Giá nhiều kim loại công nghiệp cơ bản tiếp tục giảm xuống trong phiên giao dịch cuối tuần này khi thị trường ngày càng lo ngại nhu cầu sử dụng sẽ giảm xuống khi tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Diễn biến giá kim loại đồng trên sàn LME từ đầu năm đến nay; hiện giá đồng đang tiệm cận mức thấp nhất trong 17 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Bloomberg)
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá kim loại đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME, Anh) giảm 2,5% xuống còn 8.048 USD/tấn. Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá kim loại đồng giao tháng 8/2022 cũng giảm 4% xuống còn 61.630 Nhân dân tệ (9.190 USD)/tấn.
Giá một số kim loại công nghiệp quan trọng khác được giao dịch trên sàn LME cũng đã giảm xuống trong phiên giao dịch cuối tuần này, gồm giá nickel giảm 3,9%, giá thiếc giảm 4% và giá nhôm giảm 0,1%.
Tính chung cả quý 2 vừa qua, giá kim loại đồng trên thị trường quốc tế đã giảm tới 20% - xác lập mức giảm giá theo quý cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đồng là một trong những kim loại công nghiệp được sử dụng phổ biến nhất trong các hoạt động sản xuất chế tạo, do đó, giá kim loại này thường được xem là chỉ báo quan trọng phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều chuyên gia phân tích nhận định giá đồng nói riêng và giá các kim loại công nghiệp khác nói chung có thể sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương lớn đang mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ và cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chuyên gia phân tích Edward Meir thuộc hãng môi giới giao dịch hàng hoá ED&F Man (Anh) nhận định “Tình trạng bán tháo trên thị trường kim loại công nghiệp đang có dấu hiệu tăng lên trong tháng 7”.
Đà giảm giá của các kim loại công nghiệp đã được kìm hãm phần nào nhờ dữ liệu cho thấy tăng trưởng hoạt động sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 6 đạt mức cao nhất 13 tháng. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu kim loại công nghiệp hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, hãng tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) cho rằng việc tăng trưởng hoạt động sản xuất chế tạo tại Trung Quốc đạt mức cao chủ yếu phản ánh tác động của việc nước này nới lỏng các biện pháp phong toả chứ không thể hiện rằng nền kinh tế đang phục hồi. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc khẳng định theo đuổi chiến lược Zero-Covid khiến các hoạt động sản xuất chế tạo tại đây có nguy cơ tiếp tục bị đình trệ trong thời gian tới, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng kim loại.
Đối với mặt hàng kim loại đồng, hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh TF Futures Co. (Trung Quốc) dự báo trong trường hợp nền kinh tế Hoa Kỳ và khu vực châu Âu “hạ cánh cứng” – suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và tăng trưởng nhu cầu sử dụng kim loại của Trung Quốc không đủ mạnh để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu ở những nền kinh tế khác thì thị trường đồng sẽ rơi vào tình trạng dư cung 10% tổng nguồn cung đồng toàn cầu trong vòng 2 năm tới.
Trong quý 2/2022, chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index đã giảm 23% - xác lập mức giảm theo quý mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ số giá kim loại này giảm xuống theo quý.
Chỉ số giá kim loại London Metal Exchange Index đo lường sự biến động giá của 6 kim loại công nghiệp chính được giao dịch trên Sàn giao dịch kim loại London Metal Exchange (LME, Anh), gồm: nhôm, đồng, chì, nickel, thiếc và kẽm. Trong quý 2, giá thiếc đã giảm tới 38% - trở thành mặt hàng kim loại công nghiệp mất giá mạnh nhất; theo sau là nhôm (giảm 30%) và đồng (giảm 20%).