Tập đoàn vận tải biển MSC đang đề xuất liên danh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đầu tư Khu cảng tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 135.355 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,9 tỷ USD).
Bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT)
Chiều 15/4, tại hội thảo Hội thảo "Tạo đà phục hồi của thị trường bất động sản phía Nam",do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadatu.vn tổ chức, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) đã trình bày "Chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT - đòn bẩy phát triển bất động sản vùng TP.HCM".
Nhadautu.vn trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận của bà Lã Hồng Hạnh.
Trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM đã được Trung ương và thành phố quan tâm đầu tư, một số công trình quan trọng mang tính động lực, lan tỏa đã hoàn thành tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như của cả khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 đã tập trung bố trí vốn để hoàn thiện các dự án về GTVT trên địa bàn Thành phố và kết nối với các tỉnh lân cận:
1. Về đường bộ:
- Hệ thống quốc lộ: 5 tuyến Quốc lộ với tổng chiều dài 136.7Km, các đoạn tuyến này là các QL hướng tâm, đồng thời là trục đô thị cửa ngõ vào TP.HCM, bao gồm: QL.1 (58Km) quy hoạch 8-10 làn xe, QL.1K (10,2Km) quy hoạch 8 làn xe, QL.13 (19,5Km) quy hoạch 8 làn xe, QL.22 (31Km) quy hoạch 10-12 làn xe, QL.50 (18Km) quy hoạch 6 làn xe. Các tuyến QL này hiện đã và đang được đầutư quy mô 4 làn xe phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (QĐ số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013), trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư mở rộng theo quy hoạch phát triển GTVT TPHồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2030 (QĐ số 568/QĐ-TTg ngày08/4/2013).
- Hệ thống đường vành đai: 3 tuyến Vành đai với tổng chiều dài khoảng 351Km; bao gồm: Vành đai 2 (64Km), Vành đai 3 (89Km), Vành đai 4 (198Km); (Trong đó các tuyến đường vành đai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết, Vành đai 2 đã được đầu tư 51/64 km theo quy hoạch, các đoạn tuyến còn lại (nút giao thông cầu vượt Gò Dưa – cầu Phú Hữu và ngã ba An Lạc - Nguyễn Văn Linh) đang được TP.HCM khẩn trương triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành năm 2023; Vành đai 3 có 4 đoạn, trong đó (đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn) dài 16,3 km) đã được tỉnh Bình Dương thực hiện đầu tư đã đưa vào khai thác, đoạn Tân Vạn- Nhơn Trạch được Bộ GTVT đầu tư nguồn vốn ODA, hiện đang tổ chức đấu thầu, dự kiến khởi công Quý 2/2022, các đoạn còn lại được dự kiến đầu tư công với kinh phí khoảng 75 ngàn tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2022-2026, sẽ báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Đường Vành đai 4 dài 198km có quy mô 8 làn xe theo quy hoạch, giao cho các địa phương có dự án đi qua làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án.
- Hệ thống đường cao tốc: 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 353 Km:Về phía Tây và Tây Bắc có TP.HCM – Trung Lương (40Km), Bến Lức – Long Thành (58Km), Tp. HCM – Chơn Thành (69Km); Về phía Đông và Đông Nam có TP.HCM – Mộc Bài (55Km) , Tp. HCM- Long Thành – Dầu Giây (55Km), Biên Hòa – Vũng Tàu (76Km); Trong đó đã đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến là Tp. HCM –Trung Lương, và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; Hiện nay đang tiến hành xây dựng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành và chuẩn bị đầu tư tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu với quy mô 4-6 làn xe (sử dụng nguồn vốn kích cầu với tổng mức đầu tư khoảng 18 ngàn tỷ, dự kiến đầu tư giai đoạn 2022-2025), tuyến TP.HCM-Long Thành – Dầu Giây dự kiến mở rộng lên 8 làn xe (dùng vốn vay ODA), tuyến TP HCM
– Mộc Bài dự kiến đầu tư quy mô 4 làn xe với TMĐT khoảng 10,6 ngàn tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ giao TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuyến TP.HCM-Chơn Thành có quy mô 4 làn xe cao tốc, TMĐT khoảng 24 ngàn tỷ, dự kiến được TTCP giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ qua nhà nước có thẩm quyền, đầu tư theo hình thức PPP.
