Lo sợ tình trạng lạm phát kéo dài, nhiều người trẻ Thổ Nhĩ Kỳ đã nghĩ đến việc rời bỏ quê hương để đến một đất nước khác sinh sống và làm việc.
Do bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm năng lượng và thực phẩm toàn cầu đi kèm với sự mất giá của đồng Liras, tỷ lệ lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã chạm mốc hơn 70%, mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ với tình trạng lạm phát như hiện nay, họ sẽ rơi vào cảnh nghèo đói kéo dài, nhiều người đã nghĩ đến việc rời bỏ quê hương để đến một đất nước khác sinh sống và làm việc, đặc biệt là giới trí thức có chuyên môn và tay nghề cao. Đây chính là thời điểm vàng để các công ty nước ngoài chiêu mộ nhân tài.
Bà Elif Cindik-Herbrueggen - Bác sĩ chuyên khoa thần kinh và tâm lý đang ở Thổ Nhĩ Kỳ để tìm kiếm các bác sĩ muốn làm việc tại phòng khám chuyên khoa thần kinh của bà ở Munich, Đức.
Bà cho biết: "Tôi đã bay từ Đức tới Ankara. Phòng khám của chúng tôi đang thiếu rất nhiều bác sĩ lành nghề, nếu chúng tôi không tìm được nhân viên giỏi từ nước ngoài, chúng tôi sẽ gặp khó khăn".
Hôm nay, bà Herbrueggen sẽ có cuộc hẹn với cô Aslinur Yilar, một sinh viên tốt nghiệp ngành tâm lý học đang mong mỏi được rời Thổ Nhĩ Kỳ càng sớm càng tốt. "Chúng tôi có nhiều bệnh nhân Thổ Nhĩ Kỳ không nói được nhiều tiếng Đức, bạn sẽ làm việc với họ".
Cô Aslinur Yilar - Nhà tâm lý học nói: "Vào thời điểm này thật không dễ để công dân Thổ Nhĩ Kỳ có được thị thực làm việc tại Đức. Điều này khiến tôi lo lắng. Tuy nhiên tôi vẫn muốn tới Đức làm việc".
Không lâu sau đó, người ta có thể hiểu vì sao cô Yilar lại muốn rời đi như vậy. Hai tách trà với giá tương đương gần 3 USD (khoảng 70 nghìn VNĐ). Đây là mức giá quá cao đối với một sinh viên trẻ mới tốt nghiệp và đang làm việc trong một văn phòng tư vấn cho sinh viên. Những ngày này, đa số các nhà hàng và quán cà phê tại Thổ Nhĩ Kỳ đều vắng khách, điều này cho thấy tâm lý lo ngại của thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi muốn đến Đức, chủ yếu vì lý do kinh tế. Giống như tất cả những thanh niên trẻ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ", Aslinur Yilar cho biết thêm.