Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây.
Tỷ trọng vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó và con số này vẫn đang trên đà tăng. Vào cuối năm 2021 tiếp tục ghi nhận mức tăng thêm 13% so với năm 2020.
Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Đánh giá về hoạt động của thị trường trong thời gian qua, ông Andrew Lee - Quản lý cấp cao Bộ phận Phát triển Kinh doanh thị trường Hàn Quốc, Savills Việt Nam chia sẻ, đại dịch COVID-19 đã hạn chế hoạt động thương mại của các nhà đầu tư Hàn Quốc do họ không thể trực tiếp tiếp cận các dự án bất động sản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quyết định mở cửa đường bay quốc tế vào từ quý I/2022 đã tạo điều kiện để các đơn vị có thể tự do di chuyển và làm việc. Họ đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư để gia nhập và mở rộng tại thị trường. Do đó, thời gian tới sẽ ghi nhận nhiều dự án bất động sản được rót vốn từ quốc gia này - ông Andrew Lee phân tích.
Chuyên gia này cũng dẫn chứng, ngay đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới. Nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”.
Bên cạnh đó, Tập đoàn YSL của Hàn Quốc cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300 ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Dự án được xây dựng theo định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trong tương lai, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Savills Việt Nam nhận định, lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong những bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc; trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh, kho xưởng thông minh.
“Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa hồ sơ và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Những địa phương sở hữu lợi thế về vị trí địa lý gần biên giới, cảng biến cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư. Cùng đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư người Hàn Quốc đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới” - ông Andrew Lee cho biết.
Nhìn chung, hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn được đẩy mạnh. Đầu năm 2022, Bộ Tài chính phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức “Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính Thuế - Hải quan năm 2022”. Trong đó, cả hai quốc gia đang tiếp tục nỗ lực sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cải thiện môi trường hành chính thuế.
Hiện Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu cập nhật đến năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ba năm trở lại đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top ba quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam cao nhất. Đặc biệt, 5 tháng đầu năm nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này cao thứ hai với trên 2,06 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 112 dự án mới. đạt 19,4% tỷ trọng. Hơn thế nữa, đây cũng là quốc gia có nhiều sự điều chỉnh nhất, chiếm 36,7% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần.