Nguồn cung khan hiếm, nhu cầu tăng cao đã khiến giá phân bón tăng nóng trong thời gian qua. Đây cũng là điều kiện giúp cổ phiếu phân bón được kỳ vọng diễn biến tích cực trong năm 2022.
"Thơm" như cổ phiếu phân bón
Thị trường chứng khoán trong nước lình chình với chỉ số chính VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm suốt nhiều tháng qua, khi dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.
Trong bối cảnh các nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản chưa tìm thấy động lực đi lên, thì các nhóm cổ phiếu hàng hoá như phân đạm - hoá chất, thép, than...lại thu hút dòng tiền và tăng liên tục thời gian qua. Trong đó, đặc biệt có nhóm phân bón.
Sau khi tạo đỉnh vào giữa tháng 12 năm ngoái, cổ phiếu phân bón đã có đợt điều chỉnh sâu suốt một tháng rưỡi sau đó, nhiều mã giảm tới 30%. Tuy nhiên từ đầu tháng 2 đến nay, nhóm cổ phiếu này ghi nhận tốc độ tăng trưởng đột biến, như
DPM chốt phiên 9/3 tăng tới 62%,
DCM tăng 65%,
BFC tăng 44%...
Giá cổ phiếu phân bón càng có thêm động lực khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ 24/2. Sản lượng phân bón hàng năm của Nga đạt hơn 50 triệu tấn, tương đương 13% tổng nguồn cung toàn cầu. Ngay sau khi Nga tiến quân vào Ukaine, giá phân đạm urê trên thị trường hàng hóa New Orleans đã tăng 25%, đạt mức 700 USD/tấn. Hiện Nga và Trung Quốc là hai nước xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới.
Thông tin từ Bloomberg, Bộ Công Thương Nga khuyến nghị tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước này được nối lại bình thường. Điều này gây nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, cũng như ở Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 1/2022, Việt Nam nhập khẩu 322.731 tấn phân bón, tương đương 153,6 triệu USD, trong đó 53.773 tấn từ Nga, tương đương gần 29,6 triệu USD, chiếm 16,7% trong tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch so với tháng 12/2021. Trong năm 2021, Việt Nam chi 143,5 triệu USD nhập mặt hàng này từ Nga, tương đương với 386.193 tấn. Về kim ngạch, nhập khẩu từ Nga chiếm 10% của cả nước. Xu thế này đang có chiều hướng gia tăng.
Trong năm ngoái, giá phân bón tăng mạnh giúp các doanh nghiệp trong ngành thu về kết quả hoạt động khả quan. Trong đó, Đạm Phú Mỹ báo lãi 3.171 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020; Đạm Cà Mau lãi 1.920 tỷ đồng, tăng 190%; Phân bón Bình Điền ghi nhận LNST 296,7 tỷ đồng, tăng 79%. Nhiều đơn vị khác cũng lãi lớn, CTCP Super phốt phát và hóa chất Lâm Thao (mã:
LAS) lãi tăng hơn 2 lần, CTCP DAP - Vinachem (mã:
DDV) lãi tăng 5 lần, Phân bón Miền Nam (mã:
SFG) báo lãi tăng 11 lần, Hóa chất Việt Trì (mã:
HVT) lãi tăng 2 lần…
Kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp phân bón năm 2021. Đvt: tỷ đồng
Vẫn còn dư địa
Xung đột Nga - Ukraine, cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt với Moscow được dự báo chưa thể sớm kết thúc. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy đột ngột cũng theo đó chưa thể sớm được khôi phục như trước đây.
Rabobank dự báo giá phân bón có thể tăng tiếp 20% đến 40% tùy theo từng kịch bản của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga và Belarus.
Chứng khoán BSC nhận định ngành phân bón tiếp tục duy trì triển vọng tích cực khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Động thái cấm xuất khẩu Amoni nitrat (NH4NO3) của Nga có thể đẩy giá phân đạm trên toàn cầu tiếp tục tăng. Hiện nay, sản lượng Amoni nitrat xuất khẩu của Nga đạt khoảng 15 triệu tấn mỗi năm, chiếm 75% nguồn cung toàn thế giới.
Ngoài ra, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào khí, than tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng thêm và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.
Theo Agriseco Research, hiện nay Nga cung cấp khoảng 23% Ammoniac, 17% Kali, 14% Urê và 10% Phốt phát. Vậy nên nếu căng thẳng Nga - Ukraine tiếp tục leo thang, khối lượng xuất khẩu này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ đẩy giá nhóm hóa chất và phân bón tăng cao.
Diễn biến ở thị trường Việt Nam, các cổ phiếu phân bón cũng đã tăng điểm tích cực phản ánh phần nào kỳ vọng đó. Giá phân bón trên thị trường thế giới và Việt Nam vẫn đang chưa có sự tăng giá tương ứng, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào như dầu khí hay than đã tăng mạnh.
Điều này cho thấy giá phân bón trong thời gian sắp tới nhiều khả năng sẽ có sự điều chỉnh tăng giá, tạo động lực cho nhóm cổ phiếu ngành phân bón trên thị trường.
Qua đó, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến giá phân bón thế giới cũng như Việt Nam và có thể gia tăng tỷ trọng với nhóm này.