Báo cáo tài chính bán niên 2022 của một số ngân hàng vừa công bố ghi nhận mức tăng trưởng vốn huy động trên 20%, trong đó nguồn tiền gửi qua các ngân hàng số đóng góp đáng kể.
Báo cáo của Ngân hàng Bản Việt cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tổng huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư có mức tăng 25% so với cùng kỳ, trong đó số lượng khách hàng mới tăng trưởng hơn 55%, đặc biệt nhờ vào sự đẩy mạnh trên các kênh số.
Theo ngân hàng này, từ khi hệ thống ngân hàng tự động Digimi+ chính thức đưa vào sử dụng đầu năm nay, số lượng khách hàng giao dịch thường xuyên và tổng số lượng giao dịch trên kênh trực tuyến của ngân hàng này tăng gấp 3 lần so với năm trước. Số lượng khách hàng đăng ký giao dịch trên kênh trực tuyến hàng tháng cũng tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Nguồn tiền gửi thanh toán tăng mạnh ở một số ngân hàng.
Còn theo báo cáo tài chính quý II của VPBank, tính đến thời điểm 30/6, tiền gửi khách hàng tăng 22% so với đầu năm.
Ngân hàng này thời gian qua cũng đẩy mạnh số hóa để thu hút khách hàng cá nhân, theo đó, hiện nay ngân hàng có 21 triệu khách hàng, số lượng đăng ký sử dụng ngân hàng số tăng 63%, giao dịch trên nền tảng số tăng gần 80% so với cùng kỳ.
Tuy vậy, bên cạnh những ngân hàng có mức tăng trưởng cao trong huy động vốn thì một số ngân hàng huy động vốn lại tăng rất thấp, dù có mạng lưới khách hàng rộng lớn và cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ.
Chẳng hạn, báo cáo tài chính quý II của MB cho thấy tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3,2%, ACB tăng 2,2%, Techcombank tăng 2%, Vietcombank tăng 5%, Sacombank cũng có mức tăng 6,7% so với cuối năm ngoái.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng việc huy động vốn trong nửa đầu năm nay của một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng khá cao là do hoạt động của ngân hàng số tăng tiện ích cho khách hàng gửi tiền, rút tiền không cần đến quầy và áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi thu hút người dùng.
Mặt khác, một lãnh đạo ngân hàng tại TP.HCM cho biết, nguồn tiền gửi thanh toán tăng mạnh ở một số ngân hàng trong quý II vừa qua còn có yếu tố giải ngân đầu tư công. Theo đó, các nhà thầu, thi công luân chuyển vốn ngân sách giải ngân trên tài khoản ngân hàng chờ thanh toán thực hiện công trình, từ đó góp phần đẩy tiền gửi một số ngân hàng tăng nhanh trong nửa đầu năm nay.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước đến ngày 30/6/2022 ước đạt hơn 151 ngàn tỷ đồng.
Ngoài ra, một số ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng huy động vốn cao còn đến từ yếu tố lãi suất tiết kiệm hấp dẫn. Lãi suất huy động áp dụng đối với khách hàng cá nhân đến cuối tháng 7/2022 ở một số ngân hàng đã tăng lên trên 7% đối với kỳ hạn trên 6 tháng.
Chẳng hạn Vietcombank vừa điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng lên 5,6%/năm so với mức 5,4%/năm trước đó. Các ngân hàng Agribank, BIDV trước đó cũng đưa lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,6%/năm.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, trong những tháng đầu năm nay, VietinBank không có chủ trương tăng lãi suất huy động nhưng nếu thị trường huy động vốn căng thẳng quá ngân hàng cũng phải tính toán lại.
Phát biểu tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành trung ương về ổn định kinh tế vĩ mô ngày 30/7, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, lãi suất đồng USD vừa qua bình quân cứ hai tháng tăng 0,75%, tương đương với 4%/năm, là một điều chưa từng có trong lịch sử Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này gây áp lực cho các đồng tiền khác.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài, những diễn biến nói trên là một thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ. Vì thế, các NHTM phải điều tiết lãi suất ngắn hạn để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Hiện, mặt bằng lãi suất điều hành ở Việt Nam tương đối ổn định.
Thống đốc NHNN cũng cho biết, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng luỹ kế 7 tháng đầu năm 2022 ước tăng 4,21%; Tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi doanh nghiệp và dân cư) đã chiếm 99%. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26/7 đạt 9,42% so với đầu năm nay, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Nhu cầu vốn vay tăng cao cũng là một áp lực của các ngân hàng.
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần 25-29/7 của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI nhận định: NHNN đã có những động thái linh hoạt trên thị trường mở (OMO) để điều tiết thanh khoản cũng như hạ nhiệt sức ép từ tỷ giá. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần vượt 5% nhưng đã hạ dần về cuối tuần.
Kết thúc tuần qua (29/7), lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 4,2%, tăng khoảng 140 điểm cơ bản so với tuần trước đó và chênh lệch lãi suất VND/USD duy trì ở mức dương gần 200 điểm cơ bản.