Do tác động của đại dịch Covid-19, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành đồ uống chịu tác động nặng nề. Vì vậy, xây dựng chính sách thuế phù hợp, nhất là với thuế tiêu thụ đặc biệt là đòi hỏi cấp thiết.
Chịu tác động nặng nề
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu toàn ngành nước giải khát năm 2020 giảm tới 17% so với năm 2019; lợi nhuận trung bình giảm 94,96% so với năm 2019. Số liệu gần đây nhất cũng cho thấy, doanh thu thuần năm 2021 của ngành nước giải khát giảm 4,8% so với năm 2020 trong khi lợi nhuận thuần của ngành này năm 2021 giảm tới 31,4% so với năm 2020.
Tác động của đại dịch Covid-19 cũng khiến số lượng lao động giảm 4%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước phải cắt giảm 7% số lao động. Thu nhập trung bình của lao động trong ngành nước giải khát có mức giảm trung bình 7% so với năm 2019.
Cần chính sách thuế phù hợp để giúp ngành đồ uống phục hồi và phát triển
Mặc dù với các gói hỗ trợ từ Chính phủ, nền kinh tế đang dần được phục hồi, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải đối diện không ít khó khăn, như: Giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, tăng lương tối thiểu vùng…
Đáng chú ý, có nhiều gói hỗ trợ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thông qua giảm một số loại phí, nhưng lại không có cơ chế riêng nào áp dụng đối với ngành đồ uống nói chung cũng như ngành nước giải khát nói riêng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp giải khát đang rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt như việc hoãn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn.
Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát - cho rằng, việc duy trì sự ổn định về các chính sách thuế trong 5 năm tới là rất quan trọng. Với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch thì không nên áp thuế mới.
Những đề xuất từ thực tiễn
Chia sẻ tại Hội thảo "Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành sản xuất đồ uống có cồn tại Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách" tổ chức mới đây, bà Đặng Thị Thu Hoài - Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) - cho hay, mặc dù từ năm 2010-2018, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia được điều chỉnh liên tục tăng nhưng tỷ lệ người lạm dụng rượu, bia vẫn tăng cao. Đáng lưu ý, theo bà Hoài, trong 8,3 lít cồn nguyên chất/người/năm tiêu thụ giai đoạn 2015-2017, lượng rượu, bia tiêu thụ không chính thức ước tính lên đến 5,2 lít/người/năm, chiếm 63,85% tổng lượng rượu, bia tiêu thụ.
Bình luận về con số này, nhiều chuyên gia cho rằng số lượng rượu phi chính thức đang chiếm tới 63% tổng khối lượng lít cồn nguyên chất được tiêu thụ tại Việt Nam thể hiện sự chưa công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính..
Theo ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM, một trong những nguyên nhân khiến chính sách không được như kỳ vọng, đó là phương pháp tính thuế tương đối theo giá bán buôn của sản phẩm đang áp dụng đối với ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam không hiệu quả nếu xét trên khía cạnh giảm lượng cồn nguyên chất tiêu thụ vào và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới và khu vực, cần một phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới đối với ngành đồ uống có cồn. Theo đó, trước mắt, có thể áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp dựa trên lít cồn nguyên chất thay cho thuế tương đối đang áp dụng hiện nay. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Với việc Quốc hội đang dự định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn trong thời gian tới, một số ý kiến cho rằng, 2 năm qua, với sự xuất hiện của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành đồ uống đã chịu thiệt hại rất nặng nề. Vì vậy, việc tăng thuế thời điểm này cũng cần cân nhắc, bởi chính sách thuế phù hợp sẽ giúp ngành đồ uống phục hồi và phát triển, hướng tới tăng thu ngân sách trong dài hạn.