Theo các chuyên gia, nhìn cả quá khứ và chiết khấu so với khu vực thì thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất rẻ, đang hút lại dòng tiền nước ngoài.
Định giá hấp dẫn
Tại talkshow do báo Đầu tư tổ chức ngày 23/6, đề cập về diễn biến thị trường, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thời gian qua VN-Index không chinh phục thành công mốc 1.300 điểm đã quay lại vùng đáy trước đó quanh mốc 1.150 điểm. Phiên 23/6 thị trường đã bật lên 1.188 điểm.
“Chỉ số chung chỉ giảm 9% nhưng thời gian qua nhiều cổ phiếu trên thị trường giảm mạnh. Theo thống kê của SHS có trên 60% cổ phiếu giảm điểm và trong số này, hơn một nửa có mức giảm trên 20% , nhiều cổ phiếu giảm trên 30%”, ông Hiển nói.
Bà Nguyễn Hoài Phương và ông Ngô Thế Hiển
Vị này đưa ra một số nguyên nhân. Đầu tiên, do thị trường chịu tác động bởi các yếu tố thông tin không tích cực, đặc biệt thông tin lạm phát của Mỹ tăng cao ở vùng đỉnh, FED quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm làm hỗn loạn thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt.
Thứ hai, mốc 1.300 điểm thị trường kỳ vọng vượt qua được thì đúng giai đoạn đó gặp tin tức kém tích cực. Theo đó cả hai yếu tố khiến thị trường có một đợt giảm giá, tuy nhiên ở các cổ phiếu có thể có áp lực bán hạ margin của các nhà đầu tư.
Ông Hiển cũng nêu một yếu tố khác, trong 2 năm gần đây, lượng nhà đầu tư tham gia thị trường lớn, năm 2021, số lượng tài khoản tăng trên 50%. Trong số này, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân rất nhiều và đây là đối tượng hoạt động mạnh trên thị trường 2 năm gần đây. Sự hoạt động mạnh của khối này là tác nhân giúp thị trường đi lên bất chấp khối ngoại có 3 năm rút vốn mạnh.
“Tuy nhiên việc nhà đầu tư cá nhân tham gia đông đảo dẫn đến yếu tố tâm lý rất lớn, dẫn đến làn sóng bán tháo bất chấp yếu tố cơ bản của doanh nghiệp hay triển vọng kinh tế”, chuyên gia SHS cho biết.
Về mặt định giá, theo ông Hiển, P/E toàn thị trường đang ở khoảng 13 lần. Trong khi đó, P/E trung bình 5 năm gần đây khoảng 16,5 lần, 10 năm ở mức 15 lần nên P/E hiện nay là mức thấp.
Nhìn về triển vọng kinh tế Việt Nam, dự báo gần đây của các tổ chức cho biết, tăng trưởng GDP ở mức 6%, dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tăng 15% và trong quý 1/2022 tổng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 30%.
“Nếu so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia P/E forward khoảng 15 -16 lần thì hệ số P/E forward của Việt Nam khoảng 11,7 lần về mặt định giá là ở mức thấp và khá hấp dẫn”, ông Hiển nhận định.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, Người điều hành Quỹ Đầu tư Cổ phiếu Tiếp cận Thị trường Việt Nam (VESAF - VinaCapital) cho rằng, với đặc thù của thị trường Việt có 90% nhà đầu tư cá nhân thì biến động thị trường có thể xảy ra trong cả điều kiện bình thường, không cần đợi đến khi phải có các sự kiện như ông Hiển chia sẻ. Thị trường có lúc rất hưng phấn như năm 2021, có lúc lại rất bi quan như thời gian qua.
Về định giá, bà Phương đồng ý với ông Hiển, nhìn cả quá khứ và chiết khấu so với khu vực thì thị trường Việt đang rất rẻ, đang hút lại dòng tiền nước ngoài.
“Nhìn định giá nhiều cổ phiếu hiện nay đang rất tốt để đầu tư dài hạn, như ngân hàng có P/E, P/B về mức trước dịch bệnh COVID, hay cổ phiếu chu kỳ như HPG tiệm cận giá trị sổ sách, tiệm cận giá vùng cuối năm 2019 trong khi doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, chưa kể có lợi nhuận tích lũy 2 năm qua. Chúng tôi cho rằng, định giá là hấp dẫn, dù vậy vẫn có nhiều yếu tố khó dự báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng và quản trị danh mục của mình”, chuyên gia từ VinaCapital nêu.
Phục hồi ngắn hạn?
