Quan điểm của Ban lãnh đạo Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là trong thời gian tới, trên cơ sở các nền tảng đã được thiết lập, chuyển đổi số (CĐS) chắc chắn phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) giao cho PVFCCo.
Hệ sinh thái số đa dạng:
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Trong CMCN 4.0, CĐS là xu thế tất yếu khách quan, và sẽ diễn ra toàn diện trong mọi mặt đời sống và trên phạm vi toàn cầu. Nhận thức rõ về những lợi ích mà CĐS đem lại, Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong đó có PVFCCo xác định công tác CĐS trong toàn Tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Ban lãnh đạo PVFCCo đã sớm xác định việc xây dựng một lộ trình CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn sắp tới, đồng hành cùng chiến lược phát triển và tái cơ cấu tổ chức.
Trước đó, PVFCCo đã xây dựng được hệ sinh thái số khá đa dạng và ngày càng phát triển. Hệ thống công nghệ thông tin ở PVFCCo đã được triển khai từ rất sớm với nhiều công cụ số hỗ trợ rất tốt công việc ở phòng ban các cấp.
Việc ứng dụng các phần mềm công nghệ hiện đại giúp Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn hoạt động an toàn, hiệu quả, tối ưu công suất.
Cụ thể, ngay từ năm 2010, PVFCCo đã tiến hành sử dụng hệ thống ERP Oracle E-Business Suite (giai đoạn 1) để ứng dụng cho việc quản trị kế toán tài chính, mua sắm, kho. Hệ thống Oracle giai đoạn 2 triển khai năm 2014 với phân hệ quản lý sản xuất, quản lý và lập kế hoạch cùng hệ thống báo cáo quản trị.
Bên cạnh đó, PVFCCo đã triển khai ứng dụng số hỗ trợ quản trị, môi trường làm việc tiên tiến như Zoom (họp trực tuyến), MS Office (họp trực tuyến qua MS Teams và Email), phần mềm Văn phòng điện tử (eOffice), các hệ thống quản lý văn bản,… và gần đây là việc tiên phong áp dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, hệ thống ngân hàng online… giúp PVFCCo thực hiện các công việc liên quan như ban hành văn bản, giải quyết chính sách, hỗ trợ người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời, ngay cả trong giai đoạn giãn cách vì Covid-19 như vừa qua.
Trong hoạt động kinh doanh, nếu như trước đây việc quản lý bán hàng được theo dõi thông qua sử dụng MS Excel, hiện tại, PVFCCo đang nghiên cứu ứng dụng hệ thống tiên tiến DMS cũng như đã triển khai hệ thống TMS (Quản lý vận tải). Ngoài ra, khối kinh doanh cũng tương tác một phần với hệ thống ERP (các công ty chi nhánh các vùng cập nhật số liệu và đồng bộ về TCT).
Trong hoạt động sản xuất, việc ứng dụng các phần mềm công nghệ giúp Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn hoạt động an toàn, hiệu quả, tối ưu công suất. Hiện tại, Nhà máy đang sử dụng nhiều phần mềm khác nhau như Oracle, DCS, MMS, ESD, PLC, CMMS để điều khiển các phân xưởng, công nghệ, bảo vệ an toàn cho các dây chuyền công nghệ, quản lý về vật tư,…
Quyết liệt triển khai CĐS:
Tuy nhiên, PVFCCo xác định, CĐS tại đơn vị chỉ mới ở bước đầu, các chương trình, phần mềm công nghệ chưa hoàn thiện cũng như chưa thể phát huy hết tính ưu việt, mang lại lợi ích tối đa cho hoạt động của PVFCCo.
Do đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, PVFCCo đã và đang xây dựng và hoàn thiện các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, hiệu quả, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành tổ chức thực hiện các mục tiêu thống nhất, xuyên suốt từ cấp ủy đến người lao động. Trong đó, tập trung nâng cao vai trò chỉ đạo và định hướng chiến lược công tác CĐS của cấp ủy và cụ thể bằng Nghị quyết, chương trình hành động và các văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tăng cường làm việc từ xa.
