Đòn bẩy cao và được mua bán trong phiên là một ưu điểm của thị trường phái sinh, tuy nhiên cũng làm xuất hiện rủi ro và những "bẫy" tâm lý khó kiểm soát nếu như chưa có kinh nghiệm.
VN-Index liên tiếp giảm mạnh cùng chỉ số VN30-Index điều chỉnh về vùng thấp nhất trong vòng hơn một năm vừa qua. Không ít nhà đầu tư đã chuyển sang thị trường phái sinh với mục đích “gỡ gạc” cũng như phòng thủ một phần cho danh mục. Tuy nhiên, vì cơ hội hấp dẫn nên chứng khoán phái sinh cũng tiềm ẩn những "con sóng dữ" chực chờ nhấn chìm nhà đầu tư.
Phòng thủ bằng phái sinh
Tính đến phiên cuối tuần 13/5, thị trường chứng khoán trong sóng điều chỉnh mạnh bất thường với nhịp giảm 6 tuần liên tiếp và mất hơn 23% giá trị vốn hóa toàn thị trường, chỉ số VN30 cũng giảm hơn 22% số điểm trong 6 tuần. Trong khi đó, tâm lý thị trường rất bất ổn, thể hiện ở những lần trồi sụt mạnh trong một phiên. Các chuyên gia cho rằng, thị trường vẫn trong xu hướng giảm và chưa xác nhận đáy...
Trước những tín hiệu không mấy tích cực của thị trường, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment tin rằng, hiện tại việc phòng thủ cho danh mục là điều cần thiết. Giá trị của phòng thủ là giúp bảo toàn cả gốc lẫn lãi trong giai đoạn khó khăn. Điều này giúp tài khoản tăng mạnh khi thị trường thuận lợi trở lại, trong khi nhà đầu tư khác mất nhiều thời gian để "về bờ".
Khi quá nhiều người tham gia thì thị trường phái sinh cũng sẽ khó biến động nhiều như trước.
Thực tế, trong thời gian thị trường cơ sở có xu hướng đi xuống, không ít nhà đầu tư đã chuyển sang thị trường phái sinh để tìm kiếm cơ hội đầu tư mới cũng như phòng thủ một phần cho danh mục, bởi nhà đầu tư có thể bán khống rổ chỉ số VN30. Một trong những mục tiêu quan trọng của việc bán khống là để “phòng hộ” cho danh mục đầu tư trước biến động giá cổ phiếu. Khi rổ chỉ số cổ phiếu cơ bản giảm, thì người bán khống có lãi và ngược lại.
“Khi thị trường xuống giá thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển sang phái sinh, bởi đó là giao dịch trong ngày, không chịu rủi ro T+3 như thị trường cơ sở và khả năng kiếm lợi nhuận nhanh bởi biến động lớn”, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI lý giải.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, thị trường chứng khoán phái sinh tháng 4/2022 ghi nhận tăng trưởng gần 57% trong bối cảnh thị trường cơ sở có biên độ lớn với số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 973.155 tài khoản, tăng 4,7% so với tháng trước.
Đồng thời, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng cũng tăng mạnh, đạt hơn 4,05 triệu hợp đồng và giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng là 591.000 tỷ đồng. Tính bình quân, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng đạt 202.670 hợp đồng/phiên, tăng 56,68% so tháng trước; giá trị giao dịch đạt 29,55 nghìn tỷ đồng, tăng 53,15% so với tháng trước.
Đáng chú ý, trong tuần từ 9-13/5, thị trường chứng kiến tuần giảm điểm mạnh, mất mốc 1.200 điểm. Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn bị rớt giá liên tục do bị “đè” bán mạnh. Bất chấp cổ phiếu rớt giá, chỉ số giảm điểm, song nhiều nhà đầu tư lại ghi nhận lãi đậm khi “bán khống” chỉ số VN30. Theo đó, dòng tiền, thanh khoản giao dịch tại các hợp đồng tương lai cũng ghi nhận tăng mạnh.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, cuối tuần trước, 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa với mức giảm từ 45-57 điểm. Khối lượng giao dịch trên VN30F2205 (kết thúc vào ngày 19/5) giảm 39% so với phiên liền trước, còn hợp đồng VN30F2206 (hợp đồng tháng 6) tăng 105%, VN30F2209 tăng 93% và VN30F2212 tăng 82%.
Thống kê của Vietstock cho thấy, khối lượng và giá trị giao dịch của thị trường phái sinh lần lượt tăng gần 26,69% và 22,82% so với phiên trước đó. Còn tính chung cả tuần, khối lượng và giá trị giao dịch tăng lần lượt 43,88% và 34,75% so với tuần trước.
