Vài năm qua, chuyện NĐT cá nhân mua trái phiếu, mà ở đây là TPDN, trở nên bình thường đến mức không ai đặt câu hỏi về tính hợp lý cũng như bản chất của sở hữu.
Có một thực tế, mệnh giá của TPDN tính bằng tiền tỷ 1-2 tỷ đồng/trái phiếu hoặc hơn nữa, trong khi NĐT cá nhân mua trái phiếu hiện nay “nghe nói” có mệnh giá 10.000 đồng/trái phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc “trái phiếu” NĐT cá nhân mua vào nhiều khả năng đã bị chia nhỏ thành các lô có mệnh giá nhỏ hơn, hoặc có thể ví von NĐT cá nhân mua trái phiếu theo kiểu “gom đơn” hoặc “mua chung” qua đơn vị phân phối trung gian. Và cũng từ việc các đơn vị trung gian chia nhỏ này có thể tiềm ẩn những rủi ro xuất hiện.
Theo một chuyên gia tài chính, cần đặt lại vấn đề, với cách mua kể trên NĐT cá nhân có thực sự “sở hữu trái phiếu” hay không? Vì trong thực tế, không có hoạt động chuyển nhượng quyền sở hữu trái phiếu, thay vào đó đơn vị trung gian đưa ra chứng từ, chứng nhận rằng NĐT Nguyễn Văn A hay Nguyễn Thị B đã mua TPDN C nào đó, điều này có nét tương đồng với nghiệp vụ phát hành phái sinh hoặc giấy tờ có giá.
Cũng từ đây cần đặt ra câu hỏi tiếp theo, và cũng là mấu chốt phải suy nghĩ: Người mua thực sự có biết mình đang mua gì hay không?
Hỏi như vậy bởi việc NĐT tổ chức mua TPDN là khác hẳn, điều kiện, điều khoản ràng buộc, rõ ràng, nhất là việc quản lý, xử lý tài sản đảm bảo khó lọt đi đâu được. Còn với những chứng nhận sở hữu trái phiếu NĐT cá nhân nắm giữ sẽ thấy đơn giản hơn nhiều, chỉ biết trái phiếu đó của DN nào, lãi suất bao nhiêu nhưng lại không có những điều kiện, điều khoản sở hữu trái phiếu chặt chẽ như của NĐT tổ chức.
Chẳng hạn, khi DN phát hành trái phiếu cho NĐT tổ chức, tài sản đảm bảo sẽ được chỉ rõ là tài sản nào, ngân hàng sẽ giám sát tài sản đó theo cách thức ra sao sẽ được nói rất rõ, chi tiết. Nhưng với NĐT cá nhân những thông tin kiểu như vậy khiêm tốn hơn nhiều nếu nhìn trên chứng từ hoặc chứng nhận mà họ sở hữu. Nói đến đây sẽ thấy sự bất cân xứng về thông tin, một bên chuyên nghiệp, tiền nhiều lại có thông tin chặt chẽ, một bên nguồn vốn và chuyên môn tất nhiên không bằng lại ít thông tin hơn.
Thành thực mà nói, các vấn đề trên sở dĩ chưa được mổ xẻ vì dường như đến thời điểm này, số đông NĐT cá nhân mua TPDN vẫn được trả lãi đúng với cam kết trên chứng nhận hay lượng trái phiếu ghi sổ họ đang sở hữu, nhưng rủi ro là rủi ro, vẫn là hiện hữu và phải bàn đến. Cũng phải nói thêm về mặt trả lãi, theo một số người có kinh nghiệm trong lĩnh vực trái phiếu, vì đơn vị trung gian có “phân lô” hay “chẻ nhỏ” trái phiếu nên về mặt trả lãi cũng có thể thực hiện theo… đặc thù.
Thí dụ, đơn vị trung gian mua trái phiếu của DN với lãi suất 11%/năm, nhưng đến khi sang tay cho NĐT cá nhân lãi suất có khi 8%/năm và kỳ trả lãi 6 tháng. Điều này đồng nghĩa với việc, cứ nửa năm NĐT mua trái phiếu và nhận tiền lãi thực ra là tiền trả trước của đơn vị trung gian, còn họ sẽ nhận lãi về sau và hưởng chênh lệch.
Nói tóm lại, đã có khoảng trống về công bố thông tin đối với NĐT cá nhân liên quan đến lĩnh vực TPDN. Trong khi NĐT cá nhân, lại vốn là nhóm NĐT cần được bảo vệ nhất, để tránh những thua lỗ, rủi ro, mất tiền một cách đáng tiếc và gây hậu quả xã hội. Cần minh định rằng ngân hàng cho vay sẽ phải có lúc vì rủi ro mà gặp nợ xấu, điều tương tự cũng sẽ xảy ra khi mua TPDN. Nhưng ngân hàng hay các định chế tài chính nói chung là những tổ chức lớn, chuyên nghiệp “có sức chơi, có sức chịu”.
Nợ xấu không thể cản bước được hoạt động cho vay của ngân hàng, trái lại còn có tác động để các quy trình, quy chuẩn cho vay ngày càng chặt chẽ hơn. Cũng vậy, những rủi ro của TPDN dành cho NĐT cá nhân hiện có, cần được nhìn nhận như động lực để hoàn thiện các quy trình bảo vệ NĐT, qua đó để thị trường trái phiếu phát triển ngày càng lành mạnh hơn, góp phần quan trọng để dẫn vốn cho nền kinh tế.