Thanh khoản thị trường không như kỳ vọng đang đặt ra câu hỏi về tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là ảnh hưởng của một vài yếu tố trong ngắn hạn và yếu tố nội tại sẽ là lợi thế để thu hút dòng tiền cũng như nhà đầu tư quay trở lại thị trường.
Đóng cửa phiên ngày 14/9, VN-Index tiếp tục rơi vào xu hướng giảm điểm khi số mã đỏ tăng áp đảo. Mặc dù thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với phiên trước đó, đạt 13.460 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, nhưng so với giá trị trung bình 15.000-18.000 tỷ đồng trong vài tuần trước đó thì mức thanh khoản có sự sụt giảm tương đối.
Thanh khoản sụt giảm
Đáng chú ý, thanh khoản bỗng dưng “tụt áp” bắt đầu từ phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ (phiên 12/9) với giá trị giao dịch khớp lệnh xuống mức thấp nhất kể từ 27/7, đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Con số này sang tới phiên 13/9 cũng chỉ nhích lên gần 10.200 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường đang ghi nhận mức sụt giảm tương đối so với giá trị trung bình trong vài tuần trước đó.
Như vậy, thanh khoản thị trường đang đi ngược với dự báo của các chuyên gia về việc thị trường sẽ trở nên sôi động hơn với mức thanh khoản có thể tăng khoảng 20-30%, sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+2 (từ ngày 29/8) và giao dịch lô lẻ (từ ngày 12/9), tùy thuộc vào mức độ hưng phấn của nhà đầu tư.
Không chỉ vậy, thanh khoản giảm trở lại trong bối cảnh Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, tiếp nối đà giảm trong tháng 7, sang tháng 8, số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân mở mới tiếp tục giảm mạnh 22,1%. So với kỷ lục đạt được vào tháng 5/2022 thì số tài khoản mở mới đã giảm 3 lần.
Hơn nữa, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã quay lại vị thế bán ròng trong tháng 8 với giá trị 777 tỷ đồng. Tất cả những yếu tố này dấy lên nghi hoặc, phải chăng nhà đầu tư đã không còn “hứng thú” với kênh đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một điều rằng, mặc dù trong tháng 8 số lượng mở tài khoản mới giảm mạnh nhưng vẫn là mức trung bình cao so với năm 2021. Không chỉ vậy, thanh khoản vẫn ghi nhận đà hồi phục với giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với tháng trước đó.
Chuyên gia cho rằng, VN-Index đã bước vào vùng kháng cự mạnh 1.250-1.280 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên dè dặt hơn. Trong khi đó, việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ sau mùa soát xét bán niên cũng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn trong các quyết định mua bán, cho nên cũng hạn chế thanh khoản của thị trường.
Bên cạnh đó, việc giao dịch lô lẻ là đặt dễ nhưng khớp lại khó cũng được cho là yếu tố cản trở mức độ giao dịch của nhà đầu tư. Bởi thực tế, ngay trong phiên đầu tiên giao dịch lô lẻ, nhiều nhà đầu tư đã than phiền rằng, dù có thể dễ dàng đặt lệnh nhưng lại mất rất nhiều thời gian để khớp lệnh, thậm chí có những lệnh mua bán chờ cả ngày nhưng không thể khớp thành công.
Mặt khác, dòng tiền vào chứng khoán gặp trở ngại cũng được cho là đến từ lo ngại lãi suất sẽ tiếp tục có xu hướng tăng thời gian tới.
“Lạm phát trên thế giới còn có thể tiếp tục ở mức cao, lãi suất có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ”, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định.
Thu hút dòng tiền từ yếu tố nội tại
Theo đánh giá của giới phân tích, những yếu tố trên chỉ tác động đến thị trường trong ngắn hạn bởi chứng khoán Việt vẫn có những lợi thế nhất định từ yếu tố nội tại để thu hút dòng tiền.
Thực tế cho thấy, những chỉ số vĩ mô của Việt Nam vẫn khá tích cực trong 8 tháng qua và những ảnh hưởng ở bên ngoài chưa phản ánh nhiều vào nền kinh tế Việt Nam.
Mặc dù vẫn còn một số áp lực về lãi suất và tỷ giá từ bên ngoài, tuy nhiên, SGI Capital cho rằng, giai đoạn áp lực tỷ giá cùng lãi suất căng thẳng và bất ngờ nhất có thể đang dần đi qua. Ngân hàng Nhà nước sẽ có thêm dư địa điều hành từ cuối quý IV khi tốc độ thắt chặt tiền tệ chậm lại trên toàn cầu. Điều này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực hơn đối với thị trường chứng khoán.
Mới đây, Moody’s cũng đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng “ổn định”. Điều này cho thấy sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm.
Pyn Elite Fund ước tính, GDP quý III sẽ tăng trưởng 13%, tích cực hơn nhiều so với mức giảm 6% trong quý III năm trước. Đáng chú ý, dù kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát, con số trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan trong dài hạn nhờ vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao. Điều này được đánh giá sẽ mang tới động lực cho thanh khoản thị trường. Trong khi đó, dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư còn nhiều và chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn.
“Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định”, Dragon Capital đánh giá.
Hiện tại, thị trường chuẩn bị bước vào giai đoạn đón “sóng” kết quả kinh doanh quý III, đồng thời hướng dần về quý IV. Trước mắt, đây sẽ là yếu tố tích cực khiến dòng tiền sôi nổi hơn, sau giai đoạn ở trong “vùng trũng” thông tin.
Mặt khác, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, hàng loạt công ty chứng khoán như Vietinbank Securities (CTS), VPS, VDSC, DAS... đã nhanh chóng cung cấp bảng giá lô lẻ giúp thuận tiện hơn trong việc theo dõi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua – bán.
“Kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá trị giao dịch tăng trưởng khi nhà đầu tư dễ dàng bán những chứng khoán lô lẻ còn lại trong tài khoản hoặc mua thêm chứng khoán lô lẻ cho tròn một lô giao dịch (lô chẵn)”, một chuyên gia đánh giá.