Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng loạt cổ phiếu bất động sản không ngừng lao dốc, trở thành “tội đồ” khi kích hoạt những đợt bán tháo trên diện rộng dẫn tới đà giảm sâu và kéo dài của thị trường chứng khoán, bởi đây là nhóm có “quân số” đông, chiếm tới khoảng 20% vốn hóa thị trường.
Liên tiếp những thông tin tiêu cực liên quan đến thị trường bất động sản đã khiến cổ phiếu nhóm ngành này “điêu đứng”, từ vụ đấu giá “đất vàng” Thủ Thiêm đến những vụ xử phạt trên thị trường trái phiếu, thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản...
Giảm 40-60% sau 6 tháng
So với thời điểm đầu năm, các mã cổ phiếu như
DIG (CTCP Đầu tư phát triển xây dựng),
DXG (Tập đoàn Đất Xanh),
HDC (CTCP Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu),
CII (CTCP Đầu tư hạ tầng Kỹ thuật TP HCM),
LDG (CTCP Đầu tư
LDG), CEO (CTCP Tập đoàn CEO),
L14 (Licogi 14)... đã giảm khoảng 40-60%, ngay cả khi đã có 2 phiên hồi phục liên tiếp mạnh mẽ (22 và 23/6). Còn nếu tính từ đỉnh, mức giảm còn gây "choáng" hơn khi đã lên đến trên 70%.
Nếu tính từ đỉnh, nhiều cổ phiếu bất động sản đã giảm đến trên 70%. (Ảnh: Int)
Còn nhớ, từ nửa cuối năm 2021 đến tháng 3/2022, nhóm cổ phiếu bất động sản là cái tên nổi trội nhất, liên tục gây được sự chú ý của giới đầu tư.
Thời điểm đó, nhóm “cổ đất” ghi nhận mức tăng trung bình từ 50-200%, một số mã vọt lên tới mức giá không tưởng là 200.000 đồng/cp. Thậm chí, trên sàn chứng khoán, bất cứ mã chứng khoán nào liên quan đến nhóm này, bất chấp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng trở thành “hàng ngon” được các nhà đầu tư tranh mua bằng mọi giá.
Đáng chú ý, nhiều mã đã bật cao dù thị giá trước đó chỉ ngang cốc trà đá. Một số doanh nghiệp ít được chú ý, giao dịch dưới 10.000 đồng/cp cũng lần đầu trở lại mệnh giá sau nhiều năm.
Điển hình, cổ phiếu CEO đã tăng “bằng lần” từ vùng chỉ quanh 9.000 đồng/cp (9/2021) lên vùng đỉnh trên 72.000 đồng/cp (24/3/2022). Sau đó, cổ phiếu này cũng liên tục giảm, đặc biệt sau những tin tức tiêu cực liên quan đến một số doanh nghiệp bất động sản. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (24/6), CEO đã giảm khoảng 63% từ đỉnh, về mức 26.700 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu
DIG cũng chứng kiến đà tăng “phi mã” khi khởi đầu từ vùng giá 30.000 đồng/cp (10/2021) lên mức trên 106.000 đồng/cp (23/3/2022). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, cổ phiếu này liên tục điều chỉnh giảm và chốt phiên giao dịch 24/6 ở mức 35.050 đồng/cp, tức là giảm gần 67%.
Hay như cổ phiếu
L14 cũng từng vươn lên trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất toàn sàn chứng khoán. Thế nhưng đến hiện tại, thị giá chỉ còn lại 1/3.
