Giá lợn hơi tăng từng ngày đang mang tới kỳ vọng cho nhiều hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp ngành chăn nuôi quy mô lớn. Không chỉ vậy, cổ phiếu ngành chăn nuôi cũng đang thu hút dòng tiền quay trở lại sau thời gian giảm mạnh.
Theo quan sát, từ 22/6 đến chốt phiên ngày 14/7, cổ phiếu
DBC của Dabaco tăng mạnh từ 16.600 đồng/cp lên 26.400 đồng/cp; cổ phiếu
HAG của Hoàng Anh Gia Lai tăng từ 8.000 đồng/cp lên 10.900 đồng/cp; cổ phiếu
BAF của Nông nghiệp BaF Việt Nam tăng từ 30.600 đồng/cp lên 37.100 đồng/cp; cổ phiếu
MLS của Chăn nuôi – Mitraco tăng từ 14.500 đồng/cp lên 22.000 đồng/cp. Trong đó, cổ phiếu
DBC và
HAG ghi nhận nhiều phiên tăng trần liên tiếp.
Cổ phiếu tăng cùng giá lợn
Đáng chú ý, vừa qua, thị trường chung biến động lớn khi chỉ số giảm mạnh, thậm chí VN-Index đã có phiên “phá đáy” tháng 5 (ngày 6/7). Tuy nhiên, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành chăn nuôi như
HAG,
DBC,
BAF… vẫn duy trì thị giá ổn định và thanh khoản tăng mạnh.
Giới phân tích cho rằng, cổ phiếu nông nghiệp, nhất là ngành chăn nuôi đang được chú ý bắt nguồn từ việc giá thịt lợn tăng.
Cổ phiếu chăn nuôi đang hồi phục mạnh trở lại.
Tính đến hết quý II/2022, giá lợn hơi gần như đi ngang trong vùng giá 53.000 - 57.000 đồng/kg và giảm 15 -18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng kể từ cuối tháng 6 có dấu hiệu tăng trở lại.
Khoảng 2 tuần gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng trên cả nước. Hiện tại, giá lợn hơi ở miền Bắc vẫn cao nhất cả nước, nhiều tỉnh thành đã đạt mức giá 70.000 đồng/kg như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình... Các tỉnh, thành còn lại dao động trong khoảng 58.000-59.000 đồng/kg.
Một chủ trang trại nuôi lợn gia công quy mô lớn cho biết, giá lợn hơi có xu hướng tăng mạnh là bởi thời gian trước gặp dịch bệnh, nhiều trại nuôi bán tháo khi lợn mới chỉ 60-80kg. Đến nay, nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lợn hơi tăng cao. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục được điều chỉnh tăng đẩy giá bán thịt lợn tăng theo.
Bên cạnh đó, do bị dồn nén khá lâu và Trung Quốc mở cửa nên thương lái gom hàng để xuất sang.
Thực tế, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng mạnh từ tháng 6 do các cơn bão và lụt xảy ra tại miền Nam. Đồng thời, tình hình dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất thế giới này khiến nhu cầu thịt lợn tăng mạnh trở lại.
Từ đầu tháng 7, giá lợn hơi của Trung Quốc đã vọt lên mức trung bình 71.300 đồng/kg, cao hơn mức cao nhất của lợn hơi tại Việt Nam. Tính đến ngày 12/7, giá thịt lợn hơi bình quân cả nước tại Trung Quốc đạt 80.300 đồng/kg, tăng 23% so với cuối tháng 6, theo AgroMonitor.
Hơn nữa, ngay từ khi mở cửa trở lại, ngành du lịch ghi nhận sự phục hồi đáng kể. Lượng khách du lịch tăng cao cũng như nhu cầu “ăn chơi” của người dân trở lại, các bếp ăn của các nhà hàng, khách sạn luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất dẫn tới giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh, trong đó có mặt hàng thịt lợn.
“Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu từ các bếp ăn, nhà hàng, khách sạn hồi phục, nhu cầu tiêu thụ trong nước đã tăng trở lại, dẫn tới giá lợn hơi tăng”, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá.
Theo đó, nhiều hộ chăn nuôi Việt Nam cho biết đã chuyển từ lỗ sang lãi. “Đối với các doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi, kỳ vọng đang được phản ánh vào giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán”, một chuyên gia của chứng khoán Mirae Asset nhận định.
Kỳ vọng tăng trưởng của doanh nghiệp
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gặp khó, giá phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt khiến người chăn nuôi đối mặt với thua lỗ kéo dài, thậm chí nhiều “đại gia” ngành chăn nuôi hàng đầu trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận tình trạng lợi nhuận quý I/2022 sụt giảm.
Điển hình, 3 tháng đầu năm 2022, Dabaco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 8,61 tỷ đồng, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 25,4% về chỉ còn 9,1% do giá vốn tăng.
Tương tự, mảng chăn nuôi của Tập đoàn Hòa Phát (
HPG) cũng ghi nhận lỗ và doanh thu giảm 28%.
Hay như Nông nghiệp
BAF Việt Nam cho biết, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm lần lượt là 38% và 6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, mức tiêu thụ thịt lợn trên đầu người của Việt Nam đã giảm từ 31,4kg trong năm 2018 xuống còn 26,8kg trong năm 2022. Bên cạnh đó, trong năm 2022, với tổng số 28,2 triệu con lợn dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn lợn hơi, vì vậy nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt.
Theo đó, trong báo cáo trước đây, SSI Research dự báo giá lợn hơi sẽ khó tăng đột biến, kể cả trong dịp Tết.
Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cho rằng giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến sẽ ổn định vào năm 2022. Trong đó, giá ngô dự kiến sẽ giảm 10% vào năm 2022, giá gạo dự báo sẽ giảm vào năm 2022.
Thực tế, hiện nay, giá nguyên liệu thô như ngô, lúa mì và đậu nành đã giảm lần lượt 7%, 30% và 8% so với mức đỉnh.
SSI Research ước tính, giá thức ăn chăn nuôi sẽ đi ngang và bắt đầu giảm trong quý IV/2022. Như vậy, chi phí chăn nuôi sẽ giảm, trong khi giá lợn hơi dự kiến tăng chậm đến cuối năm giúp các công ty chăn nuôi bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm 2022.
Hơn nữa, để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng, trong đó thuế suất nhập khẩu lúa mì giảm từ 3% xuống 0% và ngô từ 5% xuống 2%.
“Kỳ vọng mức thuế mới sẽ có tác động tích cực giúp hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, từ đó giảm áp lực chi phí đầu vào cho các công ty chăn nuôi. Theo đó, các công ty chăn nuôi như Dabaco có thể hưởng lợi từ điều này do 70-80% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu từ thị trường nước ngoài. Nhà đầu tư nên chú ý tới cổ phiếu
DBC”, một chuyên gia khuyến nghị.
Trong báo cáo gần đây về cổ phiếu
HAG, Chứng khoán Mirae Asset khuyến nghị với giá mục tiêu 12.300 đồng/cp, dựa trên phương pháp P/E với hệ số 11.2x (trung bình ngành) áp dụng trên EPS dự phóng pha loãng trung bình của năm 2022/23.
"Kỳ vọng
HAG tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận ròng ở mức 59% và 21% trong giai đoạn 2023 - 2024 nhờ sản lượng trái cây, lợn thịt tiếp tục tăng trưởng cao do mở rộng thị phần ở Trung Quốc và Việt Nam", báo cáo nêu.