Gần như tách hoàn toàn khỏi diễn biến tích cực đang mở rộng trên thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam tiếp tục ồ ạt sụt giảm...
Một lần nữa thị trường lại đón cú sập cuối phiên. Trưa nay (20/4), nhà đầu tư lại chuyền tay nhau email khuyến cáo từ công ty chứng khoán về việc chủ động bù đắp tài sản đảm bảo hoặc họ sẽ chủ động bán giải chấp; có trường hợp nêu rõ sẽ thực hiện bán từ chiều nay.
Muộn hơn một chút so với hôm qua, diễn biến chiều nay có phần gắng gượng chờ đợi một khả năng níu kéo của thị trường chung, hạn chế một sự sụp đổ nối tiếp. Nhưng, cú sập sau 14h tiếp tục tái hiện. Cả ba sàn có tới gần 170 mã nằm sàn. Mốc 1.400 điểm của VN-Index không còn một giá trị mơ hồ nào về một điểm hỗ trợ tâm lý.
Chỉ khi thị trường rơi vào chịu ảnh hưởng những cuộc khủng hoảng nào đó mới có mức độ lao dốc mạnh, liền mạch và kéo dài như hiện nay (Ảnh minh họa)
Cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã nối sang tuần thứ 3 suy sụp nặng. Mức điểm của VN-Index tính từ vùng đỉnh quanh 1.530 điểm vừa qua thì mức độ tổn thất đã quanh 150 điểm. Trong quá khứ, chỉ khi thị trường rơi vào chịu ảnh hưởng những cuộc khủng hoảng nào đó mới có mức độ lao dốc mạnh, liền mạch và kéo dài như hiện nay.
Sự liền mạch đó thể hiện khi gần như thị trường không thể có lấy một nhịp phục hồi, dù kỹ thuật, xen kẽ.
Đang trong tuần đáo hạn phái sinh, là phiên trước thềm yếu tố này, song khó "đổ lỗi" cho tác động nhiễu thường thấy của phái sinh, mà như trên, khi thị trường đã để mất xu hướng tăng dài hạn và đến độ công ty chứng khoán thực hiện bán giải chấp thì đà lao dốc khó cản.
Và như nhận định của chuyên gia vừa qua, dòng tiền trên thị trường đã rút lui; tiền margin tăng mà giá trị giao dịch suy giảm mạnh. Đã nhiều phiên giảm mạnh nhưng sức cầu trở nên yếu ớt, và phiên nay giá trị giao dịch trên HOSE không đạt nổi 19.500 tỷ đồng.
Nếu như phiên sáng, nhóm cổ phiếu Ngân hàng thắp hy vọng hỗ trợ phục hồi, thì chiều nay đồng loạt đứt gãy, thậm chí có những trường hợp sàn hoặc sát sàn liên tiếp những phiên gần đây như SHB, LPB... Hay ở nhóm Bất động sản, mức độ áp sàn cũng tiếp tục thể hiện.
Phiên nay còn có sự tham gia suy sụp ở nhóm cổ phiếu dầu khí, trong đó GAS tạo gánh nặng lớn trên HOSE, PVS gãy nặng trên HNX...
*****
Ngân hàng đã bỏ mặc thị trường rơi trong 4 phiên liên tục mà không có bất kỳ nỗ lực cứu vớt nào. Dù vậy, sau 10h30 sáng nay (20/4) thì cả nhóm đã có hành động.
Như đã đề cập, Ngân hàng đang rất được chú ý để hỗ trợ thị trường tạo được đáy ngắn hạn. Ở chuỗi 3 phiên giảm trước, khi có Ngân hàng thì thị trường cũng đã hồi phục được 1 phiên. Vì vậy, ngay khi có sắc xanh ở nhiều mã Ngân hàng thì VN-Index cũng dễ dàng lấy lại mốc 1.400 điểm trong sáng nay.