Những ví dụ nêu trên cũng là cảnh ngộ chung của hàng loạt cổ phiếu bất động sản khác như
NHA (Phát triển nhà và đô thị Nam Hà Nội),
NBB (CTCP Năm Bảy Bảy), UDC (CTCP xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu),
HQC (Địa ốc Hoàng Quân), CIG (COMA 18)…
Lý giải về nguyên nhân giảm điểm của nhóm cổ phiếu này, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính cho rằng, bắt nguồn từ việc cổ phiếu bất động sản có tỷ lệ vay “margin” khá lớn, chỉ sau ngân hàng. Do vậy, khi có những cơn giải chấp xảy ra thì nhóm này bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, bản thân trong nhóm bất động sản có rất nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ. Cổ phiếu đầu cơ là cổ phiếu có giá cao hơn quá nhiều so với giá trị thực, không chỉ những công ty làm ăn bết bát nhưng giá cổ phiếu cao, mà còn bao gồm cả những công ty tốt nhưng giá cổ phiếu ở vùng quá cao so với giá trị thực.
"Cá mập" cũng như "cá con"
Trong giai đoạn thị trường giao dịch sôi động, tấp nập “kẻ bán người mua”, giới phân tích đã từng đưa ra cảnh báo về tiềm ẩn rủi ro vì cổ phiếu có thể quay đầu xuống giá bất cứ lúc nào, nhất là những cổ phiếu bất động sản đã tăng "nóng".
“Việc đầu tư vào cổ phiếu bất động sản bất chấp "sức khoẻ" của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh lỗ liên tiếp sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư khi dòng tiền sẽ đến lúc phân hoá, chuyển qua những cổ phiếu có yếu tố nội tại tốt”, Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) khuyến cáo.
Thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều nhà đầu tư chạy theo những cổ phiếu tăng "nóng" của nhóm bất động sản đã phải chịu mức lỗ lớn lên tới trên dưới 50%, thậm chí lỗ nhiều hơn khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.
Không chỉ vậy, hoạt động bán giải chấp hay "call margin" cũng ảnh hưởng tới cả những "cá mập" hay cổ đông liên quan đến lãnh đạo.
Mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, thành viên HĐQT độc lập CTCP Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu và Đầu tư Thiên Anh Minh do ông Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch buộc phải bán giải chấp 397.600 cổ phiếu
HDC sau khi cổ phiếu này giảm sàn 5 phiên liên tiếp.
Trước đó, cuối tháng 3, Chứng khoán VPS cũng từng phát đi thông báo cho biết, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, thành viên HĐQT của CTCP Licogi 14 đã bị bán giải chấp cổ phiếu
L14 ngay trước nhịp lao dốc của thị trường. Cá nhân này còn được biết đến với cái tên "Nhà đầu tư 1970" hay A7 và từng có giai đoạn thường xuyên chia sẻ, phân tích về việc đầu tư vào các cổ phiếu bất động sản như
DIG, CEO,...
Nhận định về nhóm cổ phiếu bất động sản, các chuyên gia phân tích cho rằng, thời gian qua, có thời điểm ở vùng nhiễu thông tin, có doanh nghiệp không phải doanh nghiệp niêm yết như Tân Hoàng Minh gặp vấn đề đã tạo cú sốc lớn về dòng tiền, về ngành bất động sản, gây hệ lụy ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản trên sàn. Tuy nhiên, xét dưới góc độ vĩ mô, cổ phiếu bất động sản vẫn có tiềm năng tăng giá, nhưng thị trường sẽ có sự thanh lọc mạnh mẽ hơn và chỉ cổ phiếu của những doanh nghiệp có “nội lực” mới giữ được giá và có sự tăng trưởng.
“Về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những tin tốt, yếu tố tích cực, vì Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở tất yếu. Do đó, những doanh nghiệp làm ăn tốt, tình hình tài chính lành mạnh sẽ tăng trưởng”, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS nêu quan điểm.
Nhìn chung, về bản chất, cổ phiếu muốn tăng bền vững phải đi kèm với chuyển biến tích cực của các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư phải hiểu biết kỹ thuật, nên tìm hiểu doanh nghiệp có cổ phiếu mình muốn đầu tư để tránh tình trạng "đu giá" những cổ phiếu của doanh nghiệp có tình hình kinh doanh kém khả quan. Bởi lẽ, cổ phiếu nào tăng đột biến gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn do dòng tiền đầu cơ thường đến nhanh nhưng đi cũng rất nhanh.