Vì sự lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và giúp nhà đầu tư vững tin trong tương lai, việc loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” là cần thiết. Tuy nhiên, đong đếm những hệ lụy và nhanh chóng xoá bỏ nỗi hoang mang phía nhà đầu tư hiện nay cần được cơ quan chức năng sớm giải quyết...
Đầu tháng 4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ trong thời gian từ tháng 7/2021 - 3/2022 của 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh gồm Công ty Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty Cung Điện Mùa Đông, Công ty Soleil với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng, do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Ngay sau đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của tập đoàn này bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quyết định hủy cùng lúc nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ này là chưa từng có tiền lệ, nên dù gần 1 tháng trôi qua, doanh nghiệp này vẫn loay hoay gửi văn bản tới Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xin hướng dẫn quy trình thu hồi trái phiếu và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Thông tin tại buổi đối chất với đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh tuần vừa qua, Tập đoàn cũng chưa có lộ trình cụ thể hoàn tiền cho nhà đầu tư đến hạn và gặp khó trong việc thanh lý khối tài sản của mình.
Những đổ vỡ trên thị trường trái phiếu không những gây thiệt hại tiền cho nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của thị trường tài chính.
CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG
Trong những lá đơn cầu cứu gửi tới cơ quan chức năng, nhà đầu tư đau xót chia sẻ, tất cả số tiền đã đầu tư cho Tân Hoàng Minh là đồng tiền mồ hôi, nước mắt, tích góp bao nhiêu năm trời. Hàng ngàn nhà đầu tư đang ròng rã chờ đợi trong lo lắng và suy sụp bởi việc hủy bỏ này gây thiệt hại lớn về tài sản, tổn hao về tinh thần.
Vì vậy, nhà đầu tư mong đợi các cơ quan chức năng chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn và tạo điều kiện cho Tân Hoàng Minh khắc phục hậu quả bằng cách cho lưu thông thanh khoản tiền trong tài khoản cũng như quyền bán các tài sản dự án để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đầu tư trái phiếu cho nhà đầu tư một cách nhanh nhất có thể.
Trước vụ việc trên, nhiều chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý ra sức trấn an nhà đầu tư, bởi nếu nhìn một cách tổng thể, một số cá nhân bị bắt, khởi tố gần đây chỉ là những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” xuất hiện trong giai đoạn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang nở rộ, cũng là hồi chuông cảnh tỉnh các cá nhân, doanh nghiệp có động cơ trục lợi bất chính.
Thời gian qua, phát hành trái phiếu để huy động vốn trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp, sánh ngang với quy mô tín dụng trung dài hạn của ngân hàng thương mại. Năm 2021, số liệu từ FiinRatings cho thấy, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng thần tốc 42%, gần bằng giá trị cho vay mới trung và dài hạn của toàn bộ hệ thống ngân hàng (700.000 tỷ đồng).
Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện khá non trẻ, nhưng với tốc độ tăng trưởng vượt bậc 5 năm gần đây, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2017 mới chỉ đạt khoảng 4,9% GDP thì đến năm 2021, con số này tăng lên tới 16,6% GDP.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển quá nóng, những triệu chứng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giới chuyên gia và quản lý nhận diện từ lâu với trái phiếu “3 không” - không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm.
Theo các chuyên gia tài chính, số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư thấy bóng dáng ngân hàng đứng đằng sau, nhầm tưởng mọi rủi ro đã được ngân hàng bảo lãnh thanh toán khi doanh nghiệp phát hành phá sản, nên “đặt nhầm” lòng tin. Tuy nhiên, hiện nay, trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh phát hành phân phối là chính.
"Đặc biệt, mối quan ngại về trái phiếu doanh nghiệp “4 không”, “5 không” năm vừa qua cũng rộ lên rõ rệt khi những nhà phát hành “rỗng ruột”, không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, sử dụng dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm."
Về tài sản bảo đảm, dữ liệu FiinRatings cũng cho thấy, năm 2021 có 121 doanh nghiệp trong tổng số 383 nhà phát hành không có tài sản đảm bảo. Trong đó, khoảng 52% số đợt phát hành là không có tài sản đảm bảo.
Dù vậy, nhiều lần ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRatings lưu ý, tài sản thế chấp không có tác dụng nhiều trong đánh giá khả năng trả nợ trái phiếu trong thông lệ quốc tế và phương pháp xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của FiinRatings.
