Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn nhắc nhở các doanh nghiệp đại chúng tuân thủ đúng Luật Doanh nghiệp 2020 về việc đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị thực hiện các giao dịch/hợp đồng…
Nhập nhằng giao dịch, hệ quả nhãn tiền
Trong công văn ngày 23/2/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lưu ý, hiện một số công ty đại chúng có Nghị quyết đại hội cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị chấp thuận các hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền chấp thuận của đại hội đồng cổ đông mà không trình dự thảo hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp cổ đông là chưa phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 167, Luật Doanh nghiệp 2020.
Theo Điều 167, Luật Doanh nghiệp 2020, đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị được chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan bao gồm: cổ đông, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và người có liên quan của họ; thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người có liên quan của họ; doanh nghiệp mà thành viên hội đồng quản trị, kiểm soát viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai theo quy định tại khoản 2, Điều 164 của luật này.
Cũng theo điều luật này thì hội đồng quản trị có thẩm quyền chấp thuận các hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 1, điều này và có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty (khoản 2).
Còn đại hội đồng cổ đông chấp thuận hợp đồng, giao dịch khác ngoài hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 2, Điều 164 và hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cáo tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên, hoặc người có liên quan của cổ đông đó.
Trên thực tế, việc hội đồng quản trị có nghị quyết trình đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho hội đồng quản trị chấp thuận chủ trương, quyết định đầu tư, ký hợp đồng trong năm diễn ra thường xuyên ở nhiều doanh nghiệp.
Điều này có thể dẫn đến hệ lụy nhãn tiền là doanh nghiệp vi phạm quản trị, rủi ro lớn hơn là những giao dịch nhập nhằng, làm xấu bức tranh tài chính của công ty.
Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (mã BRC) từng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 275 triệu đồng cho các lỗi vi phạm giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan.
Cụ thể, trong năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, Công ty đã thực hiện giao dịch với Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhưng chưa được đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong khi đó, Xi măng Hà Tiên 1 nắm giữ 18,67% vốn và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nắm 48,85% của BRC.
Tương tự, báo cáo tài chính riêng năm 2020 của Công ty cổ phần Tập đoàn Alpha Seven (mã DL1) thể hiện công ty cho Công ty cổ phần Trồng rừng và cây công nghiệp Đức Long Gia Lai (công ty có chung thành viên Hội đồng quản trị) vay 60,7 tỷ đồng, cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai vay 4 tỷ đồng (công ty liên quan do có chung cổ đông lớn) nhưng chưa thông qua đại hội đồng cổ đông. Do vi phạm quản trị, DL1 cũng bị xử phạt 100 triệu đồng.
Ở tình huống khác, Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản phát triển Nhà thành phố - HD Real – chủ đầu tư dự án Khu dân cư Bảo Long (huyện Nhà Bè, TPHCM) phải theo kiện mấy năm nay để làm rõ hợp đồng giao dịch với bên liên quan.
Theo hồ sơ, năm 2010 - 2011, HD Real có ký 2 hợp đồng thi công (hợp đồng số 06/2010 và số 05/2011) với Công ty cổ phần Bê tông Sài Gòn 620 để cung cấp và ép cọc bê tông cốt thép đại trà và thi công xây dựng nhà thô.
Giá trị 2 hợp đồng là hơn 228 tỷ đồng. Quá trình thực hiện diễn ra dang dở và nhà thầu buộc phải ngừng thi công vì chủ đầu tư không thanh toán tiền đúng hạn. Điều này dẫn đến các bên tranh chấp nhau ra tòa án.
Quá trình tố tụng mới làm rõ, giữa 2 công ty tồn tại 2 hợp đồng số 05/2011, thời điểm ký kết chênh nhau 1 tháng. Hai hợp đồng có cùng một giá trị, cùng đối tượng hợp đồng cũng như các quyền và nghĩa vụ của các bên, nhưng lại quy định khác nhau về điều khoản thanh toán là trái với quy định của pháp luật.
Đặc biệt là hợp đồng số 06, HD Real đã thanh toán cho Công ty Sài Gòn 15,5 tỷ đồng, trong khi giá trị thi công chỉ có10,4 tỷ đồng (thanh toán thừa hơn 4,5 tỷ đồng). Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của 2 công ty là hai anh em ruột.
Thực tế, việc ký hợp đồng này không có văn bản chấp thuận của đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị là trái với Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty. Phải mất nhiều năm tố tụng, HD Real mới làm rõ được khoản công nợ trên.
Đầu tư kinh doanh, giao kết hợp đồng là hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp nhưng tăng chỉ số minh bạch giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tốt trong mắt cổ đông.
Còn nhớ, tại đại hội đồng cổ đông 2020, cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Dịch vụ quốc tế Interserco (mã ILS) cũng chất vấn về khoản trích lập dự phòng lớn với khoản phải thu, đề nghị làm rõ ai ký kết các hợp đồng dẫn đến các khoản trích lập này, ai phải chịu trách nhiệm về việc phát sinh các khoản trích lập dự phòng này.
Hay tại đại hội cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty cổ phần Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor, mã VIF), cổ đông có ý kiến về việc năm 2020, Vinafor có đầu tư tài chính ngắn hạn 2.637 tỷ đồng là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng. Cổ đông đề nghị Ban lãnh đạo cho biết, khoản tiền này được gửi ở các ngân hàng nào, lãi suất ra sao nhưng không có câu trả lời cụ thể.
Những lưu ý về thẩm quyền của hội đồng quản trị
Từ thực tế trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công ty đại chúng tuân thủ và thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4, Điều 167, Luật Doanh nghiệp 2020 đối với các hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền chấp thuận của đại hội đồng cổ đông.
Theo đó, trường hợp chấp thuận hợp đồng, giao dịch theo quy định tại khoản 3, Điều 167, người đại diện công ty ký hợp đồng, giao dịch phải thông báo cho hội đồng quản trị và kiểm soát viên về đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó và gửi kèm theo dự thảo hợp đồng hoặc thông báo nội dung chủ yếu của giao dịch.
Hội đồng quản trị trình dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc giải trình về nội dung chủ yếu của hợp đồng, giao dịch tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông hoặc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Trường hợp này, cổ đông có lợi ích liên quan đến các bên trong hợp đồng, giao dịch không có quyền biểu quyết; hợp đồng, giao dịch được chấp thuận theo quy định tại khoản 1 và khoản 4, Điều 148 của Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Mặt khác, khoản 2, Điều 272, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán: “Các nội dung đã được thông qua tại các nghị quyết đại hội đồng cổ đông trước đó chưa được thực hiện, hội đồng quản trị phải báo cáo đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp thường niên gần nhất. Trường hợp có thay đổi nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị phải trình đại hội đồng cổ đông gần nhất thông qua trước khi thực hiện”.
Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung những quy định nâng cao vấn đề quản trị công ty, bảo vệ cổ đông nhỏ.
Nhiều quy định đi vào chi tiết đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ sát sao để tránh bị vi phạm dẫn đến hậu quả doanh nghiệp không chỉ bị phạt vi phạm hành chính mà bản thân giao dịch đã xác lập cũng bị hủy bỏ do vô hiệu, những người có liên quan phải chịu trách nhiệm cá nhân bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty, thậm chí phải hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ giao dịch đó theo quy định tại khoản 5, Điều 167, Luật Doanh nghiệp.