- Giao thông đô thị: Dự án xây dựng nút giao thông An Phú được Hội đồng nhân dân TP.HCM phê duyệt kế trung hạn 2021-2025 bố trí khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Dự án xây dựng mở rộng QL50 Huyện Bình Chánh bố trí 1,5 ngàn tỷ đồng.
2. Về đường sắt:
a- Đường sắt quốc gia:Theo quy hoạch phát triển đường sắt, trên địa bàn thành phố bên cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có sẽ định hướng phát triển các tuyến đường sắt để tăng cường kết nối TP HCM với các địa phương trong vùng và kết nối cảng biển (tuyến TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Tây Ninh, đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam).
Riêng đoạn đường sắt hiện có Bình Triệu - Hòa Hưng (Sài Gòn) sẽ được nâng lên cao để tránh giao cắt với đường bộ, giảm ùn tắc giao thông đô thị. Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có: chạy qua địa phận 5 quận của TP.HCM với chiều dài: 16,2 km, gồm 3 ga (Bình Triệu, Gò Vấp và Sài Gòn).
Thời gian qua, bên cạnh việc duy tu, bảo dưỡng KCHT đường sắt hiện có, Bộ GTVT đã chỉ đạo thực hiện cải tạo nâng cấp ga Sài Gòn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách.
Hiện Bộ GTVT đang đề nghị UBND TP.HCM tăng cường phối trong việc duy trì trật tự hành lang, đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn thành phố (đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt). Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất để phát triển đường sắt khu đầu mối TP.HCM và đường sắt tốc độ cao đã được thoả thuận giữa Bộ GTVT và UBND thành phố. Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ GTVT trong việc hoàn thiện các quy hoạch trong thời gian tới theo quy định của Luật Quy hoạch.
b- Đường sắt đô thị: Theo quy hoạch, trên địa bàn TP.HCM sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện một ray (monorail) hoặc xe điện mặt đất (tramway). Hiện đang chuẩn bị đầu tư 01 dự án (tuyến số 5, giai đoạn 1 đoạn từ Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) và thực hiện đầu tư 02 dự án (tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên 1 và tuyến số 2: Bến Thành - Tham Lương 2 ).
3. Về hàng không:
a - CHKQT Tân Sơn Nhất
- Về quy hoạch: Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với quy mô cấp 4E và sân bay quân sự cấp I, công suất 50 triệu hành khách/năm và 0,8-1 triệu tấn hàng hóa/năm, 106 vị trí đỗ tàu bay.
- Về hiện trạng hạ tầng: Hiện nay CHKQT Tân Sơn Nhất đã đạt cấp 4E với 2 đường cất hạ cánh; có 83 vị trí đỗ tàu bay; 02 Nhà ga hành khách với tổng công suất 28 triệu hành khách/năm (Quốc nội T1: 15 triệu hk/năm, Quốc tế - T2: 13 triệu hk/năm). Sản lượng năm 2019 đạt 41,2 triệu hành khách và 682.307 tấn hàng hóa.
- Về hoạt động hàng không: Hiện có 06 hãng hàng không nội địa (VietnamAirlines, Vietjet Air, Jestar Pacific, VASCO và Bamboo Airway, Vietralvel Airline) và các hãng hàng không quốc tế đang khai thác.
- Về tình hình đầu tư: Để nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất lên 50triệu hành khách/năm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, hiện nay đangtriển khai 2 dự án:
+ Dự án Xây dựng nhà ga hành khách quốc nội T3 (ACV là chủ đầu tư): Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư , ACV phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Hiện nay, ACV đang trình thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật.
+ Dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn CHKQT Tân Sơn Nhất (Bộ GTVT là chủ đầu tư): Hiện nay Ban QLDA Mỹ Thuận đã hoàn thành tất cả các hạng mục chính của dự án, đang triển khai các hạng mục phụ trợ, lắp đặt thiết bị, thi công tại các khu vực hạn chế, dự kiến hoàn thành dự án trước 30/4/2022.
b. Cảng HKQT Long Thành
a) Tình hình thực hiện dự án: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư Cảng HK Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách/năm và sẽ nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 đạt công suất 50 triệu hành khách/năm giai đoạn đến năm 2030.
Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu của Cảng hàng không đã khởi công ngày 05/01/2021. Các dự án thành phần còn lại (1,2,4) đang triển khai các thủ tục đầu tư.
b) Về hệ thống giao thông kết nối giữa khu vực TP.HCM cũng như CHKQT Tân Sơn Nhất với CHKQT Long Thành: Bộ GTVT đang cân đối kế hoạch trung hạn 2021-2025 để kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn lực đầu tư, đảm bảo đi lại thuận tiện cho hành khách và phát huy hiệu quả khai thác CHKQT Long Thành. Hiện nay đang triển khai đồng bộ các Dự án để bảo đảm khả năng kết nối khi CHKQT Long Thành đưa vào khai thác như: Dự án đường vành đai 3 TP.HCM (Dự án thành phần 1A), dự án tuyến kết nối CHKQT Long Thành với Tỉnh lộ 25C và đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Bộ GTVT cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; nghiên cứu phương án mở rộng đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
- Về tình hình đầu tư: Để nâng cấp, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, ngày 26/3/2019 Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt chủ trương đầu tư Xây dựng nhà ga hành khách quốc nội T3, theo đó Bộ GTVT kiến nghị giao ACV thực hiện đầu tư. Hiện nay TTgCP đang chỉ đạo lấy ý kiến các bộ, ngành để thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư để ACV sớm triển khai đầu tư.
Ngoài ra, để đầu tư đồng bộ các công trình đáp ứng khai thác 50 triệu hành khách/năm, Bộ GTVT, ACV, Tổng công ty Quản lý bay đang chuẩn bị, triển khai đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn, công trình thoát nước, nâng cao năng lực điều hành bay tại CHKQT Tân Sơn Nhất.
- Về hệ thống giao thông đối ngoại: Bộ GTVT đề nghị TP.HCM có kế hoạch triển khai sớm để đảm bảo hoàn thành đồng bộ với Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3.4.
Về hàng hải
4.1. Quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt QH tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại QĐ số 1579/QĐ-TTgngày 22/9/2021. Theo đó, cảng biển TP.HCM là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I), gồm các khu bến chính: Khu bến trên sông Sài Gòn, khu bến Cát Lái trên sông Đồng Nai, khu bến trên sông Nhà Bè, khu bến Hiệp Phước trên sông Soài Rạp.
Lượng hàng thông qua năm 2025 khoảng từ 133,03 đến 141,48 triệu tấn/năm, trong đó riêng lượng hàng công ten nơ khoảng từ 7,72 đến 8,18 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 145,47 đến 159,98 triệu tấn/năm, trong đó riêng lượng hàng công ten nơ khoảng từ 8,44 đến 9,07 triệu TEU/năm. Lượng hành khách thông qua năm 2025 khoảng từ 27,67 đến 108,76 nghìn lượt khách/năm; năm 2030 khoảng từ 28,9 đến 243 nghìn lượt khách/năm.