Vào ngày 19/4/2022, Đảng ủy PVFCCo đã ban hành Nghị quyết số 289-NQ/ĐU về “Thực hiện chuyển đổi số tại PVFCCo đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, hình thành những mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh và mang lại giá trị gia tăng mới cho khách hàng; Xây dựng lực lượng lao động có năng lực, kỹ năng, đáp ứng mục tiêu CĐS, có thể ứng dụng công nghệ số một cách đầy đủ, sáng tạo trong các lĩnh vực; Tạo môi trường thuận lợi cho người lao động được học hỏi, đào tạo, cập nhật kiến thức và phát triển bản thân dựa trên công nghệ số, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động.
Theo đó, trong năm 2022, PVFCCo sẽ xây dựng Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo triển khai công tác CĐS tại Tổng công ty, thành lập Ban Chỉ đạo CĐS, bộ phận chuyên trách công tác và các tổ CĐS tại các đơn vị. Xây dựng khung năng lực kỹ thuật số cho các bộ phận và nhân sự thực hiện CĐS; bố trí và đào tạo nhân lực cơ bản đủ năng lực triển khai CĐS; hoàn thành “Kế hoạch CĐS tại PVFCCo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” có tham khảo các bộ tiêu chí đánh giá mức độ CĐS thành công của Tập đoàn. Lộ trình được phê duyệt phải xác định giá trị cần đạt được, mục tiêu, mức độ ưu tiên, kế hoạch thực hiện các dự án trong lộ trình và mức đầu tư cho từng dự án/giai đoạn.
Tiếp đó, từ năm 2023 - 2025, PVFCCo sẽ triển khai các dự án theo lộ trình CĐS đã được phê duyệt: thực hiện chuyển đổi các mô hình kỹ thuật số (Digital Business Model) bao trùm các lĩnh vực quản lý, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như con người và tổ chức của PVFCCo. Ban Chỉ đạo giám sát và đánh giá kết quả các dự án số triển khai thường xuyên, toàn diện và chỉ đạo điều chỉnh lộ trình phù hợp nếu cần thiết.
Kết thúc giai đoạn này, PVFCCo đặt mục tiêu sẽ là một trong những đơn vị đi đầu của Petrovietnam về CĐS; nằm trong nhóm dẫn đầu CĐS của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất tại Việt Nam, với các mục tiêu: Tối ưu hóa năng lực vận hành thông qua quản trị dữ liệu và ứng dụng công nghệ số; Đảm bảo tích hợp chặt chẽ và nâng cao mức độ tự động hóa của quy trình; Số hóa và tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ về quản trị - vận hành, sản xuất - bảo dưỡng, chăm sóc khách hàng - kinh doanh; nâng cao chất lượng dữ liệu; đảm bảo thực hiện và theo dõi công việc nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả.
Trong giai đoạn này, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật CNTT và nền tảng công nghệ được đầu tư, nâng cấp, trang bị đồng bộ, hiện đại; cơ sở dữ liệu số được tổ chức quản lý tập trung, khai thác, phân tích hiệu quả, cho phép triển khai các sáng kiến số một cách thuận lợi, trong một môi trường an toàn và bảo mật…
Từ năm 2025 - 2030, PVFCCo sẽ cơ bản hoàn thành CĐS tại TCT và các đơn vị thành viên, các quy trình chuyên môn nghiệp vụ, sản xuất, kinh doanh được số hóa và liên tục cải tiến, vận hành trên nền tảng công nghệ số. Kết nối, mang lại giá trị mới cho khách hàng bằng các sản phẩm và dịch vụ mới trên nền tảng số hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của PVFCCo.
Nhìn chung, CĐS là một quá trình tất yếu trong sự phát triển và thực hiện lâu dài, đây không chỉ là nhiệm vụ của mỗi Ban, đơn vị TCT mà cần sự chung tay của từng CBCNV. Yếu tố tiên quyết vẫn là sự chấp nhận thay đổi, sự thích ứng của mỗi cá nhân với cái mới. Để lan tỏa đến toàn thể người lao động, Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của TCT, cần phối hợp tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS cho NLĐ, giúp NLĐ nắm bắt các nội dung CĐS của TCT và đơn vị, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ an toàn thông tin khi tham gia các nền tảng số./.