Báo cáo mới đây của Chứng khoán BIDV (BSC) đánh giá, trong thời gian tới, nếu các biện pháp mới áp dụng của Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc không hiệu quả thì sẽ khiến tốc độ bùng phát dịch mạnh mẽ hơn.
Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải đóng cửa thì không chỉ nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại mà còn tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đánh giá tính chất ảnh hưởng tới các ngành của Việt Nam, BSC đưa ra quan điểm "Trung lập" đối với nhóm Thép, Dệt may, Phân bón và Hoá ; "Kém khả quan" đối với nhóm Thuỷ sản và Cảng biển; trong khi nhận định "Khả quan" đối với nhóm Vận tải biển.
Đối với nhóm Thép, BSC cho rằng sự kiện trên sẽ có tác động trong ngắn hạn nhưng không lớn. Theo đó, trong ngắn hạn, các nhà máy tại Trung Quốc vẫn sản xuất nhưng tồn kho tại đây sẽ gia tăng, khiến nhu cầu nhập khẩu thép giảm.
Các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng, nhưng tác động đối với từng doanh nghiệp sẽ không quá lớn do đa dạng thị trường xuất khẩu.
Trong dài hạn, giá thép cũng có thể giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chậm lại. Nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ cao trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, và tuyên bố sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản nước này. Do đó, BSC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng xuất khẩu thép sang Trung Quốc trong năm nay.
Đối với nhóm Dệt may, BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen. Trong đó, ảnh hưởng tiêu cực có liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào ngành dệt may (chỉ, sợi, vải) khi việc phong tỏa các tỉnh sẽ khiến nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị đứt gãy.
Mặt khác, đối với ảnh hưởng tích cực, BSC kỳ vọng một số đơn hàng dệt may sẽ dịch chuyển sang các nước lân cận (trong đó có Việt Nam), tiếp tục xu hưởng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí thấp hơn.
BSC đánh giá, giá phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ là yếu tố tích cực với ngành Phân bón, tuy nhiên dư địa tăng trưởng đối với các cổ phiếu ngành phân bón là không nhiều, do mức nền cao của năm ngoái, và các chính sách về hạn chế xuất khẩu có thể được đưa ra trong thời gian tới.
Giá các sản phẩm Hóa chất tại Trung Quốc cũng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến giá hóa chất trên thế giới (như các sản phẩm axit photphoric), xuất phát từ việc phong toả Thâm Quyến - là thành phố lớn trong việc sản xuất hàng hóa điện tử.
Việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn sẽ đem lại tác động tích cực đối với ngành Vận tải biển. Cụ thể, việc các hoạt động sản xuất bị hạn chế và công suất hoạt động hệ thống Cảng Trung Quốc giảm sẽ dẫn tới việc kéo dài sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu.
Tình trạng tắc nghẽn hệ thống cảng và thời gian chờ cập bến kéo dài sẽ dẫn tới việc gia tăng cước phí vận tải toàn cầu, từ đó tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp Vận tải biển Việt Nam.
Ở khía cạnh không mấy khả quan, BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột , đặc biệt là nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngành Cảng biển cũng sẽ kém sắc do hoạt động giao thương giữa hai nước bi hạn chế, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống Cảng Việt Nam.
Tuy nhiên, tác động sẽ tiêu cực hơn đối với nhóm doanh nghiệp cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua cảng là phục vụ các tuyến với các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, Châu Âu như ở miền Nam.
Vì thế, các doanh nghiệp như
GMD,
VSC,
PHP sẽ là các đơn vị chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp.