Ông Nguyễn Trung Du nhận định thị trường hồi phục là điều chắc chắn trong điều kiện hàng hoá bắt đầu sụt giảm, lãi suất trái phiếu giảm và nỗi lo suy thoái được đẩy lên đỉnh điểm.
Những biến động của thị trường chứng khoán Mỹ cùng động thái nâng lãi suất từ FED thời gian qua đã tác động rõ rệt đến tâm lý nhà đầu tư trong nước. Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Nguyễn Trung Du – Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đánh giá rằng những số liệu vĩ mô trên làm tâm lý bị phân tán, người lo ngại sẽ đứng ngoài, người lạc quan hơn có thể tham gia một chút. Việc thanh khoản thị trường thấp là điều dễ hiểu khi những nhà đầu tư mang trạng thái cân bằng sẽ không tham gia. Ông Du đưa ra cái nhìn về tâm lý nhà đầu tư hoàn toàn khác so với giai đoạn 2 năm về trước. Khi đó, NĐT đều hào hứng giống nhau, cùng nhìn vào tương lai và triển vọng lạc quan bởi vậy dòng tiền vào thị trường rất dồi dào.
Đồng thời, chuyên gia nhận định việc thị trường hồi phục là điều chắc chắn trong điều kiện hàng hoá bắt đầu sụt giảm, lãi suất trái phiếu giảm và nỗi lo suy thoái được đẩy lên đỉnh điểm. Tuy nhiên, cá nhân ông không tin vào suy thoái, ông cho biết: "Dự báo GDP quý 2 của Mỹ vẫn dương, giá hàng hoá lại giảm, không có lí do gì FED không làm nền cho quá trình tăng lãi suất. Và các thị trường có cơ hội hồi phục 1-2 tháng là chuyện bình thường".
Xét về dòng tiền, ông Du cho biết định giá đang rẻ trong ngắn hạn đi cùng môi trường vĩ mô Việt Nam rất tích cực. Cụ thể, GDP quý 2 tăng trưởng 7,7%; lạm phát ở mức 3-4%; tỷ giá ổn định; dự trữ ngoại hối tốt và FDI tăng trưởng. Trong bức tranh vĩ mô sáng cửa, chuyên gia TVSI chia sẻ rằng chỉ cần thế giới "bình yên", Việt Nam sẽ toả sáng.
"Đầu tư sẽ nhìn vào đích đến, đầu cơ nhìn vào cách đi"
Tại châu Á, định giá cổ phiếu đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp tại tháng 6 và xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2020. Cụ thể, tỷ lệ P/E dự phóng 12 tháng tới của chỉ cố MSCI Châu Á – Thái Bình Dương đạt mức 12,1. Kết thúc tháng 6, tỷ lệ P/E của các thị trường như Hàn Quốc, HongKong, Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt ghi nhận mức 8,48; 9,94 và 10,02 và là mức thấp nhất trong khu vực. Trong khi P/E của Trung Quốc đại lục tăng lên 10,08 từ mức 9,38 ở tháng 5 nhờ các biện pháp nới lỏng Covid-19. Còn riêng với thị trường Việt Nam, P/E đang ghi nhận hơn 11 lần.
Theo ông Nguyễn Trung Du, định giá phụ thuộc rất nhiều yếu tố: lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng,... "Ở thị trường Việt Nam, giai đoạn trước lãi suất khoảng 5%, nghịch đảo của lãi suất P/E ở mức 18 lần thị trường vẫn hấp dẫn; lãi suất lên 7-8% tỷ lệ P/E ở mức 12 lần thị trường mới hấp dẫn. Về tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng 25-30% thì P/E 20 lần vẫn hấp dẫn, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng 0%, P/E 10 lần chưa chắc hấp dẫn, trái lại tăng trưởng âm, tỷ lệ P/E dù ở mức 7 lần vẫn đắt", ông nêu rõ.
Chuyên gia TVSI đánh giá chứng khoán là thị trường kỳ vọng và niềm tin, nếu nhà đầu tư tin rằng năm sau nền kinh tế diễn biến không tốt, các doanh nghiệp EPS sụt một nửa lập tức EPS hiện tại là EPS quá khứ và không còn rẻ nữa.
Ngược lại, nếu NĐT tin rằng năm sau tăng trưởng tốt so với năm nay, mặt bằng định giá hiện tại lại trở nên rẻ. "Chẳng qua là niềm tin của chúng ta vào năm sau. Nếu chúng ta nhìn 5 năm hay 10 năm, cái mà tôi thấy là nền kinh tế tốt hơn năm trước, định giá rất rẻ và tiềm năng. Đầu tư khác đầu cơ ở 1 điểm: Đầu tư sẽ nhìn vào đích tới, đầu cơ nhìn vào cách đi", ông Du quan điểm.
Chỉ số vĩ mô tốt kéo thị trường chứng khoán "thăng hoa"
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), trong 6 tháng đầu năm NĐT cá nhân trong nước mở mới gần 1,85 triệu tài khoản chứng khoán, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6 đạt 466.071 đơn vị, giảm 2% so với tháng 5 và là tháng có lượng tài khoản mở mới cao thứ 2 lịch sử.
Bàn luận về vấn đề này, ông Du cho rằng việc công nghệ E-KYC được phổ biến trong tài chính, bao gồm chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng cũng như sự liên kết giữa các CTCK và Ngân hàng góp phần tạo nên số lượng tài khoản mới tăng cao.
Về mặt tích cực, thị trường có thêm nhiều tài khoản mở mới giúp giao dịch sôi động hơn. Thực tế, từ đầu năm thanh khoản sụt giảm đến quá nửa, giảm 60% bằng mức giảm các cổ phiếu. Thanh khoản thể hiện dòng tiền đang dồi dào hay không, dù có nhiều tài khoản mà thanh khoản teo tóp chứng tỏ lượng tài khoản mở chưa có nhu cầu giao dịch. Như năm 2020-2021, các chủ nhà hàng bị đóng cửa, doanh nghiệp đình trệ, mọi người giao dịch rất nhiều. Thời điểm bây giờ, tiền rút ra để phục vụ sản xuất kinh doanh tương đối lớn, tiền mới vào ít và chưa thay thế hoàn toàn lượng tiền biến mất.
Về mặt kinh tế xã hội, nhà đầu tư rút tiền từ chứng khoán để tập trung phát triển kinh tế, tạo ra của cải vật chất. Theo góc nhìn tích cực của chuyên gia, ông cho biết: "Thực chất điều này tốt cho GDP và nền kinh tế. Đối với TTCK đang bị ảnh hưởng và trầm lắng, khi GDP đi lên cùng chỉ số ngành, chỉ số vĩ mô tốt sẽ kéo theo thị trường thăng hoa cùng".
Tại Việt Nam, ông Du chia sẻ những phát biểu về nền kinh tế đều đi đúng hướng và tốt hơn kỳ vọng. Trong điều kiện thế giới đang diễn biến bất ổn, thị trường khó có thể tránh khỏi sự trồi sụt. Ông Du khuyến khích NĐT theo trường phái trading nên nhìn đồ thị kỹ thuật hơn là đọc quá nhiều tin tức. Đặc biệt, nhiều trader chuyên nghiệp họ không đọc tin tức do tâm lý khi đọc và tham khảo các nhận định dễ dàng bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, chuyên gia chỉ ra 3 góc độ là thị trường thế giới, thị trường Việt Nam và từng cổ phiếu giao dịch nhiều khi không có sự liên thông. Đa phần các giai đoạn đi cùng chiều nhau nhưng lại có những giai đoạn VN-Index giảm, nhiều nhóm ngành vẫn đi ngang và tăng trưởng tốt. Ông Du nhắn nhủ NĐT có số vốn nhỏ cần tập trung vào cổ phiếu vững vàng hơn mặt bằng chung. Giai đoạn này, chiến lược chung về quản lý danh mục gắn liền với 2 chữ "phòng thủ". Song, cũng nên lạc quan với tỷ lệ 50-50 để dự phòng cho những điều bất ngờ.