- Hiện tại, Tập đoàn vận tải biển MSC (tập đoàn lớn nhất thế giới về vân tải biển) đang đề xuất liên danh Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP đầu tư Khu cảng tại cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, khu vực sông Cái Mép để trở thành cảng trung chuyển quốc tế với quy mô: 13 bến chính tiếp nhận tàu mẹ với trọng tải lên tới 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEUs) và tàu gom hàng (feeder) trọng tải 10.000 – 65.000 DWT, chiều dài khoảng 6,8 km. Công suất thiết kế: 15 triệu TEU (trong đó khoảng 80% là hàng trung chuyển quốc tế; khoảng 20% là hàng XNK của Việt Nam).
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 135.355 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,9 tỷ USD). Năm 2025 dự kiến hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với TMĐT khoảng 660 triệu USD.5. Đường thủy nội địa) Đầu tư mở rộng Kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); xử lý các nút thắt trên các tuyến đường thủy nội địa: cầu Chợ Lách 2, cầu Nàng Hai, cầu Trà Ôn, hoàn thành trước 2025.
2) Đảm bảo nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để nạo vét, duy tu các tuyến đường thủy nội địa quốc gia kết nối giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, luồng hàng hải, cơ bản giữ cấp kỹ thuật theo quy hoạch đảm bảo khai thác hiệu quả hoạt động vận tải;
3) Nghiên cứu triển khai đầu tư nạo vét, cải tạo đảm bảo chuẩn tắc luồng tuyến sông Đồng Tranh, hình thành tuyến kết nối từ cửa sông Vàm Cỏ qua Cần Giờ sang sông Thị Vải tới cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải, dự kiến hoàn thành trước 2025.
6.Một số đề xuất
Với một thành phố quy mô dân số đến 9 triệu như TP.HCM, nhu cầu vận tải hành khách nói riêng không thể đảm nhận nổi bởi loại hình vận tải đường bộ mà cần phải đầu tư sớm hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn bên cạnh việc tổ chức lại để tối đa hóa năng lực vận tải của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có. Không chỉ đa dịch vụ, tiện ích, mỹ quan .... mà kết nối giao thông thuận tiện cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công của một thành phố lớn. Để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, trở thành hạt nhân của vùng, cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai đô thị, các tuyến cao tốc và quốc lộ hướng tâm, hệ thống đường sắt đô thị , sân bay ....
Bộ Giao thông vận tải cùng với TP.HCM đang kiến nghị một số nội dung để giải quyết các “nút thắt” về hạ tầng tương xứng với vai trò TP.HCM là cầu nối, trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước nhằm liên kết giữa khu vực kinh tế phát triển nhất cả nước (Vùng Đông Nam Bộ) và khu vực sản xuất lúa gạo, thủy sản trọng điểm quốc gia (Vùng Tây Nam Bộ):
1. Hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, rà soát và triển khai xây dựng các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh theo Luật Quy hoạch mới đảm bảo tính đồng bộ đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.
2. Bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông vận tải kết nối giữa TP.HCM với Vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ;
3. Xây dựng quy chế phối hợp liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh Vùng Tây Nam Bộ đồng thời duy trì cơ chế phối hợp với các tỉnh Đông Nam Bộ đảm bảo hoạt động phối hợp thường xuyên và có hiệu quả trong triển khai đầu tư các dự án giao thông;
4. Chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch một số dự án nhằm tăng cường và hỗ trợ kết nối như: cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, cao tốc Chơn Thành –Hoa Lư, cao tốc Trung Lương – Bến Tre; cao tốc Hồng Ngự (cửa khẩu Dinh Bà)– Trà Vinh; trục động lực TP.HCM – Long An – Tiền Giang, các tuyến liên kết vùng v.v...;
5. Tiếp tục hoàn thiện các dự án đã triển khai đầu tư trong giai đoạn 2016 –2020 để sớm đưa vào khai thác làm cơ sở để triển khai các dự án giai đoạn 2021– 2025;
6. Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế đầu tư theo hình thức PPP để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia các dự án đảm bảo đúng tiến độ theo quy hoạch.