Theo khảo sát từ CME Group, hiện có trên 50% tin rằng FED sẽ tăng 0,75% ở kỳ họp tới và dưới 50% tin rằng FED sẽ tăng 1%. Mặc dù vậy, việc VN-Index không phản ứng tiêu cực cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã vững vàng hơn rất nhiều.
Sau nhiều tuần giảm điểm, chứng khoán Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trong tuần 11-15/07/2022. Cụ thể, VN-Index tăng nhẹ 0,68% so với cuối tuần giao dịch trước, về lại mức 1.179,25 điểm. Trong khi đó, HNX-Index kết thúc tuần với 284,4 điểm, tương ứng tăng 2,38%.
Không chỉ về điểm số, thanh khoản trên cả 2 sàn cũng đều ghi nhận những chuyển biến tích cực trong tuần qua. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 3,2% so với tuần trước đó với 57.669 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11,2% lên 2.621 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 24,9% so với tuần trước đó với 6.646 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 14,3% lên 337 triệu cổ phiếu.
Dòng tiền đang về lại thị trường, VN-Index "sáng cửa" hồi phục quanh ngưỡng 1.200 điểm
Trong tuần qua, một thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường tài chính là việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1981. Thông tin này đã khiến cho quan điểm của thị trường về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hành động trong kỳ họp tiếp theo thay đổi chóng mặt.
Theo khảo sát từ CME Group, hiện có trên 50% tin rằng FED sẽ tăng 0,75% ở kỳ họp tới và dưới 50% tin rằng FED sẽ tăng 1%. Mặc dù vậy, việc VN-Index không phản ứng tiêu cực cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đã vững vàng hơn rất nhiều.
VN-Index có tuần hồi phục nhẹ với thanh khoản cải thiện (Nguồn: SHS)
Nhóm ngành hóa chất tăng tích cực nhất tuần khi vốn hoá tăng 5,53%, chủ yếu là do các doanh nghiệp trong ngành phân bón như DPM (+8,62%), LAS (+6,45%) và DCM (+4,01%). Đà tăng này chủ yếu là do kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của nhiều công ty sẽ vượt kế hoạch.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng lượng xuất khẩu phân bón trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức 998.000 tấn với kim ngạch 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Đặc biệt, con số này cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt qua con số của cả năm 2021 (sản lượng đạt 1,4 triệu tấn và giá trị 559 triệu USD).
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp DPM (Đạm Phú Mỹ) và DCM (Đạm Cà Mau) gần đây đã được Forbes Việt Nam bình chọn vào Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2022 khi có có kết quả kinh doanh và tăng trưởng tốt nhất trong năm 2021 và giai đoạn 2016-2020.
Ngược lại, cổ phiếu nhóm ngành bán lẻ là nhóm giảm điểm mạnh nhất trong tuần, với mức giảm 5,04% khi cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn đều giảm như DGW (-7,9%), MWG (-5,4%), FRT (-7,3%). Đây có thể là kết quả của các thông tin như lạm phát tăng, thị trường bán lẻ đặc biệt là điện thoại đang ở trong mùa thấp điểm của năm, DGW cho biết do sức mua các sản phẩm laptop sụt giảm nên doanh thu của công ty quý 2 giảm 32% so với quý 1, MWG cho biết đã đóng cửa 316 cửa hàng Bách Hóa Xanh kể từ tháng 4 tới giữa tháng 7…
Mặc dù vậy, ngân hàng và bất động sản mới là hai nhóm ngành có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của chỉ số. Ngân hàng có 3 cổ phiếu góp mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực, gồm CTG, BID và SHB. Tổng cộng, 3 cổ phiếu này đã mang về cho chỉ số hơn 3 điểm. Còn 4 cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản là BCM, KBC, DIG và VGC đã đóng góp gần 3 điểm kéo tăng cho chỉ số.
Xét về cổ phiếu riêng lẻ thì HNG (Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai) chính là “ngôi sao” của tuần khi tăng hơn 22% cùng khối lượng giao dịch liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất. Nhóm cổ phiếu chăn nuôi cũng đang thu hút dòng tiền trong thời gian qua.