Áp lực bán có dấu hiệu tăng trong sáng đầu tuần nhưng lực mua cũng gia tăng ở vùng giá thấp, đẩy thanh khoản tăng vọt trở lại. Hai sàn khớp lệnh gần 19,3 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất 15 phiên...
Áp lực bán có dấu hiệu tăng trong sáng đầu tuần nhưng lực mua cũng gia tăng ở vùng giá thấp, đẩy thanh khoản tăng vọt trở lại. Hai sàn khớp lệnh gần 19,3 ngàn tỷ đồng, mức cao nhất 15 phiên.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng đầu cơ bị xả lớn đẩy hàng loạt mã rơi sâu. Chỉ số Midcap giảm tới 1,42%, Smallcap giảm 1,35% trong khi VN30-Index rớt nhẹ 0,7%.
Dấu hiệu dòng tiền chảy ra khỏi các cổ phiếu đầu cơ là tương đối rõ. Độ rộng ở hai rổ cổ phiếu nói trên đều giảm áp đảo, biên độ giảm cũng rất lớn. Bất ngờ là nhóm cổ phiếu “họ” FLC giảm sàn la liệt như FLC, ROS, AMD, KLF, HAI, ART... Ngoài ra HQC, PTC, DLG cũng giảm sàn,
Nhóm giảm từ 3-6% cũng dày đặc các cổ phiếu đầu cơ quen thuộc như HAR, LDG, NBB, DRH, DIG, CII, JVC...
Blue-chips đang hút tiền hơn ở vùng giá thấp.
Độ rộng sàn HoSE cuối phiên sáng chỉ có 125 mã tăng/325 mã giảm. Ngoài 8 mã giảm sàn, còn 104 mã giảm trên 2%, 80 mã giảm trên 1%.
Nhóm blue-chips VN30 cũng khá yếu với số mã giảm áp đảo 23 mã giảm/5 mã tăng, trong đó 15 mã giảm trên 1%. BID giảm 3,45%, MSN giảm 1,91%, VHM giảm 1,32%, VNM giảm 1,6%, VPB giảm 1,5% là những mã ảnh hưởng nhiều tới chỉ số.
Tuy vậy dòng tiền có dấu hiệu tăng mạnh ở nhóm blue-chips này. Cả rổ khớp 4.337,3 tỷ đồng giá trị, tăng 46% so với phiên trước và chiếm 26% tổng khớp sàn HoSE. Đây là thị phần cao nhất trong 4 phiên.
VN-Index trượt dốc liên tục sáng nay.
Giao dịch lớn nhất thuộc về các cổ phiếu ít nổi bật của nhóm như STB, MWG, HPG, NVL, SSI, VPB. Cổ phiếu ngân hàng giao dịch khá mạnh, chiếm 33% giá trị rổ VN30 sáng nay.
Điều bất lợi là nhà đầu tư chờ mua giá thấp là chính, dẫn đến sức mạnh của các blue-chips chỉ có thể phát huy lực đỡ ở vùng thấp. MWG tăng 3,53%, FPT tăng 2,3%, GAS tăng 0,72% là những cổ phiếu mạnh nhât của rổ này, cũng hầu như không kéo được nhiều điểm. Thực tế đây là trạng thái chung của các cổ phiếu còn tăng giá được trong sáng nay. Trong tổng số 125 cổ phiếu đang trên tham chiếu, chỉ 60 mã tăng được trên 1%. 8 mã kịch trần là HUB, NVT, SFG, EVE, ACL, SII, YBM, PIT. Tuy nhiên cũng chỉ có vài mã có thanh khoản loanh quanh chục tỷ đồng.
Do lực đỡ của các trụ chủ yếu ở vùng giá thấp, VN-Index gần như chỉ trượt dốc một chiều trong phiên sáng và kết phiên giảm 0,93% tương đương 13,94 điểm. Chỉ số ngày càng tụt sâu xuống dưới mốc 1.500 điểm. Điểm tích cực là dư mua vùng giá thấp được chạm tới, đã giúp nâng thanh khoản chung lên. Chiến lược chờ mua đang phát huy hiệu quả.
Nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng nhưng dòng tiền trong nước vẫn áp đảo hoàn toàn. Tổng mức giải ngân tại HoSE của khối ngoại chỉ đạt 594,3 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,3% tổng giao dịch của sàn. Mức ròng không đáng kể 50,6 tỷ đồng.
Tuy vậy vị thế ròng thấp là do ảnh hưởng của một số giao dịch lớn. Cụ thể VNM bị bán ròng hơn 68 tỷ đồng, VCI bị bán 22,6 tỷ chiếm gần hết mức bán ròng. Lực bán của khối ngoại chiếm khoảng 40% giao dịch của VNM và mã này đang liên tục tìm đáy. Hiện giá đang ở mức thấp nhất 8 tháng và ngưỡng hỗ trợ gần nhất chính là đáy thời điểm bùng phát covid tại Việt Nam hồi tháng 3/2020. Phía mua ròng có DGC với 50,5 tỷ, VRE với 21,4 tỷ, FTS với 20,4 tỷ.
Hiện tượng xả mạnh ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng đầu cơ đang phát tín hiệu rủi ro. Dòng tiền đổ vào nhóm này khá lớn, nhất là các mã bất động sản, xây dựng vừa qua. Nếu đây là biểu hiện của sự dịch chuyển dòng vốn nóng sang các mã khác thì cơ hội chung cho thị trường còn rộng mở.