Doanh nghiệp kiến nghị có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Meet More Coffee, cho rằng cần đề cao chế biến sâu, để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế.
Theo ông Luận, cà phê Nông sản Việt là một sản phẩm khác biệt, giúp giải nhiều bài toán, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này hiện mới chỉ dừng ở mức tự phát và thiếu yếu tố mang tính bền vững.
Trên thực tế, một số nghiên cứu cho thấy, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở nước ta hiện rất cao. Ví dụ đối với rau, quả tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch từ 25%-30%, lúa gạo xấp xỉ 14%... Tình trạng này do thời gian qua nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm đến việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp.
Trong khi đó, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng. Công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chỉ đạt ở mức trung bình. Sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10-40% tùy ngành hàng), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú.
Thu hút đầu tư vào chế biến sâu đối với nông sản cũng như ứng dụng công nghệ cao trong chế biến là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán "được mùa - mất giá", khủng hoảng thừa cho sản phẩm nông nghiệp.
Trước thực tế này, ông Luận kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng.
Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Về chế biến đúng là thời gian trước là chế biến thô, nhưng chúng ta thấy rõ ràng ở những gian hàng OCOP chúng ta vừa đi thăm đã bắt đầu chuyển qua chế biến nhiều. Chúng ta hãy bắt đầu từ thay đổi ý tưởng và từ đó chúng ta làm".
Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định lực lượng doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tại khu vực nông thôn.
Như vậy, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu tạo chuỗi sản xuất khép kín cũng là cách để hỗ trợ nông dân- đưa người dân vào chuỗi sản xuất.
Cùng với đó, để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp hiệu quả, bền vững, an toàn, bên cạnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp về giống, vật tư, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm nguồn cung vật tư nông nghiệp và đầu vào thiết yếu phục vụ sản xuất; hỗ trợ gián tiếp thực hiện thông qua các chính sách về đầu tư, đất đai, tài chính, bảo hiểm nông nghiệp, tín dụng ưu đãi, phát triển thị trường, khuyến khích đổi mới sáng tạo; ưu đãi thuế cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp...