Liên tục lôi kéo sự chú ý với các nhà đầu tư trong tuần qua (14-18/3), cổ phiếu DNP của Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai tăng trần 4/5 phiên liên tiếp. Mặc dù M&A hàng chục công ty, đưa quy mô của công ty tăng trưởng vượt bậc, song lợi nhuận Nhựa Đồng Nai lại khá “khiêm tốn”, chỉ ở mức vài chục tỷ đồng, thậm chí còn sụt giảm từ năm 2016 đến nay.
Không chỉ cổ phiếu
DNP mà các mã liên quan “nhóm
DNP” cũng tăng liên tục không dừng, thậm chí có mã tăng trần 5 phiên liên tiếp. Chốt phiên ngày 21/3, cổ phiếu
DNP tiếp tục tăng trần, đẩy thị giá tăng vọt 61.5% từ 19.500 đồng/cp lên 31.500 đồng/cp. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu đặt ra câu hỏi, “nhóm
DNP” là như thế nào và Nhựa Đồng Nai đang kinh doanh ra sao?
Quy mô tăng trưởng thần tốc
Năm 2012, ông Vũ Đình Độ bắt đầu tham gia vào Nhựa Đồng Nai và giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT. Năm 2014, vị đại gia 8x này giữ chức Tổng giám đốc Nhựa Đồng Nai. Một năm sau, ông Độ chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT và đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp này bắt đầu có sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô.
Trong 8 năm qua (2014 – 2021), quy mô doanh nghiệp đã tăng hơn 33 lần. (Ảnh: Int)
Từ năm 2014, quy mô tài sản của Nhựa Đồng Nai bắt đầu tăng trưởng thần tốc, đặc biệt năm 2016, quy mô tài sản đã tăng gấp 3,5 lần năm 2015. Trong 8 năm qua (2014 – 2021), quy mô doanh nghiệp đã tăng hơn 33 lần nhờ đầu tư vào hàng chục công ty cấp thoát nước lớn nhỏ ở các địa phương. Đặc biệt, trong hơn 1 năm trở lại đây, Nhựa Đồng Nai liên tục M&A nhiều công ty trên sàn chứng khoán.
Tháng 3/2021, Nhựa Đồng Nai đã chi khoảng 967 tỷ đồng để sở hữu 51,14% vốn CTCP CMC (
CVT) - một đơn vị lớn trong lĩnh vực gạch ốp lát.
Đại diện Nhựa Đồng Nai cho biết, thương vụ M&A giúp công ty hướng tới sản xuất, cung ứng chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng là thương vụ duy nhất doanh nghiệp trực tiếp nắm cổ phần doanh nghiệp thành viên.
Tiếp đó, dù không trực tiếp nắm vốn CTCP Tasco (
HUT), song qua tìm hiểu cho thấy, dàn lãnh đạo cấp cao ở Tasco là những cái tên có liên hệ tới “nhóm
DNP”.
Cụ thể, ông Hồ Việt Hà, người mới được bầu là Chủ tịch HĐQT Tasco từ tháng 10/2021, hiện đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT
DNP Water, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (
NVT), Tổng giám đốc CTCP Ô tô Bắc Âu – 2 đơn vị có mối liên hệ đến “nhóm
DNP”.
Bên cạnh đó, thành viên HĐQT Nguyễn Danh Hiếu được bầu từ tháng 6/2021 đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Kinh doanh Nước sạch số 3 Hà Nội (từ tháng 4/2019) – công ty con Nhựa Đồng Nai đồng thời là Giám đốc Công nghệ thông tin CTCP Đầu tư Ngành nước
DNP (từ 2018) và là Phó Tổng Giám đốc
DNP Water (từ tháng 2/2020).
Ngoài ra, một loạt nhân sự cấp cao khác tại Tasco đều có sự liên hệ đến Nhựa Đồng Nai gồm: Kế toán trưởng Nguyễn Hồng Oánh; Trưởng Ban kiểm soát Trần Minh Trang; Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Tuấn; Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Minh, Phó Tổng giám đốc Phan Thị Thu Thảo…
Vừa qua, HĐQT Tasco thông qua chủ trương thành lập Công ty TNHH Tasco Land (Tasco nắm 100% vốn). Tasco Land sẽ đầu tư vào Ninh Vân Bay (
NVT) – đơn vị Nhựa Đồng Nai nắm 57% vốn (tính đến cuối quý III/2019).
Trước đó, tháng 2/2022, HĐQT Tasco đã thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH
SVC Holdings – công ty mẹ nắm 53,68% vốn CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (
SVC) – doanh nghiệp có 2 nhân sự cấp cao đại diện cho
DNP Water là Phó Chủ tịch HĐQT Lê Tuấn và Thành viên HĐQT Nguyễn Hoàng Giang.