Thị trường đã có phiên phục hồi vào phiên 23/6, nhưng đây có phải là phiên phục hồi ngắn hạn và thị trường lo ngại mốc 950 điểm? Trả lời câu hỏi này, ông Hiển cho rằng, trước mắt chỉ số có ngưỡng tâm lý 1.200 điểm cần phải vượt qua. Hiện đã gọi là đáy dài hạn, hỗ trợ cứng hay chưa thì cần thêm thời gian do thị trường vẫn còn một số yếu tố rủi ro phía trước.
“Về kỹ thuật vẫn có một số mốc hỗ trợ bên dưới như chỉ số giảm qua 1.150 điểm, mốc hỗ trợ gần nhất là 1.130 điểm, dưới nữa là 1.080 điểm, còn kịch bản về 950 điểm theo tôi sẽ khó xảy ra. Tất nhiên là chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng nếu ở bên ngoài và trong nước có chứng kiến biến động hay tin tức đặc biệt xấu thì chỉ số mới có thể về vùng đó”, chuyên gia SHS nêu quan điểm.
Nhìn nhận xu hướng thị trường trong quý 3, bà Phương nêu, dù thị trường đang ở định giá tốt nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khó dự báo, trong ngắn hạn bà vẫn duy trì quan điểm thận trọng và cần theo dõi sát sao thị trường.
“Trong quý 3 sẽ phải để ý đến tốc độ gia tăng của lạm phát Mỹ vì yếu tố FED tăng lãi suất đang là yếu tổ chính tạo sự bi quan đến các nhà đầu tư. Vì vậy luôn cần theo dõi thị trường thế giới sẽ thế nào so với kỳ vọng của nhà đầu tư hiện tại, thị trường Việt những năm gần đây đã cho thấy sự biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ”, bà Phương đề cập.
Ngoài ra, yếu tố lạm phát của Việt Nam cũng đang được quan tâm. Mặc dù 5 tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều so với các nước phát triển cũng như một số nước châu Á nhưng liệu áp lực của lạm phát trong thời gian sắp tới sẽ ra sao và làm sao để định lượng được nó.
“Yếu tố quan trọng nhất là khi thị trường đã giảm quá bán về vùng định giá thấp rồi thì việc nhạy cảm với các thông tin, tin tức mới của thị trường, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách điều hành, động thái tháo gỡ… bởi những sự kiện này cũng là một trong những lý do tạo nên sự sụt giảm của thị trường trong thời gian vừa qua nên chúng ta cần theo dõi để tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn”, chuyên gia VinaCapital cho biết.
Cụ thể, bà Phương cho rằng, nhà đầu tư cần để ý đến các vấn đề liên quan như tới khi nào ngân hàng sẽ có mức hạn tín dụng mới, khi nào gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thực sự được thực thi và khi nào Trung Quốc mở cửa khôi phục lại... Cuối cùng thay đổi về Nghị định 153 liên quan đến phát hành trái phiếu và hy vọng sẽ có hướng hỗ trợ hơn so với bản dự thảo gần nhất. Theo chuyên gia này đây sẽ là những yếu tố quyết định xu hướng thị trường trong quý 3.
Doanh nghiệp vẫn có thể huy động vốn
Nhìn nhận về khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường của doanh nghiệp, ông Hiển nêu, doanh nghiệp có 2 kênh huy động là phát hành cổ phiếu và trái phiếu.
Sau năm 2021 bùng nổ với lượng vốn huy động được qua phát hành cổ phiếu ở mức kỷ lục trên 100.000 tỷ đồng, trong 5 tháng gần đây, cùng với sự sụt giảm của thị trường chung và thanh khoản suy giảm, hoạt động phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp cũng gặp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sự kiện trên thị trường trái phiếu phần nào cũng làm phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn hơn.
“Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp có hoạt động tốt, triển vọng tốt, trong thời gian tới họ vẫn huy động được vốn trên thị trường. Điển hình như SHS đã phát hành thành công để tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng. Hay như sau tháng 4 trầm lắng, đến tháng 5 các doanh nghiệp đã bắt đầu phát hành trở lại, đặc biệt những doanh nghiệp có nền tảng tốt như Novaland, Vingroup… Điều đó cho thấy các doanh nghiệp vẫn có thể huy động vốn qua thị trường miễn là doanh nghiệp có hoạt động minh bạch, triển vọng sáng sủa. Còn những doanh nghiệp kém minh bạch, hoạt động kém thì huy động vốn sẽ khó khăn hơn, thậm chí là không thể huy động được nữa”, chuyên gia SHS nói.