Các nỗ lực kéo giá chỉ thực sự xuất hiện sau 10h30 nhiều khả năng để thị trường giải quyết nốt áp lực giải chấp. Các mã MBB (+2%), STB (+2%), TPB (+1,7%), ACB (+1,6%), BID (+1,4%), CTG (+1,4%), VCB (+1,4%), VPB (+0,6%), HDB (+0,4%) đều đồng loạt có giá xanh trong đó VPB còn là mã đứng đầu giá trị giao dịch toàn HOSE với hơn 400 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu trong VN30 cũng cho thấy Ngân hàng không đơn độc trong nỗ lực hồi phục là MSN (+3%), PLX (+2,4%). Chưa kể, nhóm Chứng khoán cũng nhanh chóng tham gia với VND (+4%), HCM (+3,76%), SSI (+1,86%).
Độ rộng thị trường đã ngay lập tức chứng kiến sự thu hẹp lại của sắc đỏ xuống 60% số mã trên sàn. VN-Index cũng đã đảo chiều tăng 2,32 điểm lên 1.408,77 điểm (+0,16%). Thanh khoản đạt 387,24 triệu đơn vị, tương đương 11.109 tỷ đồng.
HNX-Index có một chút chậm trễ hơn nên vẫn còn giảm 0,1%. Tuy nhiên, NVB (+6,1%) đang là nhân tố quan trọng để chỉ số này bám theo chuyển động của VN-Index. Thanh khoản của HNX cuối phiên sáng đạt 1.442 tỷ đồng.
*****
Khả năng chỉ số VN-Index có thể bị giật xuống dưới 1.400 điểm đã được một số CTCK đề cập sau phiên hôm qua. Đây là diễn biến khó tránh khỏi trước khi thị trường tạo được đáy ngắn hạn.
Ảnh minh hoạ
4 phiên giảm điểm liên tiếp đã khiến VN-Index thủng luôn ngưỡng MA200 mang tính định hướng cho dài hạn. Chỉ số vẫn được kỳ vọng sẽ lấy lại ngưỡng này nhờ các cổ phiếu lớn hỗ trợ tạo đáy ngắn hạn.
Tuy nhiên, trước khi điều này đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư, phe bán hoàn toàn có thể được quyền bán nốt các cổ phiếu yếu đặc biệt là những mã đang gây ra áp lực giải chấp trên tài khoản.
Những trường hợp gặp phải nhiều áp lực nhất trên các sàn vẫn là những mã Midcap và Penny trong đó nhóm Bất động sản là đối tượng tập trung của lực cung. Các mã LGL, CII, DLG, VPH, HQC, FLC vẫn giảm sàn trong khi HBC (-5,31%), SAM (-3,2%), HHV (-5%), AGG (-4,6%), LDG (-4,3%), DPG (-3,4%) bị bán ra không kém.
Các cổ phiếu đã có lực bật mạnh ở phiên trước đến sáng nay cũng đang điều chỉnh như DGC (-2,7%), PHR (-4,7%), DCM (-3,71%), DGW (-3,42%). Tuy nhiên, dòng tiền được phép hiện thực hóa lợi nhuận ở các cổ phiếu này nên đây vẫn là diễn biến hoàn bình thường.
Điều này chỉ tạo diễn biến giao dịch thiếu sáng trên thị trường. Sự hỗ trợ của các Bluechips vẫn là điều cần phải đến sớm. Các cổ phiếu Ngân hàng như MBB (0%), VCB (0%), BID (+0,1%), STB (0%), CTG (+0,9%) đang quan sát rất kỹ bởi thông thường trước các vùng hỗ trợ mang tính nhạy cảm thị trường thường có sự can thiệp của Ngân hàng.
Tính đến 10h30 sáng nay, VN-Index đang giảm xuống 1.393 điểm với sắc đỏ phủ rộng ở 78% số mã trên HOSE. Tương tự, HNX cũng có khoảng 77% mã giảm và đang giao dịch trong sắc đỏ tại 387 điểm.