Nhu cầu vận tải tăng đột biến, trong khi năng lực đáp ứng lại có hạn, đang ảnh hưởng lớn đến thị trường tàu vận tải LNG.
Để đảm bảo có đủ năng lượng cho mùa đông, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang tìm tới nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar để thay thế nguồn cung từ Nga. Công ty nghiên cứu thị trường Kpler cho biết, trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu LNG của EU đã tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài EU, cơn khát năng lượng cũng lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Điều này đã kéo theo sự gia tăng đột biến về nhu cầu đối với các tàu vận tải LNG, buộc các doanh nghiệp phải chạy đua quyết liệt để đảm bảo năng lực vận chuyển của mình. Điều này được dự báo có thể tạo thành một điểm nghẽn, khiến việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên khó khăn hơn.
Theo Wall Street Journal, nhu cầu vận tải tăng đột biến, trong khi năng lực đáp ứng lại có hạn, đang ảnh hưởng lớn đến thị trường tàu vận tải LNG. Các báo cáo vận tải hàng hải cho thấy, hiện chỉ còn một tàu chở LNG sẵn sàng cho thuê với hải trình tại khu vực châu Á trong vòng hai tháng tới. Còn các tàu chuyên hoạt động trên tuyến Đại Tây Dương đã kín lịch.
"Sự thiếu hụt xảy ra là bởi khối lượng nhiên liệu cần vận chuyển đã tăng lên khi các tuyến giao thương thông thường bị sụp đổ. Châu Âu hiện đang nhập khẩu khí đốt từ Mỹ thay vì Nga. Với khoảng cách xa như vậy cần những tàu vận tải lớn. Ngoài ra, châu Âu còn phải nhập khẩu từ cả Qatar và các nước Trung Đông khác", ông Giorgos Xiradakis - chuyên gia tư vấn hàng hải cho hay.
Một tàu chở khí đốt hóa lỏng. Ảnh: Reuters
Thực trạng cung không đủ cầu khiến giá thuê các tàu chở nhiên liệu tăng chóng mặt. Theo công ty phân tích dữ liệu Spark Commodities của Singapore, giá thuê các tàu LNG trong giai đoạn từ giữa tháng 9 - 11 đã tăng lên hơn 105 nghìn USD/ngày cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê cơ sở hạ tầng lưu trữ và thực hiện công tác giao nhận khí LNG trên biển cũng tăng gấp đôi so với hồi đầu năm 2021.
Ông Kaushal Ramesh - Chuyên gia kinh tế, công ty tư vấn Rystad Energy cho biết: "Giá tàu chở nhiên liệu cao hơn và tỷ lệ thuê tàu tăng làm ảnh hưởng đến chuỗi giá trị LNG. Điều đó cũng đẩy giá LNG toàn cầu đã ở mức cao lại càng tiếp tục tăng".
Nhằm đáp ứng những hợp đồng vận chuyển, các doanh nghiệp khai thác tàu chở LNG cũng đầu tư mua thêm nhiều tàu chuyên dụng. Theo công ty vận tải biển Clarkson, 24,1 tỷ USD đã được thanh toán cho các đơn đặt hàng tàu chở LNG mới kể từ đầu năm đến nay, cao gấp rưỡi con số của cả năm 2021, qua đó nâng tổng số tàu nằm trong danh sách đặt hàng trên toàn cầu lên mức 257.
Hàn Quốc - nhà sản xuất tàu chở LNG lớn nhất thế giới thậm chí đã không còn công suất dư thừa để tiếp nhận các đơn đặt hàng mới trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2027.