Cây tre nổi tiếng với khả năng chống biến đổi khí hậu, hấp thụ khí các bon. Sản phẩm từ tre cũng đa dạng, có giá trị xuất khẩu cao.
Theo Bộ NN-PTNT, hiện nay, tổng diện tích trồng tre trên cả nước đạt gần 1,6 triệu ha, phân bố hầu hết các tỉnh thành. Trong đó, có 37 tỉnh có diện tích trên 10.000ha. Hàng năm khai thác từ 500 - 600 triệu cây với khoảng 2,5 - 3 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu từ 300 - 400 triệu USD/năm và chủ yếu xuất khẩu sang EU với 25% tỷ trọng; Hàn Quốc và Nhật Bản cũng nhập khẩu lớn với tỷ trọng khoảng 15% mỗi nước. Với xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững, các chuyên gia nhận định, sản phẩm từ tre ngày càng được các thị trường ưa chuộng.
Cây tre được biết đến là một loại cây nổi tiếng với khả năng chống biến đổi khí hậu vì có thể hấp thụ lượng khí CO2 lớn hơn rất nhiều, cụ thể từ 1,5 - 2 lần so với bất kì một loại cây nào khác trong cả vòng đời sinh trưởng. Ngoài ra, cây tre có khả năng nhả khí oxy nhiều hơn 35% so với cây khác và còn giúp cải tạo đất trong nông nghiệp.
Có thể nói cây tre là nguyên liệu tái sinh của tương lai vì tre có tốc độ mọc và trưởng thành nhanh nhất trong các loại cây, chỉ từ 3 - 5 năm. Bên cạnh đó, cây tre có thể tự tái sinh mà không cần phải trồng lại sau khi thu hoạch. Tre cũng không mất nhiều công chăm sóc cũng như không cần sử dụng thuốc BVTV.
Đặt biệt, tác dụng của tre còn là có thể trở thành nguyên liệu cho rất nhiều lĩnh vực, là nguyên liệu để làm từ những vật dụng nhỏ nhất như quyển vở, bình nước, quần áo, đồ nội thất, ngoại thất đến nguyên liệu sinh học, xăng sinh học, mỹ phẩm, dược phẩm cũng như thực phẩm như măng, bia, rượu…
Tại Việt Nam, cây tre được trồng và có thể sinh trưởng, phát triển tốt trên tất cả các loại đất như đất đồi, đồng bằng, miền núi, trung du…
Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (Công ty Sao Thái Dương) đang lên kế hoạch trồng 2 tỷ cây tre với tổng diện tích lên đến 500.000ha. Khu vực dự kiến trồng sẽ rải từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến toàn bộ miền Trung. Đây được xem là những tỉnh có khí hậu thích hợp để trồng tre.
Bên cạnh giống tre luồng, công ty sẽ kết hợp trồng giống tre khổng lồ với tên khoa học là dendrocalamus asper (hay còn gọi là tre Mạnh Tông). Hiện doanh nghiệp đang trồng thử nghiệm 20ha tre Mạnh Tông tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Các nghiên cứu cho thấy, cây tre có thể trưởng thành rất nhanh, chỉ trong khoảng 3 tháng, một cây tre có thể đạt độ cao từ 15 - 20m. Cây tre được trồng tại Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Đó cũng chính là lí do để cây tre Việt Nam hút nhiều CO2 và tạo ra nhiều khí oxy hơn.
Tuy nhiên để cây tre thực sự trưởng thành trong lõi cây, để cây già đi và có thể sử dụng làm nguyên liệu thì phải mất 3 năm. Một bụi tre từ khi bắt đầu trồng đến khi có thể thu hoạch sẽ phải mất từ 6 - 7 năm và để hoàn thiện thành một bụi lớn, đủ để khai thác 30% mỗi năm thì cần 9 - 10 năm. Chính vì vậy, Chương trình 2 tỷ cây tre của Công ty Sao Thái Dương sẽ kéo dài trong vòng 10 năm.
Theo đó, công ty sẽ hợp tác, kí hợp đồng hợp tác từ 10 - 20 năm với người dân, các HTX, các doanh nghiệp có đất để trồng tre, từ đó cùng chia sẻ lợi ích với nhau. Đồng thời, công ty sẽ cung cấp cho các hộ dân và doanh nghiệp giống, chi phí chăm sóc, phân bón, kỹ thuật... để trồng trong 10 năm triển khai Chương trình.
Phương thức trồng và chăm sóc cây tre sẽ có ảnh hưởng lớn đến năng suất, thế nên công ty sẽ đưa những chuyên gia, áp dụng những công nghệ tiên tiến để giúp người nông dân trồng tre hiệu quả, đảm bảo cây tre sẽ phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao. Công ty sẽ không sử dụng nhiều phân bón hóa học, thay vào đó là sử dụng phân vi sinh và sử dụng lớp chất tái tạo hữu cơ của chính cây tre để tạo ra phân bón, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng.
Ngoài ra, bên cạnh trồng tre, Công ty sẽ kết hợp trồng xen kẽ các cây bản địa, cây dược liệu của địa phương phù hợp dưới bóng cây tre nhằm theo đuổi mục tiêu rừng tre đa dạng sinh thái với nhiều tầng, nhiều lớp cây để tạo ra khu rừng sau 10 năm triển khai Chương trình.
Công ty sẽ hợp tác, kí hợp đồng hợp tác từ 10 - 20 năm với người dân, các HTX, các doanh nghiệp có đất để trồng tre.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Sao Thái Dương, cây tre không chỉ giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho quê hương đất nước, làm giàu cho những vùng nghèo và khó khăn nhất của Việt Nam.
“Chúng tôi đã giúp những gia đình hiện đang hợp tác với Nhà máy chế biến tre ở Thanh Hóa, những người trước đây có thu nhập chưa đến 100.000 đồng/ngày, thành những người có mức thu nhập từ 500.000 - 1 triệu đồng/ngày”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa thông tin.
Hiện mỗi ngày, công ty có thể tiêu thụ 2.000 tấn tre cho bà con. Với sức tiêu thụ lớn như vậy, công ty đã đưa ra cam kết, bà con trồng tre ở đâu, công ty sẽ đặt nhà máy ở đó để thu mua và bao tiêu 100% tre cho bà con nông dân.
Bên cạnh việc trồng tre để phục vụ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, điều làm ông Nguyễn Trọng Nghĩa trăn trở là việc trồng tre phải giúp cải thiện môi trường, giúp bà con nâng cao thu nhập.
Mảnh đất miền Trung được xem như một miền đất hứa để có thể trồng cây tre. Lí do là vì đặc tính càng có nhiều nước, cây tre càng phát triển mạnh mẽ hơn. Theo đó, cây tre sẽ giúp hấp thụ nước, tái tạo và bảo vệ rừng đầu nguồn tại khu vực này.
“Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy câu chuyện bão lũ, ngập lụt tàn phá tài nguyên, tài sản của người dân hàng năm. Thay vì năm nào cũng đi từ thiện thì chúng ta phải làm sao để bà con nơi đây có phương án tự làm giàu, tự thoát khỏi khó khăn, nghèo khó. Câu trả lời chính là cây tre!”, đại diện Công ty Sao Thái Dương khẳng định.
Theo kế hoạch, công ty sẽ trồng tre phủ khắp khu vực miền Trung, đặc biệt tập trung tại các triền đồi để góp phần chắn các đợt lũ lụt cuốn đất đá trôi xuống, qua đó giảm thiểu nguy cơ sạt lở, bảo vệ tài sản cho người nông dân khỏi thiên tai, mưa lũ.