• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
21 Tháng Giêng 2025 5:38:55 SA - Mở cửa
Chờ VN30 thu hút dòng tiền quay trở lại
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 12/05/2022 9:19:54 SA
Trái ngược với lợi nhuận tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu nhóm VN30 lại "kém sắc". Hiện, định giá của VN30 đang chiết khấu về mức hấp dẫn, cùng với nhiều yếu tố tích cực, dường như VN30 đang thu hút dòng tiền quay lại mạnh mẽ sau thời gian bị “quên lãng”.
 
Thống kê cho thấy, quý I/2022, phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 (các cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường) đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ) rổ VN30 đạt gần 75.300 tỷ đồng, tăng 24%, tương ứng tăng 14.400 tỷ đồng.
 
Lợi nhuận khả quan, cổ phiếu vẫn giảm
 
Trong đó, tổng lợi nhuận ròng quý I của 10 ngân hàng trong nhóm VN30 đạt gần 42.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và chiếm đến 57% tổng lợi nhuận của nhóm VN30. Đặc biệt, VPBank (VPB) vượt qua nhiều “ông lớn” như Vietcombank (VCB), Techcombank (TCB) để dẫn đầu về lợi nhuận nhóm ngân hàng cũng như toàn bộ 30 doanh nghiệp VN30 với hơn 8.600 tỷ đồng.
 
Những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất gồm có Masan (MSN) cao gấp 8,5 lần, VPBank (VPB) tăng 171%, Novaland (NVL) tăng 101%, Vietjet (VJC) tăng 96%, PV Gas (GAS) tăng 69%, Chứng khoán SSI (SSI) tăng 67%...
 
Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup (VIC) ghi nhận mức lãi hơn 4.500 tỷ đồng, cải thiện so với quý IV/2021 lỗ gần 6.000 tỷ đồng và tăng 17% cùng kỳ.

 
Kỳ vọng dòng tiền sẽ sớm trở lại với rổ VN30 sau thời gian bị “quên lãng”.
 
Chiều ngược lại, Vietinbank (CTG) có lợi nhuận quý I giảm 28% so với cùng kỳ, đạt 4.664 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này cũng đã tăng đáng kể so với quý IV/2021 chỉ đạt hơn 2.900 tỷ đồng.
 
Một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận ròng kém tích cực như: Petrolimex (PLX) giảm 63% do thiếu nguồn cung xăng dầu trong nước; Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) lần lượt giảm 16% và 52% so với cùng kỳ.
 
Mặc dù ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng cao, song thời gian qua, nhất là trong khoảng thời gian 7-10 ngày vừa qua - thời điểm VN-Index liên tục “cắm đầu” đi xuống, không chỉ cổ phiếu đầu cơ mà ngay cả nhiều mã cổ phiếu trụ, sức khỏe tài chính doanh nghiệp sau mùa công bố báo cáo tài chính tốt vẫn bị “đè” bán, nằm sàn la liệt.
 
Chẳng hạn, trong phiên giảm kỷ lục ngày 9/5 vừa qua, trong nhóm cổ phiếu VN30 có đến 13 mã giảm sàn gồm: BID (BIDV), BVH (Bảo Việt), CTG, GVR (GRV), KDH (Khang Điền), MWG (Thế giới Di động), PLX, PNJ (Đá quý Phú Nhuận), POW (PV Power), SSI, STB (Sacombank), TCB, VPB. Tính riêng trong nhóm cổ phiếu trụ cột - ngành ngân hàng ghi nhận 9 mã nằm sàn.
 
Đối diện với những phiên lao dốc không phanh của VN-Index, các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang và đặt ra câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với VN-Index?
 
Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, nguyên nhân thị trường liên tục giảm sâu đến từ tâm lý bi quan thái quá của các nhà đầu tư. Bởi quá nhiều nhà đầu tư cá nhân, trong đó rất nhiều F0 không quen chịu áp lực, không chủ động cảm xúc, một số khác lo sợ thị trường giảm ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu mà mình nắm giữ nên “sống chết” bán cổ phiếu bằng được, dẫn tới hiệu ứng bán tháo lan rộng toàn thị trường.
 
Tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết cho rằng, thị trường rơi vào xu hướng giảm kéo dài hơn 1 tháng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực dẫn tới áp lực bán lan tỏa trên diện rộng.
 
“Nhiều cổ phiếu bị bán oan vì hoạt động xử lý margin, chủ yếu là các mã thanh khoản cao, bluechips, VN30”, ông Ngọc nói.
 
“Ăn chắc mặc bền” với nhóm VN30
 
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), giai đoạn trong quý I/2022, với kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực, nhóm vốn hóa vừa ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về giá cổ phiếu giúp cho P/E nhóm này ghi nhận đạt mức đỉnh khoảng 21 lần. Trong khi đó, dù cũng kỳ vọng như vậy, song giá cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn lại kém hiệu quả hơn so với hai nhóm còn lại.
 
Hiện tại, mặt bằng định giá P/E của thị trường đang rơi vào khoảng 14,x - mức tương đối hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2022. Trong đó, định giá VN30 được chiết khấu về 13,x lần. Đây là mức định giá thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất, đặc biệt với nhóm cổ phiếu lớn thuộc VN30. Điều này có thể sẽ thúc đẩy lực cầu từ các nhà đầu tư dài hạn. Bởi so với tiềm năng tăng trưởng kinh tế, hiệu suất hoạt động và lợi nhuận ngành, cũng như các nước trong khu vực, chứng khoán Việt Nam vẫn rất tiềm năng.
 
Bên cạnh đó, sau những đợt điều chỉnh mạnh, dòng tiền không còn “dễ dãi” như trước mà sẽ trở nên thận trọng hơn. Thị trường sẽ diễn ra sự phân hóa rõ rệt, dòng tiền sẽ tìm đến các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh. Theo đó, nhà đầu tư sẽ có xu hướng chọn “ăn chắc mặc bền” với nhóm cổ phiếu đầu ngành có vốn hoá lớn và tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm 2022.
 
Không chỉ vậy, nhìn lại thời gian trước đây, khi sóng gió qua đi, dù giá cổ phiếu giảm sâu nhưng với điều kiện doanh nghiệp kinh doanh tốt, thì cổ phiếu sẽ bật hồi rất nhanh (10-20%). Thực tế, trong 2 phiên hồi phục (10-11/5), thị trường trở nên sôi động hơn khi VN30 được mua mạnh, đóng góp điểm số khá lớn cho chỉ số chung. Nhiều cổ phiếu ghi nhận biên độ dao động tới 15 - 20% chỉ trong 1 phiên.
 
Điểm sáng đáng chú ý là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng, nhất là trong giai đoạn VN-Index giảm sâu thời gian qua, lực mua tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Đặc biệt, trong phiên giảm kỷ lục 9/5, tính chung cả khối ngoại và tự doanh đã chi gần 1.800 tỷ đồng bắt đáy, tập trung vào VPB, MBB (MB), ACB (Á Châu), TCB, FPT (CTCP FPT), VIC, VHM, HPG (Hòa Phát), VRE…
 
“Kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa sẽ là tâm điểm cho thị trường giai đoạn nửa cuối năm 2022”, BSC đánh giá.
 
Tuy nhiên, vẫn phải đề cập tới lo ngại chưa tan biến của thị trường hiện nay, đó là xung đột Nga – Ukraine kéo dài hơn dự kiến, chính sách “Zero-COVID” ở Trung Quốc, lạm phát… Trong đó, vấn đề thanh khoản đang được nhà đầu tư quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại.
 
Theo quan sát, trong phiên ngày 10/5, mặc dù VN-Index phát tín hiệu xác nhận mô hình 2 đáy phần nào trấn an tâm lý nhà đầu tư, song phiên giao dịch lại không thật sự “đã” bởi thanh khoản vẫn tiếp tục suy giảm.
 
“Thanh khoản trên thị trường đang khá yếu vào giai đoạn này sẽ là cơ hội cho dòng tiền dần dịch chuyển về nhóm cổ phiếu VN30 với mức tăng trưởng mạnh và ổn định khi đây là các nhóm ngành phát triển bền vững nhưng dường như đã bị “quên lãng” trong thời gian qua”, một chuyên gia nêu quan điểm.