Một cái tên gây chú ý khác khi có thông tin “mập mờ” đã gia nhập “nhóm
DNP” là CTCP Xây dựng số 9 (
VC9). Tháng 11/2021, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã:
VCG) đã thoái toàn bộ 4,32 triệu số cổ phần
VC9. Bên mua vào là các cá nhân Nguyễn Minh Quang và ông Trần Mạnh Hiếu với lượng mua vào bằng đúng số mà Vinaconex bán ra.
Theo một số nguồn tin, chủ mới của
VC9 là “nhóm
DNP” của ông Vũ Đình Độ. Đại diện của nhóm này đã tiếp nhận quyền quản trị, điều hành Xây dựng số 9 thay cho các đại diện của Vinaconex kể từ quý III/2021 - trước khi Xây dựng số 9 ra tin chính thức về việc thay đổi nhân sự ở HĐQT và Ban điều hành.
Liên quan đến phía
DNP còn có cái tên khác như CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (
JVC) – công ty do vợ của ông Vũ Đình Độ làm chủ tịch.
Tính đến hết 2021, Nhựa Đồng Nai đang có 4 công ty con sở hữu trực tiếp và 21 công ty con sở hữu gián tiếp, cùng với 9 công ty liên kết.
Như vậy, thông qua cả chục thương vụ M&A lớn nhỏ, hệ sinh thái này đã nắm trong tay hệ thống phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam, nhiều dự án bất động sản lớn cùng nhiều công ty trong lĩnh vực nước sạch, vật liệu xây dựng...
Tổng nợ vượt 10.000 tỷ đồng
Cùng với sự phát triển của quy mô hoạt động, doanh thu thuần của Nhựa Đồng Nai cũng tăng nhanh trong giai đoạn 2014 – 2021 (9,6 lần). Năm 2021, doanh thu thuần của Nhựa Đồng Nai đạt 6.346 tỷ đồng, tăng 92,6% so với năm 2020.
Điều đáng nói, lợi nhuận của công ty lại khá “khiêm tốn”, chỉ ở mức vài chục tỷ đồng, thậm chí sụt giảm từ năm 2016 đến nay.
Cụ thể, sau khi tăng trưởng liên tục và đạt đỉnh với 96 tỷ đồng vào năm 2016, thì đến năm 2021, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ còn 16 tỷ đồng, bằng 59% so với năm 2020 và chỉ bằng 17% so với năm 2016.
Thậm chí, năm 2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Nhựa Đồng Nai còn âm 17 tỷ đồng. Cũng “may”, nhờ có khoản lợi nhuận khác đạt hơn 53 tỷ đồng, doanh nghiệp mới có lãi trong năm 2021.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận ròng của Nhựa Đồng Nai là 0,25%, hệ số sinh lời trên tổng tài sản ROA của doanh nghiệp chỉ khoảng 0,03%, thấp hơn hẳn so với chỉ số chung của ngành.
Không chỉ vậy, doanh nghiệp sử dụng nợ khá nhiều. Năm 2021, tổng nợ của Nhựa Đồng Nai vượt 10.000 tỷ đồng và cao gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, vốn hóa của
DNP vẫn khá nhỏ, đạt 3.400 tỷ đồng (tính theo giá chốt phiên ngày 21/3).
Theo báo cáo tài chính, nguyên nhân khiến chi phí lãi vay tăng mạnh của Nhựa Đồng Nai do nguồn vốn đi vay qua kênh trái phiếu dài hạn đã tăng đáng kể. Đa phần các khoản nợ của Nhựa Đồng Nai được đảm bảo bằng cổ phiếu công ty con, công ty liên kết hoặc cổ phiếu của cổ đông tại chính doanh nghiệp. Đây là gánh nặng tài chính lớn cho doanh nghiệp. Nói cách khác, gánh nặng từ các thương vụ M&A đã làm cho lợi nhuận sau thuế của Nhựa Đồng Nai giảm mạnh.
Thực tế, trong việc mua lại cổ phần của CTCP CMC, Nhựa Đồng Nai đã mua 18,76 triệu cổ phiếu
CVT, tương đương 51,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này với số tiền đầu tư 979 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh doanh của CMC giảm sút, gây thêm gánh nặng cho Nhựa Đồng Nai.
“Việc tiếp tục lạm dụng phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn của Nhựa Đồng Nai cho thấy dòng tiền của doanh nghiệp đang thiếu hụt nghiêm trọng và nguy cơ bong bóng luôn thường trực hiện hữu ở Nhựa Đồng Nai”, một số chuyên gia tài chính nhận định.