• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 3:26:15 CH - Mở cửa
[Cafe cuối tuần] Công cuộc hạ ngầm đường phố
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 16/04/2022 2:25:00 CH
Những ý tưởng về hạ ngầm đường phố như một công cuộc mới mẻ đang được mở ra với nhiều dấu ấn. Nếu đúng như những dự kiến, thì những khung cảnh sôi động đẹp đẽ như những gì tôi đã chứng kiến ở các thành phố cổ kính và hiện đại ven biển vùng Bắc Âu ngày nào...
 
 
Cách đây đã khá lâu rồi, từ khi Hà Nội còn chưa có hầm vượt đường bộ, chưa có những trung tâm thương mại dưới lòng đất ở các khu đô thị lớn, tôi đã có dịp đến một số thành phố ven biển ở vùng Bắc Âu. Một buổi đi dạo trên những phố cổ ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, lại đúng vào dịp lễ hội Carnival nổi tiếng đang diễn ra ở đây. Trời ơi là một biển người, náo nhiệt và đông đúc. Người cứ như đang được đùn ra từ đâu đấy. Nhưng đông đúc thế mà không chen lấn ngột thở mà nhịp nhàng, sống động, lướt đi, thoát đi…
 
Biển người ấy từ dưới đất đùn lên như nước, rồi cũng thoát xuống dưới đất, cũng như nước ấy. Đến khi đi vào các cửa nhà ở hai bên đường, thấy nhà nào cũng mấy tầng làm cửa hàng cửa hiệu nằm sâu dưới đất. Hóa ra, không chỉ ở quy mô các công trình công cộng như tầu điện ngầm, trung tâm thương mại, mà ngay cả quy mô nhà cá nhân, ở nơi thành phố ấy, người ta cũng tận dụng rất hiệu quả không gian ngầm dưới đất sâu.
 
​Về đọc các tài liệu, thấy nhiều tư liệu về khai thác không gian ngầm đã có lịch sử từ rất lâu rồi. Có nhiều thành phố ngầm cho cả triệu người sinh sống trong lòng đất. Thế là nghĩ, rồi đến lúc ở Việt Nam sẽ có chuyện này…
 
​Giờ thì đã có rồi đấy, dẫu còn sơ khai. Những Trung tâm thương mại. Những hầm vượt đường bộ, vượt sông. Một số đoạn đường tàu điện ngầm đang xây dựng. Các đoạn sông đen đặc nước thải bốc mùi hôi thối ở Hà Nội, TP.HCM đã được cống hóa, bên trên là những không gian công cộng đẹp đẽ…
 
​Nhưng phải nói là việc khai thác không gian ngầm đô thị của chúng ta còn quá chậm và bị ngăn trở bởinhiều lý do, những hạn chế về đầu tư, về giá thành và cả kinh nghiệm. Ngay như trong quá trình nghiên cứu để lên phương án thiết kế tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đã có ý kiến đề xuất nên làm ngầm trong lòng đất. Rốt cuộc, sau đó chúng ta đã không làm, với đủ các lý do, nào là giá đắt quá, thi công phức tạp và kéo dài thời gian quá. Tuyến đường đi nổi trên cao bây giờ đang hoạt động, rút cuộc, vẫn có giá thành đội lên chẳng kém gì phương án đi ngầm và thời gian thi công cũng dài như vậy. Đã nghe nói có dự án làm khu gửi xe ngầm lớn ở Hà Nội từ lâu rồi, đến bây giờ vẫn chưa hiện ra…
 
​Chúng ta đã bỏ qua cơ hội là rất khó có lại. Chỉ mong trong tương lai, không lãng phí thêm những cơ hội như thế nữa…
 
***
 
​Nói vậy để đề cập đến việc TP.HCM công bố tiến hành nghiên cứu phương án hạ ngầm một số đường phố ở thành phố này vừa qua.
 
