Chuyên gia cho rằng, với nhà đầu tư F0 cần trang bị vài nguyên tắc để không rơi vào cảnh sợ hãi thái quá.
Ý kiến được chuyên gia chia sẻ tại Talkshow chủ đề Chế ngự nỗi sợ do báo Đầu tư tổ chức sau phiên giao dịch chiều nay 28/4.
Nói về tuần giao dịch này, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, thị trường không chỉ giảm trong tuần này mà đã rất sâu trước đó, tỷ lệ giảm 12%. Ông gọi tuần này là tuần thử lửa khi thị trường đã chiết khấu sâu, có thể tạo đáy.
“Phiên thứ Hai đầu tuần, thị trường giảm 80 điểm, thời điểm thấp nhất chỉ số đã về 1.261 điểm, giảm hơn 15% trong 4 tuần. Lực bắt đáy xuất hiện ở phiên thứ Ba, đó là thời điểm có sự cân bằng cung cầu, không còn lực bán chiếm ưu thế. Sự hồi phục này là khởi điểm cân bằng hơn của thị trường, tích lũy đi ngang trước khi hồi phục. Nhiều người còn đang nghi ngờ hồi phục của thị trường”, ông Ngọc nêu.
Ông Đỗ Bảo Ngọc (giữa) và ông Đặng Trần Phục (phải)
Trong khi đó, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Azfin Việt Nam dùng hai từ là tâm lý bất ổn và sự phân hóa cho giai đoạn hiện nay.
“Những năm qua, từ 2021 đến 2022 số lượng nhà đầu tư F0 tham gia thị trường lớn, bằng nhiều năm trước cộng lại. Nhà đầu tư F0 mang lại cảm xúc tâm lý mới cho thị trường. Chính phiên giảm mạnh vừa rồi phản ánh rõ đa phần nhà đầu tư F0 hoảng loạn, bất ổn. Trong khi đó, nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm bình tĩnh hơn. Khi hoảng loạn nhà đầu tư F0 bán mạnh, nhà đầu tư kinh nghiệm lựa chọn cổ phiếu hấp dẫn, tạo lực đỡ thị trường, khiến thị trường cân bằng sớm trở lại”, ông Phục đánh giá.
Theo ông Ngọc, có hai điều ảnh hưởng lớn tới nhà đầu tư là sự sợ hãi và lòng tham. Khi thị trường hưng phấn, lòng tham khiến nhiều nhà đầu tư mua cao, sau đó có khi giá không trở lại vùng giá cao đó. Về sự sợ hãi, trong xu hướng sụt giảm nhiều nhà đầu tư thua nặng nề, tài khoản bay hơi nhanh đặc biệt là sử dụng margin. Nhà đầu tư có 1 tỷ, dùng margin thành 2 tỷ, khi giảm 10% danh mục thì tính trên vốn gốc giảm 20%.
“Sự sợ hãi ở giai đoạn này làm cho nhiều nhà đầu tư có hành động bán tháo. Ví dụ phiên thứ Hai, tất cả cổ phiếu lớn nhỏ, cơ bản hay không đều giảm sàn. Tôi thấy tâm lý, hành động nhà đầu tư bi quan lên đỉnh điểm”, ông Ngọc cho biết.
Còn theo ông Phục, nỗi sợ trên thị trường lớn, nhanh, mạnh từ 3 yếu tố. Một, TTCK là thị trường đầu tư mà nhà đầu tư nhìn thấy tài khoản nhẩy hàng giây, hàng phút. Nỗi sợ của chứng khoán mạnh hơn so với bất động sản, vàng... Với bất động sản, người ta có thể dễ dàng nắm lô đất 5-7 năm, với chứng khoán thì không vì nhìn thấy tài khoản, đập vào tâm lý. Hai, kinh tế số phát triển, mạng xã hội phát triển thì nỗi sợ kết hợp với lan tỏa của đám đông nên nỗi sợ nhân lên rất nhiều. Ba, nhà đầu tư F0 nhiều, chưa từng trải qua cú sụt giảm nào, họ dễ hoảng loạn, sẵn sàng bán tháo.
Ông Phục đề cập thống kê từ 2007-2022, có tới 34 lần TTCK Việt chứng kiến giảm trên 10%, có đợt giảm trên 30%. Mỗi năm thường có 1-3 lần giảm với nhiều nguyên nhân.
“Với nhà đầu tư Fn có kinh nghiệm thì điều này hết sức bình thường, họ có cách quản trị, đối phó sự sụt giảm. Khi thị trường giảm thì quản trị danh mục ra sao, tăng mạnh thì như thế nào. Khi thị trường giảm, họ bình tĩnh phân tích, ra quyết định không vội vàng”, ông Phục nêu.
Cùng nói về việc quản trị nỗi sợ, ông Ngọc cho rằng, với nhà đầu tư mới bước vào thị trường có vài nguyên tắc nên có để không rơi vào cảnh sợ hãi thái quá. Một, dành một phần vốn không quá lớn mình có để đầu tư. Hai là không dùng margin ngay từ đầu, để hiểu rõ bản chất thị trường trước khi dùng đòn bẩy tài chính, để hiệu quả hơn đầu tư. Ba, hầu hết nhà đầu tư thành công họ rút ra phương pháp cụ thể khi đầu tư. Nếu đầu cơ thì sao và trung dài hạn thì chọn cổ phiếu ra sao. Thứ tư, các nhà đầu tư cần trang bị bài cắt lỗ, là bài học khó phải học từ đầu.
“Với tôi, đầu tư lỗ tới 10% thì tôi nghĩ tới việc cắt ngay, sẽ không bị rơi vào cảnh chứng kiến lỗ 20%, rồi 40% thậm chí hơn”, lãnh đạo chứng khoán CSI chia sẻ.
Đóng cửa ngay sát tham chiếu với thanh khoản tiếp tục sụt giảm