Chỉ số VN30 điều chỉnh về vùng thấp nhất trong vòng hơn một năm vừa qua. “Thị trường phái sinh tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch “Big Short” khi áp lực bán tháo diễn ra trong xuyên suốt phiên giao dịch”, báo cáo VCBS nhận định.
Đòn bẩy cao và "bẫy" tâm lý
"Chuyện nhà đầu tư chạy sang phái sinh là bình thường, tuy nhiên khi quá nhiều người tham gia thì thị trường phái sinh cũng sẽ khó biến động nhiều như trước", Kinh tế trưởng SSI nhận xét.
Mặc dù thị trường phái sinh được đánh giá là sôi động hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng không thay đổi nhiều về chất, bởi khối lượng hợp đồng qua đêm (OI – Open Interests) không tăng tương ứng và vẫn ở mức khá thấp.
Cụ thể, khối lượng hợp đồng OI tại ngày 29/4 đạt 30.315 hợp đồng, giảm 5,16% so với tháng trước. Điều này cho thấy dòng tiền đã đổ vào thị trường phái sinh không nhiều như thể hiện qua thanh khoản hiện tại. Có chăng việc giao dịch trong phiên diễn ra mạnh mẽ hơn khi thị trường cơ sở diễn biến kém khả quan nên nhà đầu tư cá nhân đã đảo vị thế 5-10 lần trong một phiên.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Chứng khoán HSC, tâm lý gỡ lỗ là rất nguy hiểm, dẫn đến việc giao dịch quá mức, mà bằng chứng là việc đảo vị thế liên tục trong phiên mà nhiều nhà đầu tư cá nhân đang làm. Trong khi đó, thị trường phái sinh có đòn bẩy cao, rủi ro cao hơn chứng khoán cơ sở. Vì vậy, việc tham gia mà không chuẩn bị kỹ kiến thức là rất nguy hiểm.
“Hợp đồng tương lai là một sản phẩm hay, nhưng cần được tiếp cận đúng cách và không dành cho người mới bắt đầu. Đòn bẩy cao và được mua bán trong phiên là một ưu điểm của thị trường phái sinh, tuy nhiên nó cũng làm xuất hiện rủi ro và những "bẫy" tâm lý khó kiểm soát nếu như chưa có kinh nghiệm”, ông Huy phân tích.
Có thể thấy, trên thị trường, hợp đồng phái sinh có giá trị lớn nên các nhà đầu tư đa phần vay vốn để mở vị thế. Tỷ suất lợi nhuận vì thế có thể lên rất cao nhưng cũng có thể mất rất nhiều. Thực tế, thị trường phái sinh không “ngon ăn”, số nhà đầu tư thua lỗ cũng không ít.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, dòng tiền chảy qua phái sinh chủ yếu là ngắn hạn, không thể duy trì ổn định, mạnh mẽ và phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Phái sinh là kênh không dễ chơi, ngay cả trong thị trường xuống, nhà đầu tư đặt chiều Short vẫn có thể lỗ vì trong các nhịp xuống có những nhịp giật lên hồi với biên độ lớn. Phái sinh bị tính lãi qua đêm, đòn bẩy rất cao đang lời nhưng hồi trong phiên có thể thành lỗ. Thua 1-2 lần có thể mất hết vì đòn bẩy rất cao.
Cũng theo ông Dũng, "đánh" phái sinh không xấu nhưng những người tham gia thị trường phái sinh đa phần có "độ cờ bạc, máu me" cao hơn, việc "tất tay" cao nên nhà đầu tư mới chuyển sang phải kiểm soát lòng tham, đừng "tất tay", phái sinh đòn bẩy lớn, ngược xu hướng là "cháy" tài khoản.
“Nhà đầu tư cần kiểm soát được rủi ro, chẳng hạn tài sản 1 tỷ qua phái sinh chỉ nên thử vận may với 50-100 triệu đồng thôi”, ông Khánh khuyến nghị.
Đáng chú ý, trong tuần trước rộ lên thông tin công ty chứng khoán khuyến khích khách hàng giao dịch phái sinh để bù lỗ cho giá cổ phiếu giảm. Cũng trong tuần qua, việc chứng khoán phái sinh “nở rộ” cũng được nhiều nhà đầu tư lấy làm nguyên nhân lý giải cho việc thị trường lao dốc.
Trong diễn biến có liên quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết sẽ yêu cầu các Sở giao dịch chứng khoán thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.