• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 4:58:30 SA - Mở cửa
Ngừa “hiệu ứng COVID” trên thị trường trái phiếu
Nguồn tin: BizLive | 06/04/2022 2:32:05 CH
Gần 1,4 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu đón những thử thách đáng kể đầu tiên sau giai đoạn bùng nổ…

Thử thách lớn nhất là niềm tin, tiếp theo là ngừa lây lan như “COVID” đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). Qua những thử thách này, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hướng đến minh bạch hơn cả ở nhà phát hành, cả ở các quy định pháp lý để củng cố niềm tin, phát huy giá trị của một kênh ngày càng quan trọng.
 
VẪN CÒN BĂN KHOĂN VỚI CHÍNH SÁCH
 
Tâm điểm chú ý trên thị trường vừa qua: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố hủy 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng.
 
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư băn khoăn ngay sau khi thông tin trên được công bố.
 
Điểm chung đầu tiên trong nhiều thảo luận ở các kênh báo chí, diễn đàn… là cơ sở pháp lý để hủy bỏ 9 đợt phát hành nói trên. Điều này quan trọng, bởi căn cứ vào cơ sở pháp lý nào thì sẽ giúp nhà đầu tư phân định đó sẽ là xử phạt hành chính hay sẽ là xử lý hình sự.
 
Điểm tiếp theo, quyền lợi của các trái chủ sẽ được xử lý thế nào. Bởi thông thường mỗi quyết định từ UBCK sẽ nêu rõ các điểm: nguyên do hủy bỏ, hình thức xử phạt, và đặc biệt là yêu cầu khắc phục hậu quả.
 
Tân Hoàng Minh ngay sau đó đưa ra thông tin cam kết sẽ trả tiền cho nhà đầu tư. Song, diễn tiến sự việc tiếp theo, cơ quan công an khởi tố vụ án, các trái chủ lại thêm băn khoăn. Bởi lẽ, nếu Tân Hoàng Minh không thực hiện được cam kết, hoặc nếu liên quan đến vụ án mà hơn 10.000 tỷ đồng đó bị đình trệ hoặc tạm “đóng băng” phục vụ công tác điều tra… thì sao?
 
Như vậy, một sự việc lớn và có ảnh hưởng lớn phát sinh, tạo những băn khoăn trên một thị trường còn khá mới mẻ tại Việt Nam (đối với các nhà đầu tư cá nhân). Nói cách khác, những băn khoăn đó đi cùng với sự nắm bắt chưa rõ ràng, chưa đầy đủ về các cơ sở chính sách hiện hành. Và khi còn băn khoăn, thậm chí lo lắng, niềm tin của nhà đầu tư là thử thách đầu tiên đối với sự phát triển của thị trường còn khá mới mẻ này.
 
Họ băn khoăn bởi chưa có nhiều tiền lệ ở tầm quy mô như sự việc tại Tân Hoàng Minh. Mà điều này cũng từng gây băn khoăn ở một sự việc khác trước đây.
 
Như hồi đầu năm, khi UBCK và các đầu mối chuyên trách đưa ra hướng xử lý khắc phục việc cổ đông lớn bán chứng khoán trên sàn mà không công bố bằng cách rà soát lệnh đối ứng và trả lại tiền cho nhà đầu tư… Việc khắc phục hậu quả dẫn đến khác biệt, những người “không may” không khớp đối ứng với lệnh của cổ đông lớn đó thì không được hoàn, dù tất cả giao dịch ngẫu nhiên như nhau. Theo đó, cơ chế chính sách trong việc xử lý này chưa được rõ ràng trước khi sự việc xẩy ra và cũng không công bằng với các nhà đầu tư trong cùng một môi trường, một cơ chế, một điều kiện và tình huống giao dịch như nhau.
 
