Trong khi khối ngoại và tổ chức trong nước gồm cả tự doanh tiếp tục bán ròng mạnh trong quý đầu của năm 2022 thì nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đổ ròng hơn 12.000 tỷ đồng mua ròng giúp chỉ số trụ vững trước nhiều biến cố tiêu cực.
Chứng khoán mở đầu năm 2022 tưởng như khởi sắc với những thông tin tốt về vĩ mô, tăng trưởng kinh tế hậu Covid khi Chính phủ mở cửa kinh tế song quá nhiều biến cố rình rập đến từ bên ngoài. Lạm phát, Fed tăng lãi suất, chiến tranh Nga - Ukraine. Khối ngoại trước áp lực đó đã bán ròng không tiếc tay suốt từ đầu năm nối liền trạng thái tiêu cực trong hai năm trước đó. Nhà đầu tư tổ chức cũng vậy trong khi cá nhân trong nước vẫn đổ tiền vào thị trường giúp chỉ số không sụt quá sâu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, VN-Index đứng ở mức 1.492,15 điểm, tương ứng giảm 0,41% so với cuối năm 2021. HNX-Index giảm đến 5,14% xuống 449,62 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 3,87% lên 117,04 điểm.
Dữ liệu từ FiinPro cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.421 tỷ đồng ở sàn HoSE trong quý đầu tiên của năm 2022. Dù giảm 44% so với quý 4/2021, trong đó chỉ có 5.325 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh song so với dòng tiền khác đến từ khối ngoại, tự doanh, tổ chức trong nước thì tâm lý này vẫn được đánh giá khá tích cực.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã MSN với giá trị 5.967 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VIC cũng được mua ròng 5.653 tỷ đồng. Hai mã HPG và NVL được mua ròng lần lượt 2.865 tỷ đồng và 2.517 tỷ đồng. Trong khi đó, STB bị dòng vốn này bán ròng mạnh nhất với 2.267 tỷ đồng. VPB và DGC đều bị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, nhóm này đã bán ròng 7.328 tỷ đồng, trong khi đó, riêng tháng 3 giá trị bán ròng 3.974 tỷ đồng. Đây cũng là quý bán ròng thứ 7 liên tiếp của dòng vốn ngoại, với tổng giá trị bán ròng 79.784 tỷ đồng.
MSN là cổ phiếu bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất với giá trị lên đến 5.707 tỷ đồng. VIC và HPG đều có giá trị bán ròng trên 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NVL cũng bị bán ròng 2.136 tỷ đồng. Chiều ngược lại, STB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 2.026 tỷ đồng. DGC và VHM được mua ròng lần lượt 1.891 tỷ đồng và 1.094 tỷ đồng.
Tương tự, các tổ chức trong nước bán ròng trong cả 5 quý từ đầu năm 2021. Quý 1/2022, giá trị giảm nhẹ 1,3% so với quý liền trước và ở mức 5.175 tỷ đồng, trong đó có 1.464 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Dòng vốn này đã bán ròng 35.629 tỷ đồng kể từ đầu năm 2021.
Các tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất mã VIC trong quý I với 1.970 tỷ đồng. ACB và DIG bị bán ròng lần lượt 1.414 tỷ đồng và 1.329 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, TCB được mua ròng mạnh nhất với 939 tỷ đồng. VPB cũng được mua ròng 679 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF E1VFVN30 được mua ròng 623 tỷ đồng.
Đánh giá về xu hướng thị trường và dòng tiền nhà đầu tư cá nhân trong nước trước đó, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS cho rằng 2022 sẽ là năm rất khó đoán, tuy nhiên, chưa bao giờ chứng khoán lại gần với chúng ta đến thế. Hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ thì nhà đầu tư có thể mở tài khoản online, chuyển tiền online, có thể đặt lệnh qua nền tảng app và web của công ty chứng khoán.
Dù không nói chính xác về điểm số nhưng ông Hà cho rằng trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có điểm số đỉnh trong 22 năm. Chúng ta sẽ chứng kiến một lượng nhà đầu tư mở tài khoản lớn chưa từng thấy.
"Chúng ta có thể kỳ vọng rằng, năm 2022, chúng ta có khoảng 10% dân số sẽ có tài khoản chứng khoán. Năm 2022 tiếp tục là một năm thắng lợi của các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán", ông Hà kỳ vọng.