Theo đó, trước mắt, sẽ hạ ngầm đại lộ Tôn Đức Thắng ở trung tâm quận 1, dài khoảng hai cây số. Với điểm đầu giao cắt với tuyến Lê Duẩn chạy qua khu Ba Son rồi vươn theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội, tuyến đại lộ này kết nối với đường Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng và là một tuyến chính giữa khu trung tâm với quận 4 và Nam Sài Gòn. Theo kế hoạch ngầm hóa, đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng dài gần một cây số có hai tầng dưới mặt đất cho xe chạy hai chiều. Bãi xe ngầm xây dọc tuyến cách công trường Mê Linh 100m về phía đường Ngô Văn Năm có sức chứa 300 xe ô tô và có thể tận dụng một phần cho xe máy. Lối đi bộ được bố trí từ bãi đậu xe ngầm tới công trường Mê Linh tại tầng hầm thứ nhất. Cùng với đường Tôn Đức Thắng, khu vực giữa công trường Mê Linh ở gần đó sẽ xây dựng tầng ngầm tạo thành một "vườn trũng", xung quanh có các cửa hàng bán lẻ, cà phê, nhà hàng... "Vườn trũng" này nối trực tiếp với bãi xe ngầm dưới đường Tôn Đức Thắng và các tòa nhà xung quanh. Trên mặt đất, công trường Mê Linh dành 50% diện tích cho cây xanh, đài phun nước, tạo không gian thoáng đãng... Giữa công trường Mê Linh và sông Sài Gòn bố trí các trạm xe buýt, đường sắt nhẹ, taxi thủy, thuận tiện cho người đi bộ...
 
Công trình này sẽ phải cần đến nguồn tiền đầu tư rất lớn. Tuy nhiên nếu khai thác tốt quỹ đất dọc tuyến để huy động vào thì lại sẽ cân đối được. Theo đó, khi có quy hoạch hợp lý và cơ chế phù hợp, các nhà đầu tư lớn sẽ tham gia. Quỹ đất xung quanh tuyến có thể phát triển các dự án chung cư, dịch vụ, thương mại... để người dân có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở trước nhu cầu ngày càng cao.
 
Nhìn rộng ra, nếu làm tốt, không chỉ triển khai ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng thành công, mà thành phố hoàn toàn có thể chủ động nguồn lực để làm các dự án ngầm hóa các đường phố khác...
 
Được biết, cùng với đại lộ Tôn Đức Thắng, thì hai khu vực gồm đường Nguyễn Huệ và phố đi bộ Lê Lợi cũng đã được TP.HCM định hướng là ba không gian ngầm phục vụ đi lại, mua sắm, giải trí trong tương lai không xa nữa.
 
Theo quy hoạch, không gian ngầm đường Nguyễn Huệ có tầng hầm đầu tiên là trung tâm thương mại, tầng hai hoặc ba là bãi giữ xe. Tầng hầm thứ nhất sẽ thiết kế tạo hành lang cho người đi bộ, kết nối Nhà hát thành phố với công viên dọc sông Sài Gòn. Tầng này có quảng trường, cửa hàng bán lẻ ngầm ở mỗi giao lộ để khách tham quan, mua sắm dễ xác định phương hướng. Không gian ngầm tại đây sẽ được thiết kế đảm bảo kết nối các dự án cải tạo, chỉnh trang trong tương lai. Hệ thống thang cuốn, thang máy bố trí gần các trạm xe buýt, các lối ra vào sẽ được xây dựng ở khu vực đường Lê Lợi - Tôn Thất Thiệp và Ngô Đức Kế - Hải Triều. Tiếp giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ, đại lộ Lê Lợi dài khoảng một km, từ Nhà hát thành phố đến vòng xoay trước chợ Bến Thành, hiện đã hình thành 3 nhà ga ngầm (Ba Son, Nhà hát Thành phố và Bến Thành) của tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
 
Cùng với định hướng này, cuối năm 2021 TP.HCM đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc với những định hướng phát triển không gian ngầm ở nhiều khu vực khác của thành phố. Hiện nay, công tác tổ chức thi tuyển tìm ý tưởng quy hoạch không gian ngầm toàn bộ khu trung tâm hiện hữu (930 ha) cùng Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng đang được tiến hành.
 
***
 
Thật đúng là những thông tin tốt lành! Những ý tưởng về hạ ngầm đường phố này như một công cuộc mới mẻ đang được mở ra với nhiều dấu ấn. Nếu đúng như những dự kiến, thì những khung cảnh sôi động đẹp đẽ như những gì tôi đã chứng kiến ở các thành phố cổ kính và hiện đại ven biển vùng Bắc Âu ngày nào, sẽ hiện ra ở TP.HCM trong một tương lai không xa nữa…
 
Nhưng trước những dự án lớn được công bố, thì vẫn nhiều lo lắng. Những câu chuyện buồn bã đã qua vẫn còn ám ảnh. Cầu mong cho ê kíp lãnh đạo mới của TP.HCM chọn được những nhân sự tài năng, trách nhiệm, quyết liệt và tâm huyết, xứng đáng để điều hành và quản lý, để những dự án này cập bến thành công. Thành công của những dự án này sẽ không chỉ hiện thực hóa những ý tưởng đẹp đẽ ở một thành phố đầu tàu, mà còn là kinh nghiệm và bài học về nhiều mặt cho cả một thời kỳ phát triển mới ở những vùng đất khác trên cả đất nước ta.