• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,03 -0,08/-0,01%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 1:55:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,03   -0,08/-0,01%  |   HNX-INDEX   222,00   -0,48/-0,21%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.314,98   +1,50/+0,11%  |   HNX30   461,15   -1,04/-0,23%
20 Tháng Giêng 2025 1:56:11 CH - Mở cửa
Khởi động những dự án giao thông vực dậy tiềm năng ‘đất chín rồng’
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 19/03/2022 2:45:00 CH
Để tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngay trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ khởi công xây dựng nhiều công trình giao thông quy mô “ngàn tỷ” tại khu vực này.
 
Dồn dập tin vui
 
Ngày 15/3, Bộ GTVT đã phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, dự án thành phần Cần Thơ - Cà Mau.
 
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có quy mô (giai đoạn 1) 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m, tổng chiều dài khoảng hơn 109 km, tổng mức đầu tư 27.254 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư 9.769 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn 17.485 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại Km15+350 (nút giao IC2) là nút giao nối vào Quốc lộ 91 - Nam Sông Hậu, (TP. Cần Thơ); điểm cuối kết nối vào tuyến tránh TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
 
Tiếp đó, ngày 17/3, UBND tỉnh Bến Tre đã tổ chức Hội nghị báo chí thông tin dự án đầu tư công trình cầu Rạch Miễu 2, trên tuyến Quốc lộ 60, bắt qua sông Tiền, kết nối hai tỉnh: Bến Tre và Tiền Giang.
 
Theo ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Dự án cầu Rạch Miễu 2 đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021 với tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng và đường gom cầu Rạch Miễu 2 được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 2795/QĐ-UBND ngày 29/11/2021 với tổng mức đầu tư khoảng 1.158 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngày 22/02/2022, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị khởi công xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2.
 
Cũng trong ngày 17/3, Sở GTVT TP. Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao TP.HCM- Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ. Dự án này do Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tư vấn, đề xuất. Theo đơn vị tư vấn dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (thuộc phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng (thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) với chiều dài khoảng 173 km.
 
Tuyến đường sắt sẽ kết nối 6 địa phương: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ với khoảng 13 ga và 2 trạm khách.
 
Đường sắt là phương thức vận tải mà khu vực ĐBSCL còn thiếu, nếu tuyến đường sắt này được xây dựng thì thời gian di chuyển từ Cần Thơ lên TP.HCM chưa đến 2 giờ.
 
 
Đường hành lang ven biển sẽ khai mở không gian kinh tế mới cho vùng ĐBSCL. Ảnh TL
 
Khai mở không gian kinh tế ven biển
 
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, song song với việc đầu tư cầu Rạch Miễu 2 trên tuyến Quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre cũng đang chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Bến Tre với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 28.000 tỷ đồng. Dự án này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP, kết hợp chương trình chính sách phát triển (DPO) hỗ trợ có mục tiêu cho ĐBSCL.
 
Dự án đường bộ ven biển phía Đông có tổng chiều dài tuyến của dự án 53km. Điểm đầu tuyến kết nối với tỉnh Tiền Giang, điểm cuối tuyến kết nối với tỉnh Trà Vinh. Giai đoạn 1 (2021 - 2025), xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới; xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 5 cầu vượt sông lớn. Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025): nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m.
 
Tuyến đường này còn là trục hành lang ven biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm kết nối 6 tỉnh duyên hải phía Nam (Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) với TP.HCM (trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước) và kết nối với vùng kinh tế trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ.
 
Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến sẽ đầu tư 788km đường bộ ven biển qua 7 tỉnh trong vùng ĐBSCL là: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
 
Tuyến đường bộ ven biển không chỉ đơn thuần phục vụ giao thông mà còn có vai trò như tuyến đê chắn sóng, ngăn triều, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc đầu tư tuyến đường này còn nhắm đến mục tiêu khai mở không gian phát triển đô thị, cảng, công nghiệp cho khu vực ven biển.