• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.244,72 -4,83/-0,39%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 2:15:00 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.244,72   -4,83/-0,39%  |   HNX-INDEX   221,70   +0,01/+0,01%  |   UPCOM-INDEX   92,55   -0,25/-0,27%  |   VN30   1.311,38   -5,57/-0,42%  |   HNX30   462,32   +2,07/+0,45%
21 Tháng Giêng 2025 2:21:14 CH - Mở cửa
Những doanh nghiệp “vẫy cờ trắng” trước triển vọng phục hồi
Nguồn tin: BizLive | 20/04/2022 10:16:16 CH
2022 được kỳ vọng là năm hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát, các gói hỗ trợ được triển khai đồng bộ hơn. Nhưng, giữa bức tranh đầy triển vọng ấy, vẫn có nhiều doanh nghiệp “cài số lùi” về mục tiêu doanh thu, lợi nhuận...

 
Ảnh minh họa
 
Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) thường niên bắt đầu diễn ra với kế hoạch kinh doanh năm 2022 dần được hé lộ. Đây cũng là một trong những nội dung được nhà đầu tư quan tâm nhất, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, gói hỗ trợ kinh tế được triển khai và hoạt động của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ.
 
Trong báo cáo hồi đầu tháng 3, VNDIRECT đưa ra kỳ vọng lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE năm 2022 sẽ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu mạnh nhất bao gồm ngành hàng hóa và dịch vụ công nghiệp, bán lẻ và bất động sản. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực được hưởng lợi từ giá hàng hóa neo cao, bao gồm dầu và khí đốt, các nhà sản xuất phân urê, các nhà xuất khẩu tôn mạ.
 
Vẫn có những doanh nghiệp "vẫy cờ trắng"
 
Trước triển vọng phục hồi, phần lớn các ngân hàng hay các doanh nghiệp bán lẻ như MWG, DGW, PNJ, FRT,... đều dự kiến lợi nhuận sẽ tăng trưởng 2 con số trong năm 2022.
 
Tương tự, nhiều “ông lớn” bất động sản, bất động sản khu công nghiệp như NVL, PDR, DIG, GVR, KBC, PHR… cũng đặt kế hoạch lãi lớn trong năm nay.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đang “thừa thắng xông lên” thì vẫn có những doanh nghiệp “vẫy cờ trắng" với các kịch bản khá thận trọng, thậm chí “cài số lùi” so với thực hiện năm 2021.
 
Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần từ 90.000-100.000 tỷ đồng trong năm 2022, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 6.900 - 8.500 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, doanh thu thuần của tập đoàn này là hơn 88.628 tỷ đồng, LNST 10.101 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù đặt mục tiêu doanh thu tăng từ 1,5%-12,8% nhưng Masan lại lên kế hoạch lợi nhuận thụt lùi, giảm từ 15,9% - 31,7%.
 
Trong lĩnh vực dầu khí, Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt 10.000 tỷ đồng và LNST đạt 488 tỷ đồng, lần lượt giảm 30% và giảm 28% so với thực hiện năm 2021. Nếu chỉ hoàn thành đủ kế hoạch này, đây sẽ là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 15 năm gần đây của doanh nghiệp.

 
Một doanh nghiệp dầu khí khác là CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh trong năm 2022. Theo đó, công ty lên kế hoạch đạt tổng doanh thu hợp nhất gần 91.678 tỷ đồng và LNST 1.295 tỷ đồng; giảm lần lượt 9,3% và gần 81% so với năm 2021.
 
Trong khi đó, Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) đặt mục tiêu doanh thu ở mức 6.500 tỷ đồng, LNST 600 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 43% so với thực hiện năm 2021, còn Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng lên kế hoạch doanh thu đi ngang và LNST giảm 20% trong năm 2022.
 
Đáng chú ý, kế hoạch lợi nhuận thụt lùi của các doanh nghiệp dầu khí lại đang đi ngược với kỳ vọng khi nhóm dầu khí được đánh giá hưởng lợi lớn nhờ giá dầu vượt đỉnh lịch sử. Theo số liệu thu, chi ngân sách nhà nước tháng 3 và quý 1/2022 do Bộ Tài chính công bố, giá dầu bình quân quý 1/2022 đạt khoảng 90 USD/thùng, tăng 30 USD/thùng so với dự toán và tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2021.
 
Thực tế, nhờ giá dầu duy trì ở mức cao, nhiều doanh nghiệp trong ngành có quý đầu năm 2022 kinh doanh khởi sắc. Trong đó, doanh thu và lợi nhuận quý 1 của BSR đã vượt xa kế hoạch. Dù sản lượng tiêu thụ trong quý 1 của công ty chỉ đạt 99,7% so với kế hoạch quý và thực hiện được 25% mục tiêu năm song tổng doanh thu công ty mẹ ước đạt tới 35.471 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch năm và vượt hơn 1.470% kế hoạch quý. LNST của công ty mẹ ước tính đạt 2.029 tỷ đồng, vượt 45% mục tiêu cả năm đề ra và cũng vượt 491,5% kế hoạch quý 1.
 
