB giảm 5,29%, DDV giảm 4,91%, VAF giảm 4,19%, PCE giảm 3,95%, PSE giảm 3,29%... Trong loạt cổ phiếu phân bón lao dốc nặng, DPM, DCM lọt Top 3 thanh khoản toàn thị trường sáng nay, với 454,6 tỷ đồng và 328,7 tỷ đồng.
Nhóm dầu khí giảm nhẹ hơn phân bón, đáng kể nhất là PVC giảm 6,9%, POV giảm 6,21%. Chỉ 3 mã là PVS, PVD, PVB là giảm trên 2%. Trụ GAS đang gây áp lực lớn nhất lên VN-Index nhưng thực tế cũng chỉ giảm 1,37% và ảnh hưởng chủ đạo là vốn hóa. PLX giảm nhẹ 0,36%...
Cổ phiếu bất động sản đang tăng nổi bật so với các nhóm khác.
Tuy cùng chịu ảnh hưởng từ giá hàng hóa, nhưng cổ phiếu dầu khí đã điều chỉnh lớn hơn nhiều so với cổ phiếu phân bón. GAS đã bốc hơi 15% kể từ đỉnh, PLX thậm chí quay về điểm xuất phát. Trong khi đó DCM mới rời đỉnh được 4 phiên và hôm nay là T3 của lượng hàng bắt đáy quá sớm về tài khoản. DPM cũng tương tự, tính đến hôm qua khối lượng mua đúng đỉnh cũng mới lỗ chưa tới 5%.
Độ rộng sàn HoSE sáng nay vẫn còn tốt với 258 mã tăng/156 mã giảm. Dòng tiền vẫn luân chuyển qua các nhóm cổ phiếu/cổ phiếu khác nhau tạo độ phân hóa tích cực. Tác động xấu nhất vẫn là các cổ phiếu liên quan chặt chẽ tới giá dầu: GAS, DCM, DPM là 3 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.
Cổ phiếu VN30 tăng nhiều hơn giảm, nhưng ít mã xuất sắc.
VN30 cũng có độ rộng tích cực với 17 mã tăng/5 mã giảm nhưng chỉ số chỉ tăng nhẹ 0,27%. Ảnh hưởng chính đến từ VJC giảm 1,84% và GAS giảm 1,37%, nhưng một phần cũng vì mức tăng ở nhóm còn lại quá hạn chế. Trụ đỡ ngân hàng trong nhóm VN30 chỉ duy nhất STB giảm 0,15%, nhưng số tăng lại không có trọng điểm. VCB tăng quá nhẹ 0,61%, TCB tăng không đáng kể 0,2%, TPB tăng 0,13%, BID tăng 0,24%, VPB chỉ tham chiếu. Duy nhất CTG tăng 2,34% là trụ đỡ đáng kể, cùng với VHM tăng 1,08% đang gắng sức kéo điểm.
Trong toàn bộ 27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn, chỉ có 4 mã giảm là STB, NVB, EIB, KLB, 17 mã khác vẫn tăng, nhưng mức độ yếu. Nhóm này đang giằng co ở vùng đáy và vẫn chưa có tín hiệu gia tăng của dòng tiền. Thậm chí 10 cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 còn giao dịch chưa tới 1 ngàn tỷ đồng và tổng các mã ngân hàng trên HoSE giao dịch chỉ nhỉnh hơn 1,3 ngàn tỷ đồng.
Nhóm bất động sản đang tăng khá tốt, mức tăng mạnh tập trung ở các cổ phiếu có tính đầu cơ cao. FDC, NVT, DHR, OGC, QCG kịch trần. Một số mã thanh khoản tốt và giá tăng mạnh có thể kể tới NLG giao dịch 365,6 tỷ giá tăng 2,57%, SCR giao dịch 292,9 tỷ giá tăng 3,1%, HQC khớp 185,7 tỷ giá tăng 6,01%... Các mã này đều nằm trong Top 10 thanh khoản thị trường sáng nay.
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 3,51 điểm tương đương 0,24% do thiếu sức mạnh từ nhóm trụ. Thực tế các mã lớn hạ độ cao từ khoảng 30 phút cuối phiên, kéo theo đà tăng kém đi ở chỉ số. VN-Index đạt đỉnh lúc 10h37 trên tham chiếu 0,58%. Như vậy biên độ của thị trường phiên sáng cũng khá hẹp, đi cùng với mức thanh khoản chỉ 10.936 tỷ đồng, tăng 16% so với sáng hôm qua.
Khối ngoại đang mua ròng nhẹ 113,8 tỷ đồng tại HoSE nhưng không có mã nào nổi bật. Lớn nhất là CTG với 33,8 tỷ đồng ròng, PNJ khoảng 21,8 tỷ, GMD 21,6 tỷ. Các mã còn lại đều thấp dưới 20 tỷ đồng. Phía bán ròng đáng chú ý là LPB -78 tỷ, VND -25,2 tỷ và AGM -20 tỷ đồng.