Ngày 12/8, 5 công ty nhà nước của Trung Quốc đã ra thông báo hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng về các vấn đề kinh tế và ngoại giao.
5 doanh nghiệp này gồm Tập đoàn dầu khí Sinopec, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ (China Life Insurance), Tập đoàn nhôm (Aluminium), Công ty xăng dầu PetroChina và Công ty Sinopec Thượng Hải. Các công ty này cho biết sẽ đệ đơn xin hủy niêm yết tự nguyện với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Mỹ trong tháng này, nhưng sẽ tiếp tục niêm yết ở các thị trường chứng khoán tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục.
Theo tuyên bố của PetroChina, công ty này đã thông báo cho Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) cùng ngày về việc nộp đơn xin hủy niêm yết, đồng thời dự định sẽ nộp một biểu mẫu lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) vào khoảng ngày 29/8 và hoàn tất việc hủy niêm yết trong vòng 10 ngày sau đó.
Thông báo về việc hủy niêm yết của 5 công ty nói trên không đề cập đến tranh chấp kiểm toán giữa hai nước, nhưng trước đó, hồi tháng 5/2022, 5 công ty này đã bị cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ cảnh báo về việc không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán.
Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) trong một tuyên bố đưa ra ngay sau đó cho biết: “Các công ty này đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc và yêu cầu của cơ quan quản lý kể từ khi niêm yết tại Mỹ. Việc hủy niêm yết là cân nhắc kinh doanh của từng công ty”. CSRC cũng cho biết sẽ “giữ liên lạc với các cơ quan quản lý nước ngoài có liên quan”.
Theo truyền thông Trung Quốc, trước thông báo của 5 doanh nghiệp trên, hơn 20 công ty nước này niêm yết tại Mỹ đã tìm cách niêm yết ở Trung Quốc đại lục hoặc Hong Kong. Con số này có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới vì SEC đã đưa 159 công ty của Trung Quốc vào danh sách theo dõi hủy niêm yết vào cuối tháng 7.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nếu chính phủ Mỹ tiếp tục thúc đẩy “tách rời tài chính” giữa hai nước, sẽ gây ra thiệt hại lớn cho cả hai thị trường. Hiện có khoảng 250 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ theo hình thức trực tiếp hoặc thông qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán.
Trong khi đó, một số chuyên gia nước ngoài cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ quyết định công ty nào được phép niêm yết ở Mỹ, những công ty có các thông tin nhạy cảm sẽ không muốn đưa sổ sách của mình cho phía Mỹ giám sát về kiểm toán./.