Tương tự, dù được hưởng lợi từ giá phân bón tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine song CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) vẫn đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 giảm 10% xuống 9.049 tỷ đồng và LNST giảm 72% xuống 513 tỷ đồng so với năm 2021. Còn Tổng CTCP Phân bón và Hoá chất Dầu khí (DPM) đặt mục tiêu tổng doanh thu 11.058 tỷ đồng và LNST đạt 945 tỷ đồng, lần lượt giảm 13,5% và 70 so với thực hiện năm ngoái.
 
Cũng được dự báo hưởng lợi nhờ giá tôn, thép xuất khẩu tăng cao do xung đột Nga-Ukraine cùng nhu cầu trong nước tăng khi các gói đầu tư cơ sở hạ tầng (thuộc gói kích thích kinh tế) được đẩy mạnh triển khai trong năm 2022, nhưng các doanh nghiệp thép lại đặt mục tiêu khá thận trọng trong năm nay.
 
Theo đó, CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) đặt kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng, LNST thuế 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,2% và 66,8% so với thực hiện trong năm 2021. Còn tại CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và LNST dự kiến với 3 kịch bản từ 1.500 tỷ đồng (giảm 65,2%), 2.000 tỷ đồng (giảm 53,6%) và 2.500 tỷ đồng (giảm 42%) so với thực hiện trong năm 2021.
 
"Cẩn tắc vô áy náy?"
 
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ về kế hoạch thận trọng năm nay, ban lãnh đạo HSG cho biết, năm 2022, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều biến động khó lường, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xung đột chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, công ty đặt kế hoạch kinh doanh đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và bền vững, tiếp tục duy trì hoạt động cạnh tranh cốt lõi.
 
Còn với các doanh nghiệp dầu khí, nhất là các doanh nghiệp thượng nguồn như PVD, PVS…, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, mặc dù giá dầu tăng là điềm báo tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này nhưng VNDIRECT nhận thấy kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cần thêm thời gian để phục hồi hoàn toàn. Nguyên nhân là do giá dầu cần duy trì trên mức 60-65 USD/thùng đủ lâu để kích hoạt lại các dự án thăm dò & khai thác (E&P) dầu khí.
 
Hơn nữa, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết, trong đó các doanh nghiệp thượng nguồn như PVD, PVS đều ghi nhận kết quả mờ nhạt trong năm 2021 và trong cả 3 tháng đầu 2022 theo kết quả sơ bộ của PVN) mặc dù giá dầu tăng mạnh.
 
Ngay cả với doanh nghiệp dầu khí hạ nguồn được hưởng lợi trực tiếp từ giá dầu tăng như BSR, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng nêu ra hàng loạt khó khăn dẫn đến việc đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh thận trọng trong năm 2022. Cụ thể, doanh nghiệp cho biết, ở trong nước, doanh nghiệp đang phải chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và xăng dầu sản xuất trong nước như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
 
Năm 2022, thuế nhập khẩu xăng là 8% (so với 10% trong năm 2020 và các năm trước đó) cũng sẽ làm cho lợi nhuận thu được từ xăng và hiệu quả kinh doanh của BSR giảm. Thêm vào đó, nhà máy của BSR cũng đã vận hành hơn 10 năm nên độ tin cậy và an toàn của các thiết bị, máy móc có xu hướng giảm, theo đó chi phí bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ có xu hướng gia tăng.
 
Về khó khăn từ ngoài nước, BSR đánh giá giá dầu thô và khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và sản phẩm (crack margin) trên thị trường thế giới được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo và không thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của ngành lọc hoá dầu do tác động của nhiều yếu tố như chính sách năng lượng của Mỹ và nhiều nước trên thế giới có sự thay đổi nhanh và mạnh mẽ theo hướng phát triển năng lượng sạch và tiến tới phát thải CO2 bằng 0.
 
Tương tự, nói về nguyên nhân của việc đưa ra mục tiêu thấp hơn trong năm 2022, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau lý giải là do doanh nghiệp lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu và cước vận chuyển tăng, nguồn cung khan hiếm…
 
Nhìn chung, dù có rất nhiều yếu tố hỗ trợ sự hồi phục cho doanh nghiệp trong năm 2022 nhưng đối với mỗi nhóm ngành, mỗi doanh nghiệp lại có những khó khăn riêng phải đối mặt. Do vậy, việc lãnh đạo các doanh nghiệp đưa ra kế hoạch thận trọng lúc này âu cũng là "cẩn tắc vô áy náy".