Có thể đạt kỷ lục xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2022, nhưng ngành thủy sản gặp thách thức về thức ăn chăn nuôi, logistics cũng như các vấn đề môi trường, tín dụng.
Toàn cảnh hội nghị sáng 11/8 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ. Ảnh: VGP.
Nhiều thời cơ, lắm thách thức
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 279 thành viên trong hiệp hội đang góp hơn 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Trong 7 tháng đầu năm 2022, ngành thủy sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Đáng kể nhất là mức xuất khẩu kỷ lục trong vòng 20 năm qua, đạt 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này giúp Việt Nam nằm trong tốp 3 nước xuất khẩu thủy sản, sau Trung Quốc và Na Uy.
Thứ nữa, là tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp trong nước. Trong cơ cấu chung của nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm từ 26-30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Với thủy sản, con số này lên tới hơn 95%.
Trên cơ sở nội lực hiện tại cũng như dư địa thị trường của ngành thủy sản, ông Nam dự báo lần đầu tiên Việt Nam sẽ vượt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng khoảng 12-15% so với cùng kỳ. Trong đó, sản phẩm nuôi trồng thủy sản là cá tra và tôm chiếm khoảng 65%.
Riêng cá tra, một mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng 80% trong 7 tháng vừa qua.
"Dư địa của thị trường đối với thủy sản còn nhiều. Cơ hội của chúng ta không ít. Nhưng để giành được điều đó trong bối cảnh vừa phát triển bền vững, vừa cạnh tranh với quốc tế, chúng ta gặp không ít thách thức", ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng sáng 11/8. Ảnh: VGP.
Hai khó khăn chính được VASEP nêu tại Hội nghị với Thủ tướng là chi phí sản xuất và logistics.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, thức ăn chăn nuôi tăng trung bình khoảng 20% so với trước dịch. Điều này tác động tiêu cực bởi thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65-70% giá bán thành phẩm của cá tra, tôm.
Về logistics, chi phí vận tải biển và nhân công tăng liên tục trong 2 năm qua. VASEP cho biết, phí vận tải 1 container đến bờ Tây nước Mỹ hiện khoảng 400 triệu đồng; đến châu Âu là từ 230 - 280 triệu đồng. Các chi phí đầu vào liên qua như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.
"Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm, có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thức ăn chăn nuôi", ông Nam bày tỏ.
Nỗi lo về vốn, môi trường
Về định hướng những tháng cuối năm, Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nêu nỗi lo về môi trường và vốn. VASEP cho biết, hiện cả hai mảng của ngành thủy sản là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các vấn đề môi trường, cụ thể là nước thải đầu ra.
"Nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác. Nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh", ông Nam nêu vấn đề.
Về vấn đề vốn, do tín dụng tại hầu hết các nước trên thế giới siết lại từ đầu tháng 8, nhu cầu tiêu dùng giảm khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10 và phải xử lý hàng tồn kho.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.
"Nếu không có tiền trả khoản vay cũ cho ngân hàng, doanh nghiệp không được cho vay khoản mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của người dân", ông Nam nói tiếp.
Chung nỗi lo về vốn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ khó khăn về cân đối tài chính do bị đọng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Còn Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam phản ánh, rằng các doanh nghiệp xây dựng không được ưu tiên như nhóm sản xuất, nên đa số bị ngân hàng từ chối cho vay với nguyên nhân "cạn room", hoặc cho vay với lãi suất cao.
Những khó khăn này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. Ông đề nghị các Bộ, ban, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại lâu năm.
Cam kết đồng hành với doanh nghiệp
Lắng nghe những ý kiến từ doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, không riêng gì thủy sản, trong lâm sản và những mặt hàng nông nghiệp khác, doanh nghiệp nội chiếm tỉ trọng vượt trội.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng bày tỏ quan điểm với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thời gian tới. Ông nói: "Chúng tôi mong muốn sự đồng hành, kiến tạo, sự phát triển nông nghiệp nông thôn. Chúng tôi quan niệm rằng, một mình Bộ không thể cải hóa được các vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp và con đường phát triển của nông nghiệp không thể thiếu các hiệp hội, ngành hàng, thiếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp".
Xác định doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng không phải đối tượng để quản lý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem đây là đối tác cùng song hành từ dự thảo hoạch định chính sách, cơ chế, thể chế cho tới quy hoạch phát triển ngành.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời các vấn đề liên quan tới xử lý chất thải của ngành thủy sản. Ảnh: VGP.
Chi tiết hơn về vấn đề chất thải ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, chất lượng môi trường của Việt Nam phải hài hoà với các thị trường mà Việt Nam đang trao đổi, làm ăn. Đó là tiền đề để tham gia thương mại toàn cầu, vượt qua các hàng rào thương mại.
"Nếu chúng ta không có được tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với các thị trường khác về môi trường thì sẽ khó khăn, và phát sinh các hàng rào như về biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác nữa", Bộ trưởng Hà chia sẻ.
Về lãi suất tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu khó khăn trong thời gian lạm phát hiện nay. Doanh nghiệp vay muốn giảm lãi suất, nhưng người gửi tiền thời điểm này cần có mức lãi suất phù hợp.
"Ngân hàng Nhà nước hứa điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng", bà Hồng nhấn mạnh.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra 6 nhiệm vụ ngắn hạn và 3 giải pháp trong dài hạn. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, bền vững là con người, cùng với công nghệ và phương thức, mô hình kinh doanh.