• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.242,53 -3,56/-0,29%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.242,53   -3,56/-0,29%  |   HNX-INDEX   220,67   -1,01/-0,46%  |   UPCOM-INDEX   93,08   +0,24/+0,26%  |   VN30   1.309,72   -5,09/-0,39%  |   HNX30   459,01   -2,79/-0,60%
22 Tháng Giêng 2025 4:59:01 CH - Mở cửa
Xuất khẩu cá tra tăng mạnh, doanh nghiệp thủy sản đồng loạt báo lãi quý 1 tăng bằng lần
Nguồn tin: BizLive | 28/04/2022 9:34:04 CH
Trong quý 1/2022 giá thủy sản xuất khẩu sang các thị trường đều tăng rất mạnh, đặc biệt, giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường chính tăng từ 40-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, lợi nhuận quý 1 của nhiều doanh nghiệp thủy sản đã tăng bằng lần.
 
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng mạnh, đạt hơn 1 tỷ USD, đưa kim ngạch quý 1 đạt trên 2,5 tỷ USD (tăng gần 46% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, xuất khẩu cá tra ước đạt 654 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
 
Đại diện VASEP cho biết, sở dĩ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 3 và quý 1 tăng vọt, ngoài nhu cầu của các thị trường, còn do giá thủy sản sang các thị trường đều tăng rất mạnh. Trong đó, giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường chính tăng từ 40-70%, như giá trung bình cá tra sang Mỹ tăng mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
 
Ảnh minh họa.
 
Lợi nhuận tăng bằng lần
 
Nhờ sản lượng và giá cá tra xuất khẩu tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp thủy sản báo lợi nhuận quý 1/2022 tăng bằng lần.
 
Là doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu cá tra, CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) ghi nhận 3.276 tỷ đồng doanh thu, tăng 83% so với cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán cùng tăng. Nhờ đó, công ty lãi ròng hơn 553 tỷ đồng, gấp hơn 4,2 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 548 tỷ đồng.

 
LNST quý 1/2022 của các doanh nghiệp cá tra đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021
 
Tương tự, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (mã IDI) trong quý 1 cũng đạt gần 1.872 tỷ đồng, tăng 36,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ bán cá tra thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 875 tỷ đồng, tăng gần 86%. IDI báo lãi sau thuế 201 tỷ đồng, gấp 9,5 lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó, LNST của công ty mẹ đạt gần 199 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần cùng kỳ.
 
CTCP Nam Việt (mã ANV) cũng báo doanh thu quý 1 tăng hơn 72% lên hơn 1.219 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm chiếm 1.069 tỷ đồng (tương đương gần 88%), tăng 57,5% so với cùng kỳ năm 2021. Quý 1, ANV ghi nhận lãi ròng hơn 206 tỷ đồng, tăng hơn 3,2 lần cùng kỳ.
 
Trong khi đó, dù ghi nhận doanh thu quý 1 đi ngang so với cùng kỳ, đạt 315,3 tỷ đồng, song LNST quý 1 của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã ACL) vẫn tăng 5,7 lần so với cùng kỳ, đạt 62,6 tỷ đồng.
 
Lãi quý 1 của ACL tăng mạnh là nhờ doanh thu tài chính tăng gấp 3 cùng kỳ lên gần 1,9 tỷ đồng, trong khi chi phí vốn và chi phí tài chính đều giảm 26%.

 
Cổ phiếu của các doanh nghiệp cá tra vẫn duy trì được sắc xanh trong phiên 28/4
 
Cùng kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, cổ phiếu của các doanh nghiệp trên cũng liên tục tăng mạnh từ đầu năm 2022. Theo đó, cổ phiếu VHC đã tăng 55% kể từ đầu năm, trong khi cổ phiếu ANV, IDI, ACL cũng lần lượt tăng 26%, 58% và gần 60% so với ngày đầu năm.
 
Giá bán cá tra vẫn duy trì ở mức cao ít nhất đến hết quý 2
 
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xuất khẩu cá tra sẽ ghi nhận mức phục hồi mạnh trong năm nay do nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga.
 
Theo nhận định của VDSC, giá bán cao sẽ duy trì ít nhất đến hết quý 2 do giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng. Theo đó, VDSC kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trên mức nền thấp so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay.
 
Chung nhận định, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sau khi chịu tác động bởi giai đoạn ngành đi xuống (2019) và hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và chuỗi cung ứng đứt gãy (2020 – 2021), ngành cá tra sẽ bước vào chu kỳ tăng trong năm 2022.
 
BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với triển vọng ngành thủy sản trên cơ sở nhận định nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chính của cá tra (Mỹ, Trung Quốc, EU,…) sẽ tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi COVID-19 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine cao.
 
Trong đó, thị trường Mỹ đang tăng mạnh, các nhà nhập khẩu Mỹ tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi mà diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Mỹ vẫn đang giảm trong ba năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn nội địa tại Mỹ.
 
Tại thị trường Trung Quốc, BSC cho rằng việc chính phủ nước này theo đuổi chính sách Zero-COVID vẫn sẽ là nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ dần tiến tới việc mở cửa trở lại, và khi đó, với một thị trường có mức tiêu thụ cá tra ngang ngửa Mỹ và nhu cầu bị dồn nén trong hai năm dịch, sẽ là nhân tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.
 
Bên cạnh đó, BSC nhận định mức tồn kho thấp sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Điều này được kỳ vọng tiếp tục giữ đà tăng cho giá bán khi nhu cầu tiêu thụ vẫn rất khả quan trong khi nguồn cung chưa thể điều chỉnh kịp thời.
 
Còn theo Chứng khoán Mirea Asset, cá tra Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc Nga bị cấm vận. Cá minh thái là loại cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng năm Nga xuất khẩu khoảng 400 triệu USD cá này. Vì vậy, khi Nga bị cấm vận bởi Mỹ và các quốc gia Tây Âu sẽ là cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam.
 
Tuy nhiên, Mirea Asset lưu ý rằng ngành cá tra sẽ phải đối mặt với thách thức giá thức ăn thủy sản tăng. Thực tế trên thị trường, giá các mặt hàng trên đã khởi động đà tăng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4. Trong đó, C.P Việt Nam đã tăng 400 đồng một kg đối với nhiều nhãn thức ăn chăn nuôi cá. Ausfeed Bình Định cũng điều chỉnh giá thức ăn thủy sản lên 300-400 đồng một kg. Thức ăn cho tôm thẻ gần đây cũng tăng đến 2.000 đồng một kg.
 
Theo VASEP, so với hồi đầu năm, hiện giá nguyên liệu cá tra và các chi phí đầu vào đang tăng mạnh sẽ tác động đến việc tiếp tục tăng giá xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam trong những tháng tới. Dự báo trong quý 2, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng cao với mức 2,8 - 2,9 tỷ USD, tăng khoảng 23-24% so với quý 2 năm ngoái.