Giá dầu có dấu hiệu tăng trở lại cùng những triển vọng từ dự án lô B Ô Môn được cho là chất “xúc tác” khiến cho nhóm cổ phiếu dầu khí nói chung và cổ phiếu PVD của PV Drilling nói riêng đang trở nên “nóng” hơn.
Đóng cửa phiên ngày 13/9, VN-Index giảm 1,22 điểm (0,1%) xuống 1.248 điểm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tăng khá tốt. Các mã
GAS (PV Gas),
PVC (Hóa chất và dịch vụ dầu khí),
PVS (Dịch vụ kỹ thuật dầu khí),
PGS (Kinh doanh khí miền Nam) đồng loạt bứt phá và duy trì sắc xanh. Hai mã nhỏ là
PDC (Dầu khí Phương Đông) và
PVB (Bọc ống Dầu khí Việt Nam) thậm chí còn tăng kịch trần. Nổi bật là cổ phiếu
PVD khi bứt phá 5% và trở thành một trong những mã đóng góp tích cực nhất cho thị trường.
Tăng mạnh dù bị cắt margin
Trước đó, trong phiên 12/9, cổ phiếu
PVD cũng là "điểm sáng" khi giữ vững sắc xanh trong bối cảnh thị trường chung đỏ lửa, thậm chí có thời điểm còn chạm trần. Tính từ vùng đáy xác nhận hồi đầu tháng 7, cổ phiếu này đã tăng gần 60% chỉ trong vòng hơn 2 tháng.
Hơn nữa,
PVD cũng liên tục là mã cổ phiếu tâm điểm được khối ngoại mua ròng từ tháng 8 tới nay.
Mặc dù bị đưa vào danh sách bị cắt margin nhưng cổ phiếu PVD vẫn không ngừng hút tiền (Ảnh: Int)
Đáng chú ý, trước thời điểm cổ phiếu
PVD bứt phá trong 3 phiên gần đây, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã kịp mua thêm 3,1 triệu đơn vị. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balance Fund mua 100.000 cổ phiếu. Sau giao dịch trên, tổng sở hữu của cả nhóm Dragon Capital đã tăng từ 4,77% lên 5,33%, qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 7/9.
Sẽ không có gì quá bất ngờ khi động thái của Dragon Capital lại diễn ra sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP
HCM (HoSE) ra thông báo đưa cổ phiếu
PVD vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) bởi lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của PV Drilling 6 tháng năm 2022 là số âm với gần 116 tỷ đồng.
Cụ thể, trên báo cáo tài chính tự lập quý II, PV Drilling đã ghi nhận khoản lỗ ròng hợp nhất 74 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu thuần tăng hơn 35% lên 1.505 tỷ đồng nhưng do giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp bị giảm từ 13,3% xuống còn 8,2%. Đồng thời, PV Drilling còn phải chịu lỗ tỷ giá trong khi doanh thu từ hoạt động tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi và cho vay sụt giảm.
Mặc dù kết quả thua lỗ nặng trong nửa đầu năm, nhưng nhiều công ty chứng khoán vẫn đánh giá khá cao khả năng có lãi trong năm 2022 của PV Drilling với luận điểm ngắn hạn đến từ câu chuyện “mùa đông châu Âu sắp đến”, và dài hạn hơn là đến từ dự án lô B Ô Môn.
Chẳng hạn, VNDirect dự phóng lợi nhuận ròng năm 2022 của PV Drilling có thể đạt 96 tỷ đồng, tăng 388% so với cùng kỳ.
Còn
SSI Research dự báo lợi nhuận năm 2022 của PV Drilling có thể quanh mức hòa vốn với dự phóng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2022 đạt 162 tỷ đồng, tăng 708% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, PV Drilling là một doanh nghiệp thượng nguồn trong lĩnh vực dầu khí và kết quả kinh doanh vẫn chịu ảnh hưởng nhất định từ diễn biến giá dầu thế giới. Hơn nữa, doanh nghiệp này đã từng nhiều lần gây choáng váng cho nhà đầu tư về những khoản lỗ đầy bất ngờ. Vì vậy việc “xuống tiền” với cổ phiếu
PVD vẫn cần cân nhắc thiệt hơn.
“Đánh cược” với cổ phiếu dầu khí?
Nhìn chung, không riêng gì cổ phiếu
PVD mà nhiều cổ phiếu dầu khí khác cũng được dòng tiền tìm đến với chung một luận điểm như trên. Bởi thực tế nhóm cổ phiếu dầu khí thường có độ “nhạy” rất cao mỗi khi xuất hiện những thông tin dự báo giá dầu khí tăng.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), ngành dầu khí nhận được thông tin tích cực về lô B Ô Môn (sẽ sớm được phê duyệt đầu tư cuối cùng) và giá dầu đang có xu hướng bật tăng trở lại sau đợt giảm trước đó, nên cổ phiếu dầu khí cũng có thêm chất xúc tác để có "sóng" trong vài tuần nay.
“Bản chất cổ phiếu dầu khí Việt Nam từ trước đến nay có tính tương quan với biến động của giá dầu trên thị trường thế giới, nên khi giá dầu tăng cao trở lại thì cổ phiếu dầu khí hút được dòng tiền trên thị trường”, ông Trung nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Trần Hà Xuân Vũ, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lại cho rằng, sẽ cần có độ trễ để phản ánh dự án lô B Ô Môn lên hoạt động của các doanh nghiệp và giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là thời điểm thể hiện lên kết quả kinh doanh.
Trong khi đó, trên thế giới, mặc dù hiện tại giá dầu có dấu hiệu tăng, song giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã giảm khoảng 35
USD/thùng trong 3 tháng qua, khi mối lo ngại suy thoái kinh tế tác động tới nhu cầu năng lượng ngày càng mạnh.
Giới phân tích nhận định, có nhiều yếu tố khó đoán định khiến thị trường lo ngại về nhu cầu năng lượng, tạo áp lực giảm lên giá dầu. Chưa kể, mối lo ngại suy thoái kinh tế và giảm chi tiêu có nguy cơ đẩy giá dầu xuống mức thấp hơn nữa.
Như vậy, việc dự báo giá dầu đang trở nên khó khăn hơn, bởi những yếu tố chi phối giá dầu hiện khó đoán định. Do đó, nhà đầu tư nên giữ quan điểm thận trọng với nhóm cổ phiếu này.
Chia sẻ với VNBusiness, chuyên viên phân tích Đ.Đ.T của Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông tới tại châu Âu đang đẩy giá xăng dầu tăng nhưng điều này vẫn chưa khẳng định được xu hướng tăng mạnh hay không. Nhiều dấu hiệu cho thấy giá dầu vẫn trong xu hướng giảm nhiều hơn. Trong khi đó, giá dầu và khí tăng cao sẽ tạo áp lực lên lạm phát, dẫn tới chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng. Mặt khác, dự án lô B Ô Môn được cho là yếu tố hấp dẫn cho cổ phiếu dầu khí nhưng đây là lại là "câu chuyện hay" cho vài năm tới.
“Ở thời điểm hiện tại, đầu tư vào cổ phiếu dầu khí mà chỉ dựa vào giá dầu thế giới có lẽ là vẫn mạo hiểm”, ông T. nói.