Chuyên gia nhận định thị trường vẫn trong vùng nhiễu động, rủi ro giảm vẫn còn và 1.100 điểm là vùng cân bằng với VN-Index...
Như đã đề cập ở bản tin trước, các chuyên gia đã đưa ra các lý giải về lệch nhịp của thị trường chứng khoán với tình hình kinh tế vĩ trong nước.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm đến những vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô thế giới gồm lạm phát, khả năng suy thoái toàn cầu… nên biến số vĩ mô trong nước như GDP tích cực, lạm phát trong khả năng kiểm soát chưa có sự quan tâm lớn. Bên cạnh đó, biến số trong nước vẫn tiềm ẩn những e ngại, gồm lãi suất, tỷ giá, nút thắt tín dụng…
Ngay phiên đầu tuần, nhóm tài chính - chứng khoán giảm mạnh đã kéo VN-Index giảm hơn 16 điểm, về vùng 1.155 điểm.
Vậy đâu sẽ là vùng cân bằng của VN-Index trong giai đoạn hiện nay? Thị trường sẽ đi theo kịch bản nào trong những tháng còn lại của năm?
Thanh khoản vẫn là nút thắt với thị trường hiện nay
1.100 - vùng cân bằng
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam cho biết, lịch sử cho thấy, sau 2013 có hai thời điểm P/E thị trường dưới 12 lần là vào tháng 6/2016 và tháng 3/2020. P/E xuống dưới 12 lần, thị trường sẽ tạo đáy với thanh khoản thấp.
“Thống kê cho thấy thị trường có 2 giai đoạn tăng gồm 2013 - 2015 và 2016-2019 và sau đó năm thứ 3 thị trường thường điều chỉnh với thanh khoản thấp. Mức giảm khoảng 50% đoạn tăng nóng trước đó. Từ 2020-2021 thị trường đã tăng nóng, như vậy chu kỳ đang lặp lại, 2022 thị trường giảm và thanh khoản thấp. Chỉ số đang ở gần vùng cân bằng, nếu kịch bản lặp lại, vùng 1.110 điểm là vùng cân bằng của thị trường”, ông Minh đề cập.
Ông Minh chỉ ra, trong lịch sử, những lần tăng lãi suất của FED, chỉ số Dow Jones thường bị ảnh hưởng trong khoảng thời gian đầu của việc tăng lãi suất. Hiện gần như chắc chắn FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong giai đoạn tháng 7. Nhưng theo vị này, có 2 vấn đề khiến việc nâng lãi suất lần này có thể không ảnh hưởng nhiều tới thị trường.
Một, kịch bản tăng lãi suất được FED đề cập trước. Hai, điều nhà đầu tư chú ý hơn là lạm phát. Trong khi giá hàng hóa, giá dầu giảm mạnh, khả năng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong tháng tới.
“FED sẽ không vội vàng tăng lãi suất, theo đó sức tác động tới thị trường không còn cao, vì lãi suất tăng lạm phát tăng mới ảnh hưởng khiến suy thoái kinh tế. Còn hiện lạm phát hạ nhiệt lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng không đáng kể với suy thoái”, ông Minh nói.
Chuyên gia nhắc lại, đợt tăng lãi suất tháng 7 không ảnh hưởng nhiều tới thị trường, tâm lý nhà đầu tư được giải tỏa bớt. Theo đó ông Minh vẫn nghiêng về kịch bản vùng 1.100 là vùng cân bằng của thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank cho rằng, cần nhìn nhận giai đoạn hiện nay vẫn đang có mức độ rủi ro cao, khả năng suy giảm tiếp tục của chỉ số vẫn là điều cần được tính đến.
“Nếu VN-Index tiếp tục điều chỉnh, vùng hỗ trợ gần nhất dành cho chỉ số sẽ quanh khu vực 1.100 điểm, đây là mức sẽ đánh dấu việc chỉ số chính thức điều chỉnh 50% toàn bộ điểm số đã có được từ đáy của COVID vào tháng 4/2020 lên đến đỉnh cao nhất trên 1.500 điểm, đây là mức hỗ trợ có ý nghĩa khá cao. Trong một kịch bản xấu hơn, vùng 1.000 điểm cũng là một khả năng cần tính đến nhưng theo tôi xác suất cho kịch bản này ở mức thấp hơn”, ông Lâm nhận định.
1.500 - kịch bản tích cực nhất
Về triển vọng thị trường cuối năm, ông Nguyễn Thanh Lâm chỉ ra, thanh khoản trên sàn vẫn còn đang ở mức thấp, dòng tiền vẫn tiếp tục hoạt động ở mức chưa tốt. Có thể nhận thấy điều này thông qua hiện tượng là các “con sóng” diễn ra trên thị trường trong ngắn hạn thời gian qua luôn thiếu ổn định, các nhóm ngành hoặc các câu chuyện đầu tư chỉ có thể đi lên trong một khoảng thời gian ngắn và điều chỉnh mạnh bất ngờ lại sau đó. Bên cạnh việc do thị trường còn trong một pha nhiều bất định, chính việc dòng tiền không đủ mạnh mẽ đã khiến sự bất ổn dễ diễn ra hơn trong thời gian vừa qua.
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng, điểm tích cực là thanh khoản đang bắt đầu có dấu hiệu ngừng giảm. Thêm vào đó, tỷ trọng tham gia của nhóm các dòng tiền chuyên nghiệp (gồm khối ngoại) đang có dấu hiệu tăng thêm trong thời gian qua, điều này là một chỉ dấu tốt cho ngắn hạn. Dài hạn hơn, vẫn cần có thêm sự cải thiện chung về mặt thanh khoản để bàn về việc thị trường bắt đầu bước vào những đợt hồi phục đáng tin cậy hơn.
“Rất khó để đưa ra một đánh giá rõ ràng cho 6 tháng tới vì điều này phụ thuộc nhiều vào các biến số ở bình diện thế giới. Dù vậy trong một kịch bản trung tính khi lạm phát tại US sẽ sớm tạo đỉnh (có thể đã có trong tháng 6 hoặc tháng 7 hiện nay), chiến sự giữa Nga và Ukraine không leo thang lên các mức căng thẳng hơn và FED sau 1-2 tháng tới tiếp tục tăng lãi suất ở mức cao sẽ dần tiết chế, tôi nghiêng về khả năng VN-Index có thể đi ngang hoặc suy giảm nhẹ trong 1-2 tháng tới trước khi bắt đầu bước vào một pha hồi phục thực chất hơn cho khoảng 3 tháng cuối của năm 2022”, chuyên gia Maybank Investment Bank nhận định.
Dẫn thống kê, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, từ năm 1.900 đến nay, Dow Jones có 15 lần giảm trên 10% trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, có 15 trường hợp với xác suất cao 67% chỉ số Dow Jones hồi phục trong 6 tháng cuối năm với mức tăng trưởng trung bình 4,45%. Trong 6 tháng 2022, Dow Jones đã giảm 16%. Ông Minh cho rằng, khả năng cao TTCK Mỹ có kịch bản tích cực 6 tháng cuối năm, bất chấp FED có tăng lãi suất hay không.
“Tôi cho rằng TTCK Việt Nam cũng sẽ lặp tương tự với diễn biến TTCK Mỹ, do có sự biến động tương đồng nhau. Cả về xu hướng và thanh khoản TTCK Việt Nam có thể tích cực hơn. Tuy nhiên sau nỗi đau thường thị trường khó vượt đỉnh cao mới. Kịch bản tích cực nhất VN-Index có thể quay lại vùng cũ 1.500 điểm”, ông Minh nêu quan điểm.