Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất "nới" giá trần giá vé máy bay để tháo gỡ một phần khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang phải chịu lỗ lớn.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước thực tế giá nhiên liệu Jet A1 tăng 130 USD mỗi thùng (gần gấp đôi năm 2021), Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất "nới" giá trần giá vé máy bay để tháo gỡ một phần khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang phải chịu lỗ lớn.
Trước lo ngại tăng giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay, việc tăng giá vé máy bay không ảnh hưởng đến lạm phát. Bởi mức giá được đề xuất không tăng nhiều so với giá trần hiện nay (tăng bình quân 3,7%), tương đương mức trần đã áp dụng vào năm 2015.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã tính toán giá trần để bảo vệ quyền lợi của hành khách, đảm bảo chính sách vĩ mô của nhà nước để chống lạm phát, tăng giá.
Sau đề xuất nới giá trần, giá vé máy bay có tăng cao?
Về lo ngại việc "nới" giá trần sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng giá vé trong dịp cao điểm 30/4-1/5 tới đây, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong dịp cao điểm, giá vé bình quân không thể đạt mức trần, chỉ đạt 60% con số này. Các hãng bay có nhiều dải giá vé, không hãng nào chỉ bán loại vé theo giá trần. Vì thế để tiếp cận giá hợp lý thì hành khách nên mua vé sớm còn nếu quyết định mua vào sát ngày đi, giá vé rất cao.
Chuyên gia hàng không đánh giá, giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức như thời điểm 2014 không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé.
Ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá vé rẻ nhằm kích cầu.
TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nhận định nên điều chỉnh giá trần cho phù hợp với diễn biến của thị trường xăng dầu. Riêng với đề xuất bỏ trần vé máy bay, nếu nhìn ở góc độ cạnh tranh thì hãng nào đưa ra dịch vụ tốt nhất với giá tốt nhất, hãng đó sẽ thu hút được khách hàng. Do đó, có thể ủng hộ xem xét bãi bỏ giá trần ở thời điểm thích hợp khi có đủ yếu tố của cạnh tranh lành mạnh.
Nhìn ở góc độ khác, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng vẫn cần giá trần, trong bối cảnh thị trường hàng không chưa có sự cạnh tranh thật sự mà vẫn còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh.
Tuy nhiên, dưới góc độ của người tiêu dùng, bà Đàm Thị Thêm, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Một tháng lương tối thiểu vùng có thể chưa đủ mua một vé máy bay. Đi lại bằng đường hàng không tại Việt Nam vẫn là thứ gì đó xa xỉ và không dành cho số đông”.
Trong khi đó, anh Vũ Tiến Trung, ở quận Đống Đa (Hà Nội) nêu quan điểm, cơ quan quản lý cứ để các hãng hàng không quyết định giá và người tiêu dùng quyết định đi hãng hàng không nào có giá cả hợp lý với tài chính của họ. Hãng nào phù hợp thì tồn tại, không phù hợp thì tự đào thải.
Tuy nhiên, một số hành khách lại cho rằng mới mở cửa sau đại dịch đáng ra nên đưa giá vé vừa phải để người dân đi lại qua đó kích cầu du lịch và công tác. Đằng này lại tăng trần thì ai mặn mà trong khi kinh tế người dân còn khó khăn khi vừa trải qua 2 năm đại dịch.
Về lo ngại bỏ giá trần vé máy bay sẽ khiến các hãng đồng loạt tăng giá, lãnh đạo các hãng hàng không cho rằng hiện thị trường rất cạnh tranh, khách hàng so sánh và lựa chọn dịch vụ phù hợp với giá tiền nên các hãng sẽ không thể thoải mái tăng giá vé. Cơ quan quản lý cũng có những quy định riêng để kiểm tra và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa, giá vé bay có mức tăng từ 2,2 đến 6,6% tùy theo các chặng bay.
Cụ thể, đối với cự ly từ 500 đến 850km, giá trần hiện là 2,2 triệu thì mức đề xuất mới là 2,25 triệu đồng (tăng 2,2%); cự ly từ 850 đến 1.000km, giá hiện 2,79 triệu, mức đề xuất tăng 2,89 triệu (tăng 3,5%); cự ly từ 1.000 đến 1.280km, giá trần hiện là 3,2 triệu, mức đề xuất là 3,4 triệu (tăng 6,2%); cự ly từ 1.280km trở lên giá trần hiện 3,75 triệu, mức đề xuất tăng lên 4 triệu đồng (tăng 6,6%).
Hiện nay giá trần vé máy bay được áp dụng từ năm 2015. Tháng 9/2015, khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á giảm, Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh giảm trần giá vé máy bay khoảng 3,5%.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng hành khách đi đường hàng không dự kiến tăng 25-30% so với ngày thường, đạt khoảng 90-95% cùng kỳ năm trước. Các hãng bay đã dự kiến bố trí gần 1.000 chuyến bay trong dịp cao điểm này. Cục Hàng không Việt Nam cũng theo dõi hàng ngày việc mua bán vé, các hãng sẽ đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của hành khách.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, Vietnam Airlines Group cung ứng gần 450.000 chỗ trong 7 ngày từ 28/4 đến 4/5. Trong đó, Vietnam Airlines và Vasco khai thác trên 2.000 chuyến bay với gần 395.000 chỗ, tăng 10% so với giai đoạn cùng kỳ 2019. Trong khi đó, Pacific Airlines cung ứng trên 270 chuyến bay, tương ứng gần 51.000 chỗ.
Các chặng bay nội địa tập trung tăng tải đang thu hút du khách, kết nối giữa hai thành phố lớn Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh với những điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo...
Với Bamboo Airways, hãng này cho biết dự kiến tăng thêm tần suất bay trên các đường bay trọng điểm như Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Cam Ranh và Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội và TP. HCM - Côn Đảo. Hãng chủ động bố trí các chuyến bay tối muộn nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại trong dịp này.
Dịp lễ 30/4-1/5, hãng tăng tần suất các chuyến bay kết nối mạng bay nội địa. Cụ thể, trong giai đoạn từ 28/4-3/5, hãng này dự kiến tăng thêm tần suất bay tối trên các đường bay trọng điểm như Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Cam Ranh và Hà Nội - Phú Quốc.
Đại diện một số hãng hàng không lưu ý hành khách khi đặt vé máy bay mùa cao điểm là cần cẩn trọng khi mua vé qua kênh trung gian.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo hành khách nên mua vé máy bay qua phòng vé hoặc các đại lý chính thức của hãng.
Đối với hình thức mua vé máy bay trực tuyến, hành khách cần lưu ý một số yêu cầu sau trong quá trình thanh toán: Đảm bảo thẻ đủ điều kiện thanh toán trực tuyến, thẻ được đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thẻ còn hiệu lực, đủ hạn mức thanh toán.
Hành khách nên truy cập vào các trang thông tin điện tử hoặc gọi đến tổng đài hỗ trợ hành khách của các hãng hàng không để tìm hiểu các thông tin liên quan đến việc mua vé máy bay trực tuyến khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải hàng không.