Trước đây, do địa hình cách trở, chính sách bán hàng chưa phù hợp nên phân bón Lâm Thao mặc định chỉ mạnh ở miền Trung, miền Bắc, còn trong Nam ít dấu ấn...
Chuẩn bị xuất hàng từ nhà máy. Ảnh: Dương Đình Tường.
Theo đó, ranh giới cung ứng sản phẩm của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ở trong Nam là từ TP Hồ Chí Minh trở ngược ra miền Trung, Tây Nguyên; Nhiều vùng tuy có sự xuất hiện nhưng mật độ mỏng, còn đồng bằng sông Cửu Long hầu như để trống, chưa thiết lập nổi nhà phân phối.
Hai năm vừa rồi mức độ tiêu thụ sản phẩm của Lâm Thao ở khu vực này tăng nhiều do chiến lược bán hàng thay đổi, do chất lượng được cải thiện và giá bán hợp lý hơn. Cụ thể như: Ở Lâm Đồng, nhà phân phối là Công ty TNHH Như Linh năm 2020 tiêu thụ 11.325 tấn, năm 2021 tiêu thụ 12.932 tấn thì chỉ trong 6 tháng năm 2022 đã tiêu thụ 10.697 tấn; Ở Đắk Nông Công ty TNHH TM Tấn Tài năm 2020 tiêu thụ 779 tấn, năm 2021 tiêu thụ 5.778 tấn, 6 tháng đầu năm 2022 tiêu thụ 7.350 tấn; Ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ Công ty TNHH TMDV Nghĩa Phát năm 2020 tiêu thụ 5.682 tấn, năm 2021 tiêu thụ 9.215 tấn, 6 tháng năm 2022 tiêu thụ 5.157 tấn…
Xưa chính sách bán hàng của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là không phân vùng nên nhà phân phối mạnh ai người nấy bán, cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí “dẫm vào chân nhau”. Nhận thấy bất cập ấy, từ năm 2021 đơn vị bắt đầu thực hiện phân vùng, giao cho mỗi nhà phân phối một vùng, một mức sản lượng và quản lý bằng công cụ tem thông minh để tránh lấn vùng, từ đó mọi chuyện dần vào quy củ.
Nhiều người ví, thị trường Tây Nguyên là cái bánh lớn, mỗi công ty phân bón “cắn” một miếng. Lâm Thao mạnh vì supe lân, hễ nói đến supe lân người ta nghĩ ngay đến Lâm Thao, còn nói đến NPK dân miền Nam, Tây Nguyên nghĩ ngay đến NPK Bình Điền, Việt Nhật bởi nó đã ăn hằn sâu vào trong não của họ từ lâu về chất lượng. Còn NPK của Lâm Thao ở đây lại là thương hiệu khá mới, vận chuyển từ khoảng cách rất xa đến nên chi phí logistic ăn vào giá bán, khá khó để chen chân vào.
Người trồng cà phê ở Tây Nguyên bắt đầu thích dùng phân Lâm Thao. Ảnh: Tư liệu.
Do sản xuất hàng hóa lớn nên thói quen chăm bón cho cây của nông dân trong Nam cũng khá khác với nông dân ngoài Bắc. Anh Trần Đình Phú-chủ vườn cà phê rộng 1 ha ở phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng là người đã gắn bó với phân bón Lâm Thao từ lâu nên có thể kể vanh vách về kỹ thuật bón phân khép kín chẳng kém cạnh gì kỹ sư nông nghiệp: “Mình chỉ nghĩ đơn giản, cha mẹ nghèo khổ rồi thì mình phải cố gắng thật nhiều để thoát nghèo. Sản xuất nông nghiệp cũng gian nan lắm nhưng mình học hỏi thêm rồi cũng làm được. Từ ngày tiếp cận với khoa học kỹ thuật, mình biết trồng cà phê không thể có năng suất cao, phát triển bền vững nếu không chăm bón đúng phương pháp, trong đó việc sử dụng phân bón phù hợp, đúng lúc cây cà phê cần rất quan trọng.
Những năm qua mình đã sử dụng phân bón Lâm Thao theo kinh nghiệm kết hợp với sự hướng dẫn của các cơ quan khuyến nông và cán bộ thị trường của Công ty. Sử dụng đúng cách không những đem lại năng suất mà còn giúp cây cà phê kháng tốt bệnh gỉ sắt và nấm hồng, lượng phân bón cũng tiết giảm được khoảng 20%. Hiện nay, vườn cà phê của gia đình mình chỉ còn ba tháng nữa sẽ cho thu hoạch”. Những kinh nghiệm của anh Phú không có gì quá khó, ai cũng có thể áp dụng theo được và vườn nhà anh là mô hình để nhiều nông dân trong và ngoài vùng đến học tập.
Chuẩn bị bón phân cho cà phê. Ảnh: Tư liệu.
Lâm Đồng là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây cà phê, hiện đang có trên 170.000 ha, sản lượng đạt trên 500.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, TP. Bảo Lộc và Đà Lạt...
Những năm gần đây, ngoài chạy theo năng suất, nhiều nhà vườn đã bắt đầu áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn canh tác bền vững, có chứng nhận an toàn. Cà phê thuộc dòng cây có nhu cầu dinh dưỡng cao nhất là những chất như kali, lân, đạm và một số trung vi lượng. Do đó, phân bón Lâm Thao với ưu điểm vượt trội, có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng đa, trung, vi lượng giúp cho cây cà phê phát triển khỏe, bộ lá xanh sáng bóng, dày, ít rụng, cành và nhánh bẹ bóng, đậu trái cao, ít rụng trái non, trái chín đồng đều, tỷ lệ trái 2 nhân cao.
Đặc biệt, tại mỗi vùng miền, Công ty đều có các trạm giao dịch với đội ngũ cán bộ thị trường có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm có thể tư vấn cho nông dân cách sử dụng phân bón một cách khoa học, an toàn và tiết kiệm nhất.