Giá quặng sắt tại thị trường Trung Quốc đã quay đầu giảm trở lại khi thị trường giao dịch thận trọng, chờ đợi các tin tức rõ ràng hơn về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhằm đánh giá triển vọng nhu cầu sử dụng thép. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định giá quặng sắt sẽ giảm xuống trong dài hạn.
Diễn biến giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong thời gian gần đây (Đồ hoạ: mining.com)
Hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết, trong phiên giao dịch ngày 29/6, giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đã giảm 1% xuống mức 123,65 USD/tấn.
Trong phiên giao dịch chiều nay ngày 30/6 (theo giờ Việt Nam), giá quặng sắt giao tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) giao dịch quanh mức 797 Nhân dân tệ (118,9 USD)/tấn, giảm 1,3% so với mức giá mở cửa đầu phiên giao dịch.
Giới quan sát nhận định sự phục hồi của thị trường quặng sắt hiện vẫn chưa chắc chắn cho dù xuất hiện nhiều tin tức tích cực từ thị trường Trung Quốc – quốc gia có sản lượng thép và nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Trung Quốc đã nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vốn được áp dụng trong gần 3 tháng quá. Bên cạnh đó, giới chức nước này cũng tái khẳng định sẽ có các biện pháp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, trong các phiên giao dịch đầu tuần này, giá quặng sắt đã có sự phục hồi mạnh nhờ kỳ vọng các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc sẽ sớm quay về trạng thái bình thường, giúp nhu cầu sử dụng thép tăng lên.
Một số chuyên gia cho biết Trung Quốc đã có những tín hiệu cho thấy sẽ không theo đuổi các biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ và cũng chưa đưa ra kế hoạch chi tiết về các biện pháp kích thích cũng như lộ trình áp dụng các biện pháp này. Điều này khiến thị trường thận trọng giao dịch và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn. Thậm chí, tập đoàn ngân hàng ING Bank (Hà Lan) nhận định giá quặng sắt sẽ giảm xuống trong trung hạn và dài hạn.
Đồng quan điểm như trên, Trưởng ban chiến lược thị trường hàng hoá Amelia Xiao Fu thuộc hãng tư vấn giao dịch hàng hoá BOCI Global Commodities (Anh) cho biết “Chúng tôi dự báo giá quặng sắt sẽ được hỗ trợ trong nửa cuối năm nay nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, giá quặng sắt sẽ giảm xuống trong dài hạn. Về phía cầu, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục giới hạn sản lượng thép thô và nước này đang tìm cách chuyển đổi sản xuất thép từ công nghệ lò cao sang công nghệ lò hồ quang điện nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi nhận định nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đã đạt đỉnh trong năm 2020”.
Nguyên liệu chính để sản xuất thép theo công nghệ lò cao là quặng sắt; trong khi đó, công nghệ lò hồ quang điện chủ yếu sử dụng sắt thép phế liệu. Bà Amelia Xiao Fu cũng nhấn mạnh “Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi trong nửa cuối năm thì chỉ một mình nhân tố nhu cầu sử dụng từ Trung Quốc tăng lên cũng không thể giúp giá quặng sắt thế giới thiết lập mức đỉnh giá mới, thời đại đó đã chấm dứt. Bên cạnh đó, nếu như các nền kinh tế lớn khác trên thế giới rơi vào suy thoái thì nền kinh tế Trung Quốc cũng khó có thể đạt mức tăng trưởng cao”.
Giá quặng sắt trên sàn DCE đã chịu áp lực bán tháo kéo dài kỷ lục trong 10 phiên giao dịch liên tiếp kể từ ngày 10/6 đến ngày 23/6, khiến giá mặt hàng này giảm hơn 22%. Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), giá quặng sắt cũng chạm đáy thấp nhất 1 năm trở lại đây vào cuối tuần trước. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc sẽ giảm xuống khi nhiều hãng sản xuất thép tại đây giảm công suất, lượng sắt thép tồn kho tăng cao và các hoạt động xây dựng suy yếu.