Theo giới chuyên gia, khi các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt xuống giá là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên sử dụng margin quá nhiều hoặc có sử dụng cũng chỉ giữ ở mức an toàn, trường hợp nhà đầu tư “kẹt hàng” nếu chưa đến giới hạn phải giảm tỷ trọng thì không nên bán tháo.
Bất chấp việc thị trường chứng khoán đang ngập trong sắc đỏ, vẫn có những nhóm cổ phiếu thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Đó là những mã cổ phiếu của các công ty có nền tảng kinh doanh tốt, trước đây có thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu khiến nhà đầu tư không đủ tiền mua thì nay đã giảm về vùng giá vô cùng hấp dẫn.
Đơn cử, cổ phiếu VNM của Vinamilk giảm xuống mức 65.900 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước. Mã chứng khoán này nằm trong nhóm bluechip có giá trị vốn hóa lớn và nền tảng kinh doanh của doanh nghiệp tốt. Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 doanh thu Vinamilk đạt mức 13.878 tỷ đồng, tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thị trường nội địa chiếm trên 73,7%, kênh phân phối hiện đại tăng 30%... Ngoài ra, chuỗi cửa hàng “Giấc mơ Việt Nam” cũng có mức tăng trưởng 25%, các thị trường nước ngoài và hoạt động xuất khẩu vẫn có mức tăng trưởng khá trong 3 tháng đầu năm nay.
Một cổ phiếu khác là VHC của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đã giảm xuống còn 87.500 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Trong khi VHC là một ông lớn trong lĩnh vực chế biến thủy sản, luôn duy trì thị phần đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu cá tra, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh. Kết quả kinh doanh quý I năm nay của VHC cũng rất khả quan khi doanh nghiệp báo lãi ròng đạt 548 tỷ đồng, biên lãi gộp tăng 24% so cùng kỳ năm ngoái. Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây ban điều hành VHC chia sẻ: nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của VHC tăng nhanh trên thị trường, đặc biệt từ thị trường xuất khẩu EU và Mỹ có mức tiêu thụ cao nên doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm nay tăng thêm 100 tỷ đồng lên mức 1.600 tỷ đồng.
Theo Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) do nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường lớn tăng mạnh nên lợi nhuận kỳ vọng của các doanh nghiệp ngành này dự báo năm nay sẽ tăng ba con số. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), giá cá tra trong quý I/2022 xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của Việt Nam đã tăng 40-70%, các sản phẩm khác của ngành thủy sản cũng có mức tăng giá khá, giúp doanh nghiệp ngành này có kết quả kinh doanh cao. Trong 12 doanh nghiệp ngành thủy sản niêm yết trên sàn chứng khoán, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 cho thấy có 8 công ty có lợi nhuận ròng tăng trưởng.
Một số mã cổ phiếu ngân hàng hiện nay cũng đang có mức giá hấp dẫn, trong đó có VCB của Vietcombank sau nhiều năm bám trụ quanh ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu hiện nay giảm xuống ở mức 73.000 đồng/cổ phiếu (phiên 13/5). Là một ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, nhiều năm qua Vietcombank luôn khẳng định được vị thế dẫn đầu thị trường về doanh thu và lợi nhuận. Không chỉ vậy, Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt và tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ cao nhờ thế mạnh trong lĩnh vực tài trợ xuất nhập khẩu, kinh doanh ngoại hối... Đặc biệt những năm gần đây Vietcombank còn đẩy mạnh liên kết với công ty bảo hiểm để bán chéo sản phẩm, mang nguồn thu nhập bền vững cho ngân hàng.
Theo các chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu của các công ty có nền tảng kinh doanh tốt thường phù hợp với nhà đầu tư dài hạn. Theo đó các nhà đầu tư dài hạn trước khi "xuống tiền" vào một mã cổ phiếu nào đều căn cứ vào nền tảng tài chính và triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp phát hành. Cũng chính vì thế nên giá các mã cổ phiếu này thường khá ổn định, không biến động nhiều như các mã mang tính đầu cơ cao.
Trong số này, cổ phiếu ngân hàng - vốn được mệnh danh là "cổ phiếu vua" thường thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nhờ nền tảng tài chính vững chắc. Đặc biệt năm nay triển vọng kinh doanh của các nhà băng khả quan hơn rất nhiều nhờ sự phục hồi của nền kinh tế. Điểm hấp dẫn nữa là giá cổ phiếu đã giảm về vùng rất hấp dẫn.
Đối với nhóm ngành thủy sản, theo KIS định giá qua kết quả kinh doanh của các nhà xuất khẩu cổ phiếu ngành này vẫn còn nhiều hấp dẫn, đặc biệt tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đang được phục hồi mạnh sau dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt khi vấn đề đứt gẫy chuỗi cung ứng được khắc phục hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành thủy sản sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh trở lại nhờ thị trường xuất khẩu tận dụng được các hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, ngành thực phẩm, đồ uống dự báo sẽ phục hồi mạnh do người tiêu dùng thay đổi hành vi sang mua bán online sẽ trở thành động lực tăng trưởng ngành này.
Theo giới chuyên gia, khi các cổ phiếu có nền tảng kinh doanh tốt xuống giá là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên sử dụng margin quá nhiều hoặc có sử dụng cũng chỉ giữ ở mức an toàn, trường hợp nhà đầu tư “kẹt hàng” nếu chưa đến giới hạn phải giảm tỷ trọng thì không nên bán tháo.