“Tài sản bảo đảm chỉ góp phần tạo áp lực nhất định cho chủ doanh nghiệp triển khai dự án và thực hiện nghĩa vụ nợ. FiinRatings chỉ đánh kỹ chất lượng tài sản thế chấp khi mức xếp hạng nằm ở mức thấp, rủi ro cao, sản phẩm có tính đầu cơ”, ông Thuân chia sẻ. Vì vậy, nhà đầu tư đừng nên chỉ nghe quảng cáo là trái phiếu có tài sản thế chấp hay chỉ quan tâm đến khả năng trả nợ. Quan trọng hơn là thiện chí trả nợ.
Theo thống kê năm 2021 có 94 nhà phát hành có lỗ lũy kế tính đến năm 2020, chiếm 24,5% tổng số nhà phát hành và 81 nhà phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2020, chiếm trên 21%.
Bên cạnh đó, phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là tự vay và tự trả nên không có cơ chế kiểm soát dòng vốn sau phát hành.
Chưa kể, câu chuyện hậu kiểm là doanh nghiệp phát hành có sử dụng nguồn tiền đúng mục đích không lại là chuyện khác.
Từ góc độ nhà đầu tư, đang có kẽ hở mà các định chế tài chính như các ngân hàng, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu thông qua kênh bán lẻ, thậm chí chào mời cả những nhà đầu tư cá nhân không chuyên đang gửi tiết kiệm.
Ngay quy định về các nhà đầu tư chuyên nghiệp cần vốn khoảng 2 tỷ đồng trở lên thì các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối cũng có thể giúp nhà đầu tư “lách” thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế.
“Việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề nghiêm trọng.
Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để đảo nợ, chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay lỏng lẻo thông qua trái phiếu doanh nghiệp, tức ngân hàng gần như giao nguyên số tiền cho doanh nghiệp sử dụng, đầu tư nhưng ngân hàng lại không quản lý được.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng mua bán lòng vòng. Công ty con mới thành lập và lượng vốn rất nhỏ vẫn tham gia phát hành trái phiếu”.
Trao đổi tại tọa đàm “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp” gần đây, ông Phùng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Phát Thịnh Rating (Saigon Raiting) cũng nhìn nhận, với kinh nghiệm 12 năm khảo sát một số thị trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…, những gì Việt Nam trải qua cũng là những “lỗi” mà hàng loạt quốc gia đi trước mắc phải từ 20-30 năm trước, khi thị trường còn sơ khai.
“Thị trường bản thân không có lỗi mà chính sách do chúng ta làm nên. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế để tạo điều kiện cho chủ thể tham gia thị trường có nhu cầu phát triển, nâng cao văn hóa xếp hạng tín nhiệm”, ông Minh khẳng định.
SỚM LÀNH MẠNH HOÁ THỊ TRƯỜNG
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp chúng ta cần nhận diện ngay những bất cập để có giải pháp cụ thể.
Theo đó, chất lượng chủ thể thể phát hành và nhà đầu tư đều chưa tốt. Nền tảng nhà đầu tư rõ ràng còn hẹp nên cần thúc đẩy nhiều hơn nữa những quỹ đầu để họ gom tiền, quản lý và đầu tư. Đây là hướng đi bảo đảm tính chuyên nghiệp giúp nhà đầu tư cá nhân an toàn, phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, khung pháp lý cần phải rõ ràng để phù hợp với sự phát triển tương đối nóng của thị trường thời gian qua.
“Về xếp hạng tín nhiệm, nên khuyến kích hay bắt buộc, nhiều hay ít, có thể quy định cụ thể hơn doanh nghiệp nào phải có xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp nào chỉ khuyến khích. Đồng thời, đặt ra cơ chế “cây gậy và củ cà rốt” rõ ràng”, ông Lực lưu ý.
Về nhà đầu tư cá nhân, cần xem xét hạn chế nhà đầu tư cá nhân tràn lan. Khâu kiểm tra, giám sát thế nào là vừa phải, hợp lý cũng là điều quan trọng. Chặt quá thì thị trường không phát triển được, lỏng quá cũng nhiều vấn đề, đồng thời, không thể quên cơ sở dữ liệu hiện còn nhiều bất cập.
Đồng ý quan điểm trên, theo TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng, mà cần có cơ chế thị trường để doanh nghiệp tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.
“Ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng, thậm chí bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này”, ông Tuấn nhận định.