Những băn khoăn, chưa rõ ràng như trên khiến “sân chơi” trái phiếu và chứng khoán nói chung ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư. Một khung khổ rõ ràng, rạch ròi, công bằng sẽ giúp họ chủ động nắm bắt và định hình rõ niềm tin khi tham gia.
 
 
Ảnh minh họa/Financial Times
 
NGỪA “HIỆU ỨNG COVID”
 
Thị trường TPDN Việt Nam còn khá non trẻ với các nhà đầu tư cá nhân. Bởi phải từ năm 2018, đặc biệt từ 2019 mới có sự phát triển bùng nổ, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ.
 
Dù vậy, thị trường này đã nhanh chóng thể hiện vai trò quan trọng trong dẫn vốn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
 
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) trong báo cáo vừa công bố, tổng số dư lưu hành của trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2021 đã lên tới khoảng 1,39 triệu tỷ đồng. Một quy mô đáng chú ý.
 
Thứ nhất, nếu như truyền thống trước đây, khi thị trường TPDN Việt Nam chưa phát triển, quy mô nhu cầu vốn đó sẽ chủ yếu dồn lên vai các NHTM. Và nếu đáp ứng được, tổng quy mô dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đã lên tới khoảng 11,8 triệu tỷ đồng cuối 2021, đòn bẩy tín dụng trên GDP theo đó sẽ trở nên rất nóng với hơn 150% và định hạng tín nhiệm quốc gia có thể bị ảnh hưởng; các cân đối an toàn hệ thống NHTM càng trở nên hạn chế và sức rướn tăng trưởng tín dụng cũng hạn chế…
 
Thứ hai, như Bộ Tài chính đã liên tục cảnh báo từ năm 2019 đến 2021, rủi ro trên thị trường TPDN đã bộc lộ. Điểm chú ý tiếp theo là “hiệu ứng COVID”.
 
Về cấu phần, 1,39 triệu tỷ đồng TPDN phần lớn được bóc ra và nằm ngoài hoạt động cho vay, tín dụng thông thường của các NHTM; nhiều tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân trực tiếp “cho vay” doanh nghiệp qua kênh này. Theo đó, một phần đáng kể tiềm ẩn rủi ro được tách bớt khỏi hệ thống NHTM và vấn đề nợ xấu tiềm ẩn. Tuy nhiên, bóc tách rủi ro ở đây khỏi hệ thống ngân hàng chỉ tương đối, mối liên hệ vẫn được chú ý ở “hiệu ứng COVID”.
 
Ví như, khi rủi ro của nhà phát hành TPDN xẩy ra, không có khả năng hoàn trả cho các trái chủ, thanh khoản nhà phát hành bị cảnh báo thì khả năng trả nợ của họ đối với ngân hàng (nếu có các khoản vay) cũng ở diện bị cảnh báo.
 
Cơ chế phòng ngừa “hiệu ứng COVID” trong hệ thống NHTM hiện được quy định và thực hiện rất rõ ràng và khắt khe. Một khoản nợ bị “F0”, lập tức các khoản vay khác của cùng khách hàng đó phải chuyển nhóm cảnh báo theo. Cơ chế này được chiếu theo kết quả phân nhóm nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Vậy nên, khi người vay ngân hàng gặp vấn đề thanh khoản, không thực hiện nghĩa vụ được đối với những khoản trái phiếu mà họ đã phát hành, nợ vay của họ tại ngân hàng cũng ở diện cảnh báo rủi ro tiềm ẩn.
 
Một điểm nữa có thể “lây lan” trong hiệu ứng này là tài sản đảm bảo. Nhà phát hành TPDN có tài sản đảm bảo, nhưng như thực tế có phát sinh tài sản đó cũng đang đảm bảo cho khoản vay tại NHTM.
 
Vậy nên, rủi ro nếu phát sinh trên thị trường TPDN vẫn có thể ảnh hưởng tới an toàn hoạt động, chất lượng tín dụng của hệ thống NHTM, dù tưởng như hai kênh song song và rủi ro được bóc tách. Cùng đó, các NHTM hiện cũng là các nhà đầu tư chính và trực tiếp tham gia trên thị trường TPDN.
 
Dĩ nhiên, các trái chủ trên thị trường này sẽ phải tự bảo vệ mình; các NHTM cũng là những tổ chức chuyên nghiệp và có cơ chế giám sát, quản trị rủi ro chặt chẽ; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cùng tăng cường quản lý các thành viên của mình khi tham gia ở đây.
 
CẢNH BÁO, ĐẤU TRANH VÀ HOÀN THIỆN
 
Như trên, từ 2019 - 2021, Bộ Tài chính và UBCK liên tục có cảnh báo rủi ro trên thị trường TPDN; cuối năm 2021 Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp có công điện yêu cầu tăng cường kiểm soát rủi ro ở đây.
 
Cơ chế chính sách cũng liên tục có điều chỉnh, theo hướng kín kẽ hơn, chặt chẽ hơn và thậm chí siết lại. Điển hình như với nhà đầu tư, việc mua TPDN phát hành riêng lẻ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, không còn kiểu phân phối và chào bán đại trà tại các ngân hàng cho bất cứ khách hàng nào như trước đây.
 
Trong năm 2021, nghị định mới về quy định phát hành TPDN đã được củng cố, Bộ Tài chính đang tiếp tục có dự thảo mới theo hướng chặt chẽ hơn nữa. Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh các quy định về việc các TCTD tham gia mua TPDN, cũng theo hướng chặt chẽ hơn…
 
Quá trình trên, các đầu mối như Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã phải trải qua nhiều đấu tranh, bằng chứng là rất nhiều lần phải họp với các bên, nhiều ý kiến phản biện và cả phản ứng với những điểm quy định mới… Song, các bước tiến của chính sách cũng đã và đang thực hiện.
 
Với một thị trường còn mới mẻ, còn đang phát triển, việc không ngừng tiếp tục hoàn thiện các khung khổ chính sách là đương nhiên. Điểm kỳ vọng ở đây là khủng khổ pháp lý đó làm sao ngày càng hoàn thiện, càng chặt chẽ và đặc biệt là rõ ràng, để giảm thiểu những băn khoăn và niềm tin bị ảnh hưởng ở nhà đầu tư như đề cập ở trên.
 
Bởi sau những sự việc xẩy ra, sau giai đoạn phát triển nóng và độ trễ rút ngắn, thị trường TPDN Việt Nam từ năm nay mới thực sự đón phép thử đầu tiên: theo ước tính của SSI, sẽ có tới 266.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn năm 2022. Đây là quy mô lớn, mà phía trước việc phát hành mới không còn nhiều thuận lợi hoặc “thoáng” như trước để một bộ phận có thể xoay bằng vay mới trả cũ.
 
Và trong 266.000 tỷ đồng đó, nếu có trường hợp gặp khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ của nhà phát hành khi đáo hạn thì sao, quyền lợi của các trái chủ và nợ ngân hàng của các chủ thể liên quan thì sao? Cũng như sau loạt xử lý cuối năm 2021 đầu 2022, những sai phạm trong phát hành TPDN chưa hẳn đã hết? Hay làm sao để ra soát được hết 1,39 tỷ đồng TPDN đã phát hành là sử dụng đúng múc đích?
 
Vẫn còn những băn khoăn, những câu hỏi đối với thị trường TPDN như vậy. Qua đó nhà đầu tư, nhất là với nhà đầu tư cá nhân, sẽ thận trọng hơn, thị trường này có thể sẽ chậm bước hơn so với giai đoạn bùng nổ vừa qua để củng cố, định hình và phát triển bền vững hơn. Đó cũng là điều cần cho một kênh đang ngày càng phát huy vai trò và giá trị đối với nền kinh tế cũng như với nhu cầu kết nối vốn cho các